Gần dân để lắng nghe và chia sẻ cùng dân. Đó là những gì bà Thái Thị Út, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ học được từ Bác Hồ qua những câu chuyện kể từ sách báo cũng như từ mỗi chuyên đề về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai tại nơi làm việc cũng như khu vực cư trú.
Gần dân để lắng nghe và chia sẻ cùng dân. Đó là những gì bà Thái Thị Út, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ học được từ Bác Hồ qua những câu chuyện kể từ sách báo cũng như từ mỗi chuyên đề về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai tại nơi làm việc cũng như khu vực cư trú.
Và để hiện thức hóa những điều học được từ Bác, gần 20 năm qua bà Út đã làm nhiều điều giúp dân, như: tích cực vận động nhân dân chung sức xây dựng quê hương hay tự xuất vốn của gia đình để giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy mà từ một khu vực không điện thắp sáng, cuộc sống thiếu trước hụt sau đến nay 50 hộ dân tại khu Bưng B của xã Xuân Đường đã dần phát triển.
* Điểm tựa của người nghèo
Ông Lê Hoàng Minh ở khu Bưng B (xã Xuân Đường) cho biết: “Năm 2007 gia đình 4 người của tôi từ miền Tây lên xã Xuân Đường lập nghiệp. Lúc ấy do không nhà cửa, vốn liếng chỉ có mấy triệu đồng nên cả nhà tôi đi từ khu rẫy này đến ruộng lá khác để xin ở đậu. May sao bà Út đã cho mượn miếng đất cất căn nhà lá để che mưa che nắng, rồi vợ chồng chúng tôi đi làm rẫy thuê để dành tiền cho 2 con đi học. Thấy một nhà 4 người sống thiếu thốn, bà Út động viên vợ chồng tôi đầu tư chăn nuôi dê để thoát nghèo. Một lần nữa bà Út lại cho chúng tôi mượn đất làm chuồng cùng với số vốn 30 triệu đồng mua con giống. Còn thức ăn cho dê thì bà Út cho cắt lá cây ngay trong vườn tiêu, cây ăn trái của gia đình bà. Không những cho vay một lần mà bà Út còn cho chúng tôi vay thêm 2 lần nữa để nuôi thêm heo thịt. Nhờ sự giúp đỡ đó mà đến nay con cái tôi được đi học đàng hoàng, tôi đã mua được đất cất nhà tường và có cho mình một mảnh vườn riêng”.
Một trường hợp khác cũng được bà Út giúp đỡ làm kinh tế là bà Lê Thị Đỡ. Ngồi bên những bụi thơm sắp cho thu hoạch bà Đỡ vui mừng cho biết, khu vườn gần 2 hécta của gia đình phát triển được như hôm nay và sang năm sẽ cho thu hoạch vụ đầu với đủ loại cây trồng có giá trị, như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thơm, vú sữa là nhờ vào công ơn của bà Út. Tuy vui mừng nhưng bà Đỡ không bao giờ quên những ngày đầu vất vả, cuộc sống tối tăm không có lối ra trước kia.
“Do ở quê miền Trung không có đất sản xuất, đời sống khó khăn nên cả nhà chúng tôi dắt díu nhau vào huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai làm kinh tế mới. Lúc mới đến khu Bưng B vào năm 1998 đời sống khổ lắm và gắn liền với 4 cái không: không nhà, không điện, không đường, không vốn. Đến nỗi lúc đó 1kg cá nục có 6 ngàn đồng mà tôi chỉ đủ tiền mua 3 ngàn đồng về nấu canh với lá giang cho cả nhà 8 miệng ăn. Ánh sáng của gia đình tôi đã xuất hiện khi gặp được bà Út. Tuy cũng vất vả lao động với ruộng rẫy để kiếm từng đồng nhưng khi thấy nhà tôi khổ quá bà Út đã cho vay 50 triệu đồng để mua dê, mua heo về nuôi trên mảnh đất mà gia đình khai phá được” - bà Đỡ cho hay.
Bà Đỡ đã tích góp những đồng lời thu được qua nhiều lần xuất bán dê, heo thịt để mua đất làm nhà và cả đất vườn trồng cà phê bán. “Lúc đó cà phê là cây có giá trị kinh tế cao nhưng được mấy năm thì rớt giá thê thảm. Do vậy mà dù hái cà phê chia đôi nhưng cũng chẳng có ai muốn đi hái, đến độ cà phê chín rụng đầy vườn. Lúc đó nhà chúng tôi lại túng quẫn. Một lần nữa bà Út lại giúp gần 100 triệu đồng để chăm sóc cây cà phê đợi giá lên, đồng thời trồng xen những loại cây khác để dần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong vườn nhà” - bà Đỡ nói.
Đó chỉ là câu chuyện của 2 trong số 30 hộ dân tại khu Bưng B được bà Út hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế. “Cùng sống chung một khu, lại cán bộ Mặt trận nên thấy bà con cần gì trong khả năng có được thì tôi đều giúp. Điều gì vượt quá sức mình thì tôi liên hệ với chính quyền để giải quyết cho dân” - bà Út chia sẻ.
* Hiến tài sản để xây dựng quê hương
Với cách nghĩ và hành động của mình, bà Út không chỉ giúp dân ở khu Bưng B phát triển kinh tế từng bước ổn định cuộc sống gia đình mà còn là thủ lĩnh của bà con trong quá trình xây dựng quê hương.
Ông Nguyễn Thế Yến, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Mỹ, cho hay đóng góp của bà Út đối với vấn đề an sinh xã hội là rất thiết thực, sát với nhu cầu, mong mỏi của bà con. Để động viên tinh thần của bà Út cũng như khuyến khích các cá nhân thực hiện nhiều hơn nữa những việc làm vì cộng đồng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã đề xuất UBND tỉnh trao tặng bằng khen gương “Người tốt, việc tốt” của tỉnh năm 2015 cho bà. |
Trong đó, năm 2013, 50 hộ dân ở khu Bưng B lần đầu tiên sau hàng chục năm đã có điện thắp sáng vào ban đêm cho con em học hành vui chơi, phục vụ sản xuất. “Có được điều này chính là nhờ vào sự đóng góp của bà Thái Thị Út. Không chỉ vận động nhân dân chung tay đóng góp tiền của mà bà Út đã tự nguyện hiến 1 sào đất sản xuất điều, tiêu đang cho thu hoạch để có lối kéo điện về cho dân”- bà Nguyễn Thị Hòa (ngụ Khu Bưng B) nói.
Đặc biệt, trong 2 năm 2012 và 2013, thực hiện chủ trương xây dựng giao thông nông thôn của xã, bà Út đã phối hợp cùng các đoàn thể chính trị - xã hội vận động người dân đóng góp tiền để nâng cấp và mở rộng 9 tuyến đường có chiều dài 37km với tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 2 tỷ đồng cùng hàng chục ngàn mét vuông đất không nhận tiền đền bù. Riêng gia đình bà Út đã chủ động đóng góp 1.200m2 đất cho việc xây dựng chung này.
Ngoài ra, bà Út cũng là người có nhiều đóng góp tích cực trong công tác khuyến học, khuyến tài. Hàng năm, bà Út đều để dành một khoản tiền tiết kiệm để trao 5 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng cho con em các gia đình nghèo hiếu học. Trường hợp sinh viên nào cần tiền nhập học nhưng gia đình không xoay đâu được cũng tìm đến bà để được giúp đỡ cho con em đi học đúng thời gian quy định.
Văn Truyên