Tiếp tục chương trình làm việc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã dành cả ngày 22-1 để thảo luận tại hội trường về các văn kiện Đại hội XII của Đảng....
Tiếp tục chương trình làm việc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã dành cả ngày 22-1 để thảo luận tại hội trường về các văn kiện Đại hội XII, gồm: Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước điều hành phiên họp chiều 22-1. Ảnh: TTXVN |
Các đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận.
Đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế
Đại tướng TRẦN ĐẠI QUANG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an: Thời gian tới, ngành công an sẽ nâng cao năng lực nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, nhận diện sớm các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh, trật tự và triển khai có hiệu quả đường lối đối nội, đối ngoại của đất nước. |
Rất nhiều vấn đề liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đã được đưa ra thảo luận nhằm làm rõ những thành tựu đạt được cũng như những khó khăn, thách thức của đất nước trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Trình bày tham luận về “Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách. Theo đó, trọng tâm đổi mới thể chế kinh tế trong giai đoạn tới cần dựa trên 3 trụ cột: Một là thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường. Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm 7%, có nghĩa là tương đương với mức tăng trưởng GDP hàng năm 8% để đến năm 2035 có mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 – 18.000 USD. Hai là, phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia. Ba là, để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài cần có một chương trình cải cách tích cực, đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo; xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam.
Đề xuất một số giải pháp có tính đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Đinh La Thăng cho rằng cần sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải thông qua việc rà soát đề nghị các chiến lược quy hoạch phát triển ngành, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, ngành chú trọng để các địa phương tham gia mạnh mẽ hơn vào huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án.
Trong tham luận với chủ đề “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, những vấn đề đặt ra cho giai đoạn tới”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới cần có chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng, sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự quản lý thống nhất của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Bảo đảm tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu chính trị ngoại giao và mục tiêu chiến lược trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; chú trọng thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mức độ cam kết và tự do hóa thương mại ngày càng cao hơn; cần có sự thống nhất mục tiêu hội nhập từ trung ương đến địa phương.
Đề cao vai trò của nhân dân
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, cho biết TP.Hồ Chí Minh được Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị xác định là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, khoa học - công nghệ, có sức lan tỏa lớn ở vùng kinh tế phía Nam. 5 năm qua, Đảng bộ và chính quyền nhân dân thành phố đã ngày càng khẳng định vai trò vị trí kinh tế thành phố trong nền kinh tế cả nước.
Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Quân đội sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ ngành, đoàn thể Trung ương, nhất là lực lượng công an và đối ngoại thực hiện tốt công tác dự báo chiến lược; trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, có đối sách phù hợp để xử lý thắng lợi các tình huống, các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế, nhất là với các nước láng giềng, các nước trong cộng đồng ASEAN và các nước lớn, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ về chiến lược. |
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng hiện nay chưa có cơ chế liên kết để phát huy thế mạnh cùng với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị các chính sách phải chú ý đến động lực của từng vùng miền, tạo không gian phát triển cho các địa phương: “Quy hoạch minh bạch cơ chế ủy quyền, phân cấp, phân quyền cho địa phương, đồng thời hoạch định chính sách, ban hành quy định, kiểm tra, giám sát, chế tài...” - đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị. Điều cốt yếu theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, nhân dân phải được tham gia trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, đồng thời phải tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong quản lý, điều hành...
Đề cập đến sức mạnh của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, thì phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn phải hướng vào mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của tất cả các ngành sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng và sáng tạo khoa học - công nghệ, hội nhập quốc tế thắng lợi”.
Đồng chí Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, cho rằng trong thời gian tới, đất nước ta sẽ bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức đa dạng và có nhiều yếu tố phức tạp. “Cần nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện về lợi ích tổng thể của quốc gia - dân tộc hiện nay là phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước và nâng cao đời sống nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Giữ vững ổn định chính trị và an ninh quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước” - đồng chí Hoàng Bình Quân nhấn mạnh.
Trong 2 ngày 22 và 23-1, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thảo luận về các văn kiện đại hội. Ban Chấp hành Trung ương khóa XI báo cáo về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương XII. Ngày 24-1, đại hội nghe báo cáo của Đoàn Chủ tịch về nhân sự chuẩn bị cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Từ ngày 24-1, đại hội sẽ dành chủ yếu thời gian cho công tác nhân sự. Ngày 25-1, Đoàn Chủ tịch thông báo tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử; báo cáo về việc bầu cử và danh sách ứng cử, xin rút. Ngày 26-1, đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đoàn Chủ tịch đọc báo cáo giải trình và tiếp thu ý kiến của đại biểu về các văn kiện Đại hội XII. Công bố kết quả bầu cử và danh sách Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Ngày 27-1, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ngày 28-1, đại hội họp phiên bế mạc, thông qua Nghị quyết Đại hội XII và báo cáo kết quả bầu cử. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ ra mắt đại hội và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 thay mặt Ban Chấp hành phát biểu ý kiến và đọc diễn văn bế mạc đại hội. P.V |
Nguyễn Phượng