Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để sự khác biệt về ý thức hệ cản trở hội nhập và phát triển

12:01, 16/01/2016

Là một trong những chuyên gia đầu ngành về chính trị học của Việt Nam, GS.TS Dương Xuân Ngọc, nguyên Phó giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền cho rằng, thành tựu 30 năm đổi mới mà Đảng khởi xướng và lãnh đạo có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước...

Là một trong những chuyên gia đầu ngành về chính trị học của Việt Nam, GS.TS Dương Xuân Ngọc, nguyên Phó giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho rằng thành tựu 30 năm đổi mới mà Đảng khởi xướng và lãnh đạo có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế với nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. GS.TS Dương Xuân Ngọc cho biết:

Biến cơ hội thành động lực và điều kiện cho phát triển không hề đơn giản, đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề, trong đó có 3 khâu đột phá chiến lược được Đảng xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

“Làm mới” hệ thống chính trị 

* Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nhân dân khẳng định: thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, chưa tạo được đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ý kiến của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- Thể chế kinh tế thị trường cần được hiểu một cách đầy đủ trên 4 phương diện, bao gồm: luật pháp (luật chơi); các chủ thể của nền kinhh tế (người chơi); cơ chế, chính sách (cách chơi) và thị trường (sân chơi). Trước đây, mình chỉ hiểu thể chế theo nghĩa hẹp (những quy định mà tập trung ở những quy định pháp lý - luật chơi). Chỉ có trên cơ sở nhận thức đầy đủ như vậy mới hy vọng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để thể chế được sớm xây dựng và hoàn thiện, trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật; hệ thống doanh nghiệp cần được tái cấu trúc lại cho phù hợp với yêu cầu của thị trường; cơ chế, chính sách cần tạo động lực cho phát triển và phải xây dựng đồng bộ. Muốn vậy, hệ thống chính trị cần đổi mới mạnh mẽ, trong đó bộ máy tổ chức Đảng cũng cần phải đổi mới theo hướng tinh gọn, phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường, tránh cồng kềnh, chồng chéo, không rõ chức năng. Điều này rất cần một tư duy đột phá về đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động.

Hiện nay, trên thế giới đang phát triển mạnh về nhóm tư vấn chính sách, tư vấn chiến lược (think tank). Đảng ta cũng nên tạo dựng cho mình đội ngũ trí thức tinh hoa về chính trị, những chuyên gia tư vấn chiến lược cả về đường lối chính sách và pháp luật …

Một nội dung có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phải hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, trong đó Đảng cần nâng cao năng lực cầm quyền, Nhà nước phải nâng cao năng lực quản trị xã hội và dịch vụ công; còn nhân dân cần nâng cao vai trò của người chủ nước nhà, không chỉ có ý thức mà cả năng lực làm chủ…

* Hoàn thiện, đổi mới theo hướng nào, thưa giáo sư?

- Sự lãnh đạo của Đảng cần phải được hiểu một cách mới hơn, như trên đã nói nâng cao năng lực cầm quyền, Đảng lãnh đạo một cách khoa học, dân chủ theo pháp luật và vì hạnh phúc của nhân dân. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thành phần kinh tế tư nhân (ngoài Nhà nước) có xu hướng phát triển. Bởi vậy, đã đến lúc cần nhận thức mới và tiến hành sự lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân một cách sáng tạo.

Cùng với việc đổi mới nhận thức và “làm mới” phương thức lãnh đạo của Đảng, chúng ta cũng cần đổi mới tư duy về chức năng quản lý của Nhà nước. Nhà nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế thị trường không chỉ là quản lý, cai trị mà là kiến tạo và quản trị sự phát triển cũng như thực hiện chức năng dịch vụ công.

Trong quan hệ Đảng - Nhà nước cũng phải đổi mới. Đảng lãnh đạo xã hội không thể bằng công cụ đặc hữu của Nhà nước, chức năng cưỡng chế mà bắt buộc phải lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, bằng giáo dục, thuyết phục, bằng hành động nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt bằng công tác cán bộ và công tác kiểm tra. Do đó, cần phân biệt rõ chức năng của Đảng cầm quyền và chức năng của  Nhà nước pháp quyền.

* Điều này có nghĩa, chúng ta phải đổi mới cả hệ thống chính trị?

- Đúng vậy. Không chỉ có Đảng, Nhà nước cần đổi mới mà các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Mặt trận cũng phải làm mới cả về tổ chức và phương thức hoạt động mà trọng tâm là phải thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nếu MTTQ cùng các tổ chức thành viên không thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội thì khó có thể ngăn chặn được tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó có cán bộ có chức, có quyền suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống và tình trạng Đảng bao biện, làm thay, thậm chí độc quyền trong Đảng  là khó tránh khỏi.

Đặc biệt trong điều kiện đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế đầy đủ như hiện nay, đổi mới hệ thống chính trị, trước hết là đổi mới tư duy.

* Thay đổi điều như giáo sư nói không dễ, nhưng trong điều kiện thế giới đang hội nhập sâu rộng như hiện nay thì đúng là những việc phải làm?

- Tôi khẳng định rằng dù có đổi mới, hội nhập sâu rộng, thì ý thức hệ của chúng ta vẫn phải là ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và, hơn thế nữa, sự khôn ngoan, sáng tạo trong điều kiện hiện nay là đừng để sự khác biệt về ý thức hệ cản trở sự hội nhập và phát triển đất nước. Bởi vậy, việc vận dụng phải linh hoạt, mềm dẻo theo phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Trọng dụng người tài

* Có vẻ như giáo sư đang rất lo lắng cho những nguyên nhân làm đất nước chậm phát triển?

- Một thực tế đang tồn tại hiện nay là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức thoái hóa, biến chất. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự chậm phát triển, và đây là nguyên nhân chủ quan, do con người chứ không đổ phải do khách quan, không phải do chiến tranh. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nên chúng ta không thể  đổ lỗi mãi cho chiến tranh, mặc dù trong sâu thẳm là có nhưng phải thẳng thẳn nhìn nhận năng lực quản trị xã hội nói chung và quản trị kinh tế nói riêng của mình còn non kém.


Có người cho rằng trong điều kiện hội nhập, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa lớn hơn, nhưng bây giờ phải có nhận thức mới, hội nhập để tiếp thu văn minh nhân loại thì sự chệch hướng khó hơn nhiều so với nguy cơ tụt hậu vì giữa yếu tố bên ngoài với yếu tố bên trong, bao giờ yếu tố bên trong cũng quyết định.Tiếp thu thành tựu nhân loại nhưng tham nhũng, lợi ích nhóm tăng lên thì nguy cơ bên trong  mới là nguy  hiểm. Hiện nay, nguy cơ hiện hữu của đất nước là nạn tham nhũng, lợi ích nhóm. Nguy cơ tham nhũng đang trở thành nguy cơ của các nguy cơ, nếu không ngăn chặn, đẩy lùi  cộng với lãng phí, quan liêu sẽ  phá từ bên trong phá ra.

Hơn nữa, có một thực tế đáng buồn là chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước chưa phát huy tác dụng. Tình trạng lãng phí, chảy máu chất xám chưa được ngăn chặn dẫn đến nhân tài chưa được quy tụ, khơi dậy và phát huy tiềm năng, thế mạnh.

* Điều này có nghĩa là phải đổi mới từ giáo dục?

- Xét từ giác độ văn minh, cho đến nay có 3 nền văn minh quy định 3 nền giáo dục, mà 3 nền giáo dục này lại tác động đến tư duy, hành xử của con người. Văn minh nông nghiệp có nền giáo dục xin - cho, nền giáo dục thầy cho, trò nhận, nên trong xã hội thịnh hành phương thức xin - cho. Nền văn minh công nghiệp quy định một nền giáo dục khuôn mẫu, dạy và học theo khuôn mẫu, mọi hoạt động xã hội đều rập theo khuôn mẫu, giết chết sáng tạo. Nhân loại hiện đã chuyển sang nền văn minh hậu công nghiệp, tức là văn minh tri thức, đòi hỏi sự sáng tạo, không thể xin - cho, khuôn mẫu được nữa. Phải thay đổi từ giáo dục, không thể  học vẹt, học thuộc lòng, học để biết mà là học để làm sáng tạo.

* Làm sao để xây dựng đội ngũ chất lượng cao, thưa giáo sư?

- Trước hết, phải bắt nguồn từ thực tiễn. Thực tiễn yêu cầu nguồn lực gì thì đào tạo hoặc cử đi đào tạo loại nguồn lực ấy. Tức là đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu.

Thứ hai, Đảng, Nhà nước cần đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ, trong đó có việc nhập những công nghệ hiện đại để tạo điều kiện cho nhân tài có cơ hội bộc lộ tài năng.

Th ba, Đảng, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng nhân tài, đặc biệt là sự thừa nhận cầu xã hội về sự đóng góp của nhân tài cho đất nước.

* Xin cảm ơn giáo sư!

Nguyễn Phượng (thc hin) 

 

Tin xem nhiều