Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tư liệu khái quát về "Những chặng đường vẻ vang của Đảng". Đó là những mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.
Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tư liệu khái quát về “Những chặng đường vẻ vang của Đảng”. Đó là những mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Xô Viết - Nghệ Tĩnh, cao trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930-1931 |
Sau bao năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường tất yếu: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan phong trào cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để bàn việc thống nhất thành một đảng.
Từ ngày 6-1 đến đầu tháng 2-1930, hội nghị họp tại Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập ra một đảng duy nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và các Điều lệ vắn tắt của Công hội, Nông hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Phản đế đồng minh và Hội Cứu tế do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
Riêng Đông Dương Cộng sản liên đoàn đến ngày 24-2-1930 mới quyết định gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, cả ba tổ chức cộng sản Việt Nam đã thống nhất trọn vẹn vào một Đảng cộng sản duy nhất.
Đại hội lần thứ I: Khôi phục tổ chức, thống nhất các phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng
Mít-tinh quần chúng ngày 1-5-1938 tại Khu Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu Nghị). |
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên đấu tranh, trừng trị bọn đế quốc và tay sai, thoát khỏi thân phận làm nô lệ. Trong suốt 15 năm, từ năm 1930 đến 1945 đã diễn ra 3 cao trào cách mạng, mà khởi đầu là cao trào 1930-1931, đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh.
Trong lúc cao trào cách mạng đang diễn ra sôi sục, rộng khắp, từ ngày 14 đến 31-10-1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ I tại Hương Cảng (Trung Quốc) do đồng chí Trần Phú chủ trì. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Luận cương Chính trị, nghị quyết “về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng”, các nghị quyết về công nhân vận động, về nông dân vận động, về cộng sản thanh niên vận động, về phụ nữ vận động, về quân đội vận động, về vấn đề cứu tế, về Điều lệ của Đảng Cộng sản Đông Dương và điều lệ của các tổ chức quần chúng. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức của Đảng, bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1935, tại Ma Cao (Trung Quốc). Tham dự đại hội, có 13 đại biểu thay mặt gần 6 ngàn đảng viên đang hoạt động ở trong nước và ngoài nước. Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu: củng cố và phát triển Đảng, tranh thủ quần chúng rộng rãi; đẩy mạnh chống chiến tranh đế quốc; thông qua Nghị quyết chính trị và Điều lệ Đảng, các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ...
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 đồng chí, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc được cử làm đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Tháng 7-1936, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm Tổng Bí thư. Gần 2 năm sau, tháng 3-1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng Bí thư của Đảng.
Đại hội lần thứ II: Lãnh đạo đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội lần thứ II của Đảng ở căn cứ địa Tuyên Quang. Ảnh tư liệu |
Điều kiện lịch sử đã đặt ra cho Đảng ta các yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, họp từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Về dự đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 760 ngàn đảng viên.
Đây là đại hội Đảng được tổ chức lần đầu tiên trong nước. Theo sáng kiến của những người cộng sản Việt Nam được những người cộng sản Lào và Campuchia nhất trí tán thành, đại hội quyết định: do nhu cầu kháng chiến, giai cấp công nhân và nhân dân mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia cần có một đảng riêng. Ở Việt Nam, Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.
Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo Chính trị và Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh trình bày; Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng do đồng chí Lê Văn Lương trình bày, cùng những báo cáo quan trọng khác.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư.
Đại hội lần thứ III: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ở Thủ đô Hà Nội. |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp từ ngày 5 đến 10-9-1960 tại Hà Nội. Dự đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt hơn 500 ngàn đảng viên. Trong lời khai mạc đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát lịch sử 30 năm đấu tranh của Đảng, đề ra nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam và nêu rõ: “Đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 78 đồng chí, trong đó 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu tiếp tục làm Chủ tịch Đảng; đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội lần thứ IV: Hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Ảnh tư liệu |
Ðại hội lần thứ IV của Ðảng họp từ ngày 14 đến 20-12-1976 tại Hà Nội, với sự tham dự của 1.008 đảng viên thay mặt hơn 1,55 triệu đảng viên trong cả nước. Dự đại hội có 29 đoàn đại biểu quốc tế.
Đại hội lần thứ IV của Đảng là đại hội toàn thắng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, là đại hội tổng kết những bài học lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ðại hội quyết định lấy lại tên ban đầu của Ðảng là Ðảng Cộng sản Việt Nam; bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 ủy viên chính thức, 32 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư của Ðảng.
Ðại hội lần thứ V: Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng. Ảnh tư liệu |
Ðại hội lần thứ V của Ðảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1982 tại Hà Nội. Dự đại hội có 1.033 đại biểu đại diện cho hơn 1,72 triệu đảng viên trong cả nước. Đại hội đánh giá toàn diện những thắng lợi mà Đảng và nhân dân ta giành được trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975. Đại hội khẳng định: toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã khắc phục những hậu quả nặng nề do chiến tranh xâm lược và thiên tai gây ra, khôi phục và phát triển sản xuất, phân bố lại lao động xã hội, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đạt được những kết quả bước đầu.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 116 đồng chí ủy viên chính thức, 36 đồng chí ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được Ban Chấp hành Trung ương bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư của Đảng. Ngày 10-7-1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt vào ngày 14-7-1986, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.
P.V (còn tiếp)