Báo Đồng Nai điện tử
En

Học làm công tác Mặt trận

10:12, 18/12/2015

Ở tuổi 56, được hiệp thương giới thiệu vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai ngày 8-12-2015, đến nay chưa đầy tháng, thoạt đầu tôi nghĩ là mình đã già, nhưng bắt tay vào việc, mới thấy mình còn "trẻ con".

Ở tuổi 56, được hiệp thương giới thiệu vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai ngày 8-12-2015, đến nay chưa đầy tháng, thoạt đầu tôi nghĩ là mình đã già, nhưng bắt tay vào việc, mới thấy mình còn “trẻ con”. Đúng là quá trẻ con trên nền truyền thống MTTQ 85 tuổi và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam 55 tuổi. Câu hỏi đặt ra sẽ bắt đầu công việc như thế nào? Tự trả lời: học việc!

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới và linh mục Trần Phú Sơn xem bộ sưu tập tiền cổ tại giáo xứ Kẻ Sặt.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới và linh mục Trần Phú Sơn xem bộ sưu tập tiền cổ tại giáo xứ Kẻ Sặt.

Việc học đầu tiên là ở kỳ họp 16, HĐND khóa VIII: “Kiến nghị của dân cần được tiếp thu bằng tấm lòng, giải quyết bằng trách nhiệm, thực hiện trong thực tế chứ không nên chỉ đóng khuôn trong báo cáo”.

Nhân mùa Noel, trao đổi với linh mục Lê Văn Năng (giáo xứ Biên Hòa): “Ý thức hệ mặc dù còn khác nhau nhưng cùng chảy trong dòng mạch chủ nghĩa yêu nước hướng đến mục tiêu chung của dân tộc”. Tham quan bộ sưu tập cổ vật của linh mục Trần Phú Sơn (giáo xứ Kẻ Sặt): “Làm công tác tôn giáo - tín ngưỡng phải biết kết tinh giá trị văn hóa trên nền văn hóa Việt Nam”. Niềm vui của nữ tu Nguyễn Thị Phượng với công trình mới (nhà ở cho nữ tu) sắp khánh thành cho thấy: “Làm công tác tôn giáo thực chất là việc vun đắp lòng tin trên nền móng pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Câu chuyện với linh mục Phạm Sơn Lâm (giáo xứ Tân Mai đọng lại: “Lớp trẻ là nguồn lực. Điều gì nếu không gieo cấy để đọng lại trong lớp trẻ sẽ có lúc chấm hết”. Linh mục Trần Xuân Thảo (Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh) xác định: “Chức sắc tôn giáo vừa là hạt nhân, vừa là nhịp cầu nối kết tín đồ với cộng đồng dân tộc”.

Nói đến nhịp cầu, chợt nhớ đến bài học từ đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã nhắc nhở trong dịp thăm Đồng Nai ngày 9-11-2007: “Làm công tác Mặt trận phải biết xây cầu nối các thành phần dân tộc với nhau. Cây cầu trên đất xây bằng bê tông cốt thép, định lượng bằng trọng tấn, giới hạn bởi thời gian. Nhịp cầu trong dân xây bằng tấm lòng, nghĩa tình và trách nhiệm; không đo được nhưng vững bền, vô hạn”.

May mắn, trong chuyến đi nghĩa tình đến Đồng Nai ngày 17-12-2015, đồng chí Phạm Thế Duyệt dành thời gian trao đổi cùng các nguyên chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai. Cuộc trao đổi chỉ khoảng 45 phút, nhưng mở ra nhiều bài học kinh nghiệm dài lâu. Đồng chí Nguyễn Bạch Tuyết, Chủ tịch Ủy MTTQ tỉnh Đồng Nai khóa I, II, III quan tâm đến vai trò, vị trí của Mặt trận trong hệ thống chính trị: “MTTQ phải là một bộ phận trong thế kiềng ba chân vững bền”. Quan niệm của đồng chí Nguyễn Bạch Tuyết gợi đến hình ảnh cái đầu và đôi vai của cơ thể người. Đảng lãnh đạo bằng đầu (trí tuệ), nhưng phải gắn kết với đôi vai (chính quyền và khối đoàn kết toàn dân), trong đó mạch máu sự sống của Đảng chính là các thế hệ đảng viên tiên phong, gương mẫu. Đồng chí Nguyễn Bạch Tuyết nhận xét: hệ thống Mặt trận hiện nay ổn định theo trục dọc (gồm các đoàn thể, tổ chức xã hội có chân rết đến cơ sở), nhưng ở địa bàn dân cư hiện rất yếu do bệnh hành chính hóa và rời rạc, thiếu phối hợp. Mô hình tổ tự quản đã thực hiện thí điểm từ thập niên 90 cần được đánh giá, đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng để nâng cao tính tự quản của cơ sở, lấy địa bàn dân cư làm thước đo hiệu quả của công tác Mặt trận, đồng thời cũng là nơi thử thách, rèn luyện của cán bộ Mặt trận.

Đồng chí Lê Văn Triết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai khóa IV, tán thành với các cuộc vận động thiết thực do MTTQ phát động, nhất là phong trào đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh; nhưng trăn trở với nhiều vấn đề thực tế: chống bệnh thành tích trong đánh giá, xây dựng tiêu chí đô thị văn minh, xây dựng lộ trình, phương pháp và hướng dẫn hệ thống Mặt trận thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Với đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai khóa VII, đội ngũ người cao tuổi ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong xã hội, có chí khí cao, giàu tâm huyết cần được quan tâm phát huy vai trò của đội hình quan trọng này trong khối đại đoàn kết toàn dân.

Chia sẻ với những điều vừa được trình bày, đồng chí Phạm Thế Duyệt truyền “lửa” cho công tác Mặt trận bằng tâm huyết và kinh nghiệm nhiều chục năm: Đảng lãnh đạo công tác Mặt trận nhưng không phải đứng ngoài hoặc đứng trên mặt trận mà phải ở trong lòng dân/thành viên của Mặt trận. Mặt trận cùng với chính quyền nhân dân đúng là đôi vai gắn kết máu thịt với cái đầu lãnh đạo bằng trí tuệ. Làm công tác Mặt trận thời nay rất khó, do các bộ phận thành viên gồm nhiều thành phần, đa lợi ích, phong phú hình thức biểu hiện ý kiến; cho nên đòi hỏi Mặt trận phải hội đủ các thành phần dân tộc, tầng lớp, giới, độ tuổi, nghề nghiệp. Mặt trân không phải đông mới mạnh, sức mạnh thể hiện ở mối quan hệ đoàn kết vì lợi ích chung; ở vai trò của các hạt nhân tích cực của các tổ chức thành viên. Đúng là, phải lấy địa bàn dân cư làm mục tiêu đồng thời là động lực của công tác Mặt trận; trên cơ sở đó đổi mới về phương pháp, chống bệnh hình thức, thực hành nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Ở đâu có dân là ở đó có tổ chức và vai trò của Mặt trận. Mặt trận phải chủ động và biết cách tìm đến, sâu sát với các lĩnh vực đặc thù: tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc thiểu số và ngôn luận đa chiều của giới trí thức.

Học việc chưa đầy tháng, nhưng bài học thực phong phú, phải mất nhiều thời gian để suy ngẫm, tiêu hóa. Nhưng, công việc không cho phép học việc ở phòng lạnh hay nghị trường. Các anh chị em ở Ban Thường trực MTTQ tỉnh thôi thúc: vừa làm vừa học, vừa chạy vừa xếp hàng thôi!

Huỳnh Văn Tới

 

 

Tin xem nhiều