Báo Đồng Nai điện tử
En

Người uy tín phát huy vai trò cầu nối

07:02, 27/02/2016

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực vươn lên, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên làm kinh tế, ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực vươn lên, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên làm kinh tế, ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Ông Lý Nàm Sáng, người có uy tín ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa), thăm, động viên gia đình bà Loan Thị Múi có chồng là ông Lày Chiểu Tường bị bệnh hiểm nghèo.
Ông Lý Nàm Sáng, người có uy tín ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa), thăm, động viên gia đình bà Loan Thị Múi có chồng là ông Lày Chiểu Tường bị bệnh hiểm nghèo.

Có được thành quả trên không thể không kể đến vai trò cầu nối của những người uy tín. Họ đã góp phần quan trọng trong tuyên truyền, vận động đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo đồng bào, giúp đồng bào có thêm niềm tin và một lòng đi theo Đảng.

* Vươn lên từ tay trắng

Trước đây, gia đình ông Mai Văn Lượng, dân tộc Chơro ở ấp Ruộng Lớn, xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) thường không đủ ăn, nhà cửa tạm bợ. Sau khi được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật trồng bắp, lúa năm 2013, gia đình ông Lượng thuê thêm 2,7 hécta đất ruộng cùng với 4 hécta đất ruộng của gia đình để trồng lúa và bắp. Với thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, cuộc sống của gia đình ông Lượng đã ổn định hơn trước. Ông còn xây được căn nhà cấp 4 khang trang và mua sắm máy móc phục vụ sinh hoạt.

Không chỉ vươn lên làm kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, nhiều tấm gương sản xuất - kinh doanh giỏi trong đồng bào dân tộc còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn sản xuất, tạo việc làm để tăng thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo, đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với cách nghĩ, cách làm như ông Lượng, nhiều hộ đồng bào dân tộc trong tỉnh có thu nhập cao từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của gia đình. Năm 2015, toàn tỉnh có 975 hộ sản xuất - kinh doanh giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 2,46% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh), tăng 106 hộ so với năm 2014.

Sau gần 30 năm vào Đồng Nai lập nghiệp, từ 2 bàn tay trắng đến nay gia đình ông Sần Sùi Khìn, dân tộc Hoa, ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), sở hữu khoảng 28 hécta tiêu, điều, cà phê đem lại thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí. Ông Khìn chia sẻ, vợ chồng ông không chỉ đồng lòng chịu khó lao động, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quá trình trồng trọt, trúng mùa, trúng giá.

* Hỗ trợ đồng bào khó khăn

Toàn tỉnh hiện có 214 người có uy tín được công nhận tại Quyết định số 608 ngày 17-3-2015 của UBND tỉnh. Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, trong năm 2015, người uy tín đã phát huy được vai trò nòng cốt, là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó, người uy tín đã tuyên truyền, vận động đồng bào dọn dẹp vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới và phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Ngoài vận động nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở, trong năm 2015 người uy tín còn tham gia hòa giải thành công 27 vụ liên quan đến tranh chấp đất đai, mất trật tự và mâu thuẫn gia đình; vận động 2,5 ngàn phần quà trị giá trên 500 triệu đồng hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, người uy tín đã cùng với chính quyền địa phương tạo việc làm cho đồng bào, vận động mạnh thường quân và đồng bào đóng góp trên 1,3 tỷ đồng, hiến đất làm đường góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tiêu biểu là ông Điểu Trường Xê, người uy tín ấp Đồng Xoài, xã Túc Trưng (huyện Định Quán) đã chủ động liên hệ và hợp đồng với các công ty nhận hàng thủ công... để bà con làm những lúc nhàn rỗi với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Ông Xê cho biết, việc làm này không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp đồng bào tự lập, không ỷ lại trông chờ vào các chính sách của Đảng, của Nhà nước. Ngoài ra, ông Điểu Trường Xê còn vận động bà con trong ấp tham gia các lớp tập huấn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập… Nhờ vậy, tính đến đầu năm 2016, ấp Đồng Xoài chỉ còn 9 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, vai trò của người uy tín còn được thể hiện rõ nét trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Nhiều lễ, tết của đồng bào dân tộc được tổ chức tiết kiệm, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn. Điển hình có ông Thù Sau Hy, người uy tín ở phường Xuân Trung (TX.Long Khánh), đã vận động được 3 hộ gia đình tổ chức tang lễ rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 4 ngày theo quy định; ông Lý Nàm Sáng, người có uy tín ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa), vận động mạnh thường quân ủng hộ kinh phí tổ chức tang lễ theo phong tục người Hoa cho một người dân tộc Hoa tại phường.

Nga Sơn

 

 

Tin xem nhiều