Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nghề" đại biểu Quốc hội

11:12, 28/12/2015

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gánh vác việc dân, việc nước chính là một "nghề" cao cả và đầy trách nhiệm. Đó là "nghề" không chỉ đòi hỏi có tâm, có tầm để hiểu dân mà còn phải biết truyền tải được tiếng nói của dân tới Quốc hội một cách hiệu quả nhất.            

 

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gánh vác việc dân, việc nước chính là một “nghề” cao cả và đầy trách nhiệm. Đó là “nghề” không chỉ đòi hỏi có tâm, có tầm để hiểu dân mà còn phải biết truyền tải được tiếng nói của dân tới Quốc hội một cách hiệu quả nhất.     

Quang cảnh các đại biểu tham gia kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Quang cảnh các đại biểu tham gia kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

   ĐBQH Dương Trung Quốc chia sẻ: “Đến nay tôi đã có gần 3 khóa làm đại biểu dân cử của Đồng Nai. Lần đầu đứng trước cử tri trình bày Chương trình hành động khi trở thành ĐBQH tôi không hứa gì cụ thể, nhưng tôi đã mang hết tâm sức của một người làm sử và làm báo, mà cốt cách nghề nghiệp chính là sự thẳng ngay để thực thi bổn phận trước cử tri”.

* Không phụ lòng cử tri

Với đại biểu Dương Trung Quốc, hơn một thập kỷ gắn bó với cử tri Đồng Nai tựa như theo học một “trường đại học lớn”, không gì sánh bằng về tri thức xã hội, kỹ năng sống và những cảm xúc về trách nhiệm của một công dân với cộng đồng. Ông nhận định: “Kỷ niệm vui buồn từ những buổi tiếp xúc cử tri càng làm cho tôi nhận thức một cách sâu sắc hơn về tình hình đất nước cũng như của Đồng Nai”. Ông cũng cho rằng tiền đồ tốt đẹp của đất nước, của Đồng Nai đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng nghỉ của người dân và sự kế thừa vinh dự, trách nhiệm của những thế hệ đại biểu của nhân dân.

Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIII, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết kế thừa truyền thống vẻ vang của Quốc hội và ĐBQH Việt Nam, Đoàn ĐBQH Đồng Nai từ khóa VI đến nay xứng đáng là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước. Cùng với hệ thống chính trị, ĐBQH tỉnh đã tích cực phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Các đại biểu đã thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, ĐBQH tỉnh Đồng Nai khóa XIII, được biết đến là người có những phát ngôn thẳng thắn và sâu sắc về nhiều vấn đề nóng, đặc biệt liên quan đến đời sống người lao động. Dẫu vậy, ông vẫn chưa hài lòng về những việc đã làm được, vì chưa đáp ứng được những gì mà cử tri kỳ vọng, gửi gắm. Đại biểu Đặng Ngọc Tùng chia sẻ: “Tôi rất trăn trở vì còn nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội chưa xử lý được, thu nhập người lao động chưa đáp ứng đời sống tối thiểu, đời sống công nhân còn tiếp tục khó khăn”.

Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà, ĐBQH tỉnh Đồng Nai, thì chia sẻ: “Khi Quốc hội khóa XIII sắp kết thúc cũng là lúc tôi cần suy ngẫm lại về hành trình 5 năm là ĐBQH của mình. Tôi luôn trăn trở với nỗi đau chất độc da cam/dioxin của người dân Đồng Nai và cả nước. Trên cương vị của mình tôi đã nỗ lực để thế giới, người dân Mỹ, Quốc hội Mỹ biết tới nỗi đau này của người dân Việt Nam. Từ năm 2011 tới nay, tôi đã nhiều lần cùng nhóm đối thoại Việt - Mỹ dẫn các đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ tới khảo sát thực trạng ô nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Sân bay Biên Hòa, từ đó Quốc hội Mỹ có kế hoạch thông qua ngân sách hỗ trợ tẩy rửa chất độc này”.

 * Hạnh phúc với “nghề”

Khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2006-2010), ĐBQH Phạm Thị Hải (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT) nghĩ rằng “nghề” ĐBQH của mình cũng sẽ kết thúc để tập trung lo công việc của ngành giáo dục, đồng thời giảm bớt những chuyến vắng nhà dài ngày. Tuy nhiên, kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIII (2011-2016) cử tri lại tiếp tục “gọi tên” đại biểu Phạm Thị Hải đứng ra gánh vác nhiệm vụ ĐBQH thêm 5 năm nữa. Đại biểu Phạm Thị Hải chia sẻ: “Giờ đây khi Quốc hội khóa XIII lại sắp kết thúc, đồng nghĩa với việc sắp kết thúc 10 năm “hành nghề” ĐBQH nhiều niềm vui và không ít nỗi buồn của tôi”.

Còn ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty phát triển khu công nghiệp Sonadezi) thì cho biết: “Được làm ĐBQH là hạnh phúc lớn trong đời. Với một phụ nữ phải gánh trên vai đôi ba việc như tôi, vừa là ĐBQH vừa là một doanh nhân và vừa là người “giữ lửa” cho hạnh phúc gia đình thì quả là những áp lực không hề nhỏ. Tôi được rất nhiều thứ khi là ĐBQH, nhưng quý hơn cả là được học những kiến thức rộng lớn để thấy mình tự tin hơn”.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều