Ngày 13-4-1975, Ủy viên thường vụ Khu ủy miền Đông Lê Quang Thành phổ biến cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Biên Hòa nông thôn về Nghị quyết của Khu ủy miền Đông với quyết tâm giải phóng tỉnh và những công việc liên quan đến công tác tiếp quản.
Ngày 13-4-1975, Ủy viên thường vụ Khu ủy miền Đông Lê Quang Thành phổ biến cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Biên Hòa nông thôn về Nghị quyết của Khu ủy miền Đông với quyết tâm giải phóng tỉnh và những công việc liên quan đến công tác tiếp quản.
Ban Chấp hành Tỉnh ủy Biên Hòa nông thôn năm 1972-1975. |
Chúng tôi tổ chức đưa đồng chí Thành đi bằng xe Jeep từ Bình Sơn (huyện Long Thành) theo đường 10 đến Xuân Lộc sau đó quay về văn phòng Tỉnh ủy ở Suối Quít (huyện Long Thành).
Vài ngày sau, các đồng chí: Phó bí thư Khu ủy miền Đông Lê Đình Nhơn, phái viên Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Trọng Cát cũng truyền đạt các chỉ đạo của cấp trên về nhiệm vụ giải phóng Biên Hòa. Thời cơ đã chín mùi…
Sau cuộc họp liên tịch ngày 24-4-1975 giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với các đồng chí trong Quân đoàn 2, khi ra về đồng chí An, Chỉ huy trưởng Quân đoàn 2, gặp riêng tôi nói: “Anh Lê Trọng Tấn (Phó tư lệnh Miền) muốn gặp anh...”. Ngay chiều đó, tôi cùng 2 cận vệ lên xe Commanca từ đầu sở Bình Sơn chạy thẳng theo đường 10 đi hướng Xuân Lộc, xe chạy chừng 15 phút sau thì gặp đồng chí Lê Trọng Tấn giữa hàng quân, xe pháo dài hàng cây số. Đồng chí Lê Trọng Tấn vui vẻ nói: “Quân đoàn 4 chúng tôi sẽ tiến quân trên quốc lộ 1, ngang qua Trảng Bom”. Tôi khẳng định: bộ đội, du kích địa phương cùng đồng bào sẽ hỗ trợ quân giải phóng tối đa, cùng nổi dậy giải phóng Biên Hòa. Đồng chí Tấn vỗ vai tôi, hẹn gặp nhau sau ngày đại thắng.
Song song với việc khẩn trương chỉ đạo triển khai kế hoạch tác chiến ở các địa phương trong tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập Ban quân quản và UBND cách mạng lâm thời ở các địa phương ngay khi tiếp quản. Ở khu vực Long Thành - Nhơn Trạch, 17 giờ ngày 26-4, pháo lớn của ta đặt ở đồng Xã Hoàng nã vào các mục tiêu ở chi khu Long Thành và căn cứ Nước Trong. Cùng lúc, xe tăng ta mở đường cho bộ binh từ khu vực Bình Sơn tiến tới những mục tiêu định trước. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở 2 nơi suốt đêm đó tới ngày hôm sau.
Ngày 27-4, lực lượng ta cơ bản làm chủ thị trấn Long Thành, Ủy ban Quân quản thị trấn Long Thành chuẩn bị ra mắt nhân dân, gồm: đồng chí Lê Hoàng Kế là Chủ tịch; 2 Phó chủ tịch Đỗ Hồng Kiệt và Nguyễn Thanh Sơn, các ủy viên là Nguyễn Văn Y và đồng chí Khởi…
Xe tăng địch ngoan cố phản kích quyết liệt ở đầu cầu Nước Trong suốt ngày 27 đến tận ngày 29-4, ta phải tiếp tục đánh địch co cụm ở ngã ba Thái Lan.
Cánh quân đánh chi khu Long Thành chia làm 2 mũi: một mũi đánh dọc quốc lộ 15 xuống Bà Rịa - Vũng Tàu; một mũi đánh tạt sang Nhơn Trạch. Lực lượng tỉnh chịu trách nhiệm đánh cụm pháo 105 ly địch ở Phước Thiền. Địch hạ nòng pháo bắn ngang mặt đất, các chiến sĩ ta dũng cảm mưu trí đánh úp, tiêu diệt số lính, thu 3 khẩu nguyên vẹn. Đồng chí Phạm Thanh Lý, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, cùng Đảng bộ cơ sở chỉ đạo lực lượng 3 mũi tại ấp, xã đã bao vây bức rút, bức hàng một số đồn bót địch. Đồng chí Đoàn Ngọc Tuấn, Bí thư Huyện ủy Duyên Hải (lúc đó trực thuộc Biên Hòa) trực tiếp chỉ đạo lực lượng huyện bao vây bức rút chi khu Quảng Xuyên.
Hàng trăm đồng bào các xã: Phước Thiện, Phú Hội, Long Tân hăng hái góp phần lo cơm nước cho các đơn vị bộ đội chủ lực theo đường 17 tiến về Sài Gòn, chăm sóc thương binh, tặng quà và hoa cổ vũ quân ta hăng hái chiến đấu.
Sáng ngày 28-4, ta tiến công chi khu Nhơn Trạch. Địch chống trả quyết liệt, đến chiều thì chúng tháo chạy hoảng loạn về phía Cát Lái. Chúng tôi chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện ủy Nhơn Trạch tiếp quản chi khu lúc ấy gần như đã tan hoang. Ủy ban Quân quản các thị tứ, quận lỵ chuẩn bị ra mắt nhân dân gồm: đồng chí Ba Đạm là Chủ tịch, đồng chí Nam Thành là Phó chủ tịch, các ủy viên là: Tư Nhân, Năm Hải, Sáu Báo và nữ đồng chí Sáu Vân.
Sáng 29-4, bộ đội đánh yếu khu kho đạn Thành Tuy Hạ, đến trưa thì địch bỏ chạy bằng đường tàu thủy. Pháo 130 ly tầm xa của ta đặt tại Nỗng Giang Lò (xã Phú Hội) và đồi Bình Phú (xã Long Tân) bị nhiều tốp máy nay địch đến ném bom. Pháo cao xạ và súng bộ binh ta đan lưới lửa trên trời, bắn hạ 2 máy bay chiến đấu, bảo vệ an toàn 2 cụm pháo. Trong lúc đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Nhơn Trạch chỉ đạo huy động trên 100 xuồng, ghe, tàu các loại tập kết ở bến phà Cát Lái giúp bộ đội chủ lực vượt sông Đồng Nai, sang Thủ Đức tiến về Sài Gòn.
Chiều 29-4, đứng ở bến phà Cát Lái, tôi tận mắt chứng kiến quang cảnh hoành tránh đại quân ùn ùn vượt sông Đồng Nai trong lửa đạn bằng xuồng ghe, tàu. Nhiều chiến sĩ bơi qua sông bằng phao, trực chỉ mục tiêu là nội ô Sài Gòn, khí thế thật sôi động. Trưa ngày 30-4-1975, xe tăng quân ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập, đầu não cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Chính quyền Việt Nam cộng hòa hoàn toàn tan rã. Miền Nam được giải phóng. Thời khắc ấy mãi mãi đi vào lịch sử, là bài ca chiến thắng không thể nào quên trong lòng người dân Việt.
Nguyễn Văn Thông
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa nông thôn 1972-1975