Phòng, chống tham nhũng là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra cho đất nước trong 5 năm tới. Đây cũng được xem là giải pháp rất quan trọng nhằm củng cố lòng tin của nhân nhân vào Đảng.
Đại biểu Hồ Văn Năm |
Phòng, chống tham nhũng là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra cho đất nước trong 5 năm tới. Đây cũng được xem là giải pháp rất quan trọng nhằm củng cố lòng tin của nhân nhân vào Đảng.
Bày tỏ ý kiến của mình về nhiệm vụ chiến lược này, đại biểu Hồ Văn Năm, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết:
- Đúng là tham nhũng đang là căn bệnh gây giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng. Chính vì vậy, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng được Đảng ta đề ra trong 5 năm tới.
Để phòng, chống tham nhũng, theo tôi phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cả hệ thống chính trị trong đấu tranh chống tham nhũng nhằm không để xảy ra nạn tham nhũng trong hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch để tạo lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế, xây dựng Nhà nước, đặc biệt là thể chế về tài chính công, xây dựng cơ bản, hạ tầng, nhất là quản lý tốt hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.
Hoàn thiện cơ chế tổ chức làm sao để việc tuyển dụng công chức, viên chức, cán bộ, bổ nhiệm công chức có năng lực để hạn chế tham nhũng trong đội ngũ cán bộ.
Tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, quản lý Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; nâng cao trách nhiệm, vai trò của cơ quan phòng chống tham nhũng, truy tố, xét xử kịp thời tham nhũng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan dân cử và của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, nhất là giám sát tích cực hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, củng cố hoạt động cho các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn các biểu hiện tham nhũng xảy ra ở các dự án.
* Theo đồng chí, việc chậm xử lý các vụ án tham nhũng có phải là nguyên nhân chính làm giảm lòng tin của người dân vào Đảng?
- Xử lý chậm tội danh tham nhũng có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất do giám định tội danh tham nhũng còn chưa kịp thời và Luật Giám định tư pháp chưa được củng cố, nên từ phát hiện đến xử lý tham nhũng còn chậm trễ.
Vì vậy, chỉ có nâng cao trách nhiệm của các cơ quan đấu tranh truy tố, xét xử trong đấu tranh, điều tra các vụ án tham nhũng, những vụ việc tham nhũng mới đáp ứng được mong mỏi của Đảng và nhân dân về phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, điều tra viên, thẩm phán phải nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp. Phải có năng lực, phẩm chất đạo đức mới đảm bảo xử lý đúng tội danh, không bỏ lọt tội danh đang gây bức xúc trong xã hội này.
* Tham nhũng được xem là yếu tố bên trong, có khả năng tàn phá sự phát triển của đất nước. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
- Tham nhũng đã được xác định là một nguy cơ và tại Đại hội XII này, đẩy lùi tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng thời gian tới. Điều này cho thấy, Đảng ta đã thấy rõ nguy cơ, sự nguy hiểm của căn bệnh này.
Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Phượng (thực hiện)