Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng có nêu: "Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo…".
Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng có nêu: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo…”.
Ni trưởng Thích nữ Huệ Hương (bìa trái) trao đổi với các cán bộ của tỉnh về công tác tôn giáo. |
Chia sẻ về vấn đề này, ni trưởng Thích nữ Huệ Hương, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó thường trực phân ban Ni giới Trung ương; Phó ban Trị sự, Trưởng phân ban Ni giới Giáo hội Phật giáo tỉnh, cho biết Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm tới công tác tôn giáo, phát huy được sức mạnh của tôn giáo trong phát triển đất nước. Theo ni trưởng Huệ Hương, Việt Nam không chỉ là nước có truyền thống văn hóa lâu đời mà còn là quốc gia đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Sự tồn tại, hoạt động của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang góp phần làm phong phú giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
* Đồng hành cùng dân tộc
Ni trưởng Thích nữ Huệ Hương nhấn mạnh: Dù mỗi tôn giáo ở Việt Nam có phương châm, đường hướng hoạt động khác nhau nhưng tựu trung, các tôn giáo đều có sự gắn bó đồng hành cùng dân tộc.
Theo Ni trưởng Thích nữ Huệ Hương, từ lâu dân tộc Việt Nam biết vận dụng triết lý Phật giáo để xây dựng đất nước. Thời Đinh, Lê, Lý, Trần, đạo Phật được xem là quốc giáo. Phần lớn các vị vua thời đó rất am hiểu tinh tường về Phật pháp, biết lấy triết lý sống của Phật giáo để ứng dụng vào việc an dân. Tại Đồng Nai, Tổ thứ 8 - hiệu Chơn Ý Pháp Truyền (1893-1922) của Tổ đình Bửu Phong, TP.Biên Hòa, mỗi tháng đều được triều đình Huế thỉnh thuyết pháp. Do vậy, giáo lý Đức Phật đã sớm đi vào tiềm thức mọi tầng lớp nhân dân, trở thành nhân tố quan trọng, góp phần xây dựng đất nước vững bền.
Tiếp nối truyền thống dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân, trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, Phật giáo cả nước xuống đường đấu tranh chống áp bức của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Ở miền Nam, nhiều ngôi chùa đã mở trường để thanh niên vừa tu học Phật pháp, vừa tập hợp phản đối chiến tranh. Từ đó nhiều tăng, ni đã trở thành giao liên, cán bộ dân vận…
* Tăng cường giáo dục lòng yêu nước
Điển hình, tại Tổ đình Long Thiền ở Biên Hòa, từ ngày 3 đến 7-7-1963, cố đại lão hòa thượng Thích Huệ Thành đã bị chính quyền Sài Gòn phong tỏa chùa, nơi ông và trụ sở Phật giáo cứu quốc Nam bộ hoạt động từ năm 1945, không cho tăng, ni, phật tử nào liên hệ với ông. Trước sự uy hiếp của giặc, cố đại lão hòa thượng không hề khiếp sợ, vẫn kiên cường, kêu gọi tăng, ni, phật tử phát huy tinh thần yêu nước, giữ vững lập trường, không theo dụ dỗ của Mỹ ngụy.
Cũng trong thời gian này, cố hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chiến tranh, chống lại sự đàn áp đẫm mẫu Phật giáo của chính quyền Sài Gòn, đòi tự do tôn giáo, độc lập dân tộc. Hành động của cố hòa thượng Thích Quảng Đức đã làm rung động lương tâm nhân loại toàn thế giới, cũng là thái độ ủng hộ chính nghĩa cho dân tộc Việt Nam. Khi hay tin, Bác Hồ đã viết 2 câu đối: “Vị pháp thiêu thân, vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt; Lưu danh thiên cổ, bách niên chính khí địa thiên hà”.
Phải mở rộng dân chủ, thật thà, tự phê bình và thành khẩn phê bình. Chống thái độ rụt rè, cả nể giữa cấp dưới với cấp trên, giữa cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng. Đảng cần xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự trung thành với sự nghiệp cách mạng, có ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc, dân tộc, luôn vì vận mệnh của đất nước, vì cuộc sống nhân dân. |
Để thực hiện thắng lợi các giải pháp mà dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu, ni trưởng Thích nữ Huệ Hương cho rằng Việt Nam cần tiếp tục bảo tồn, trùng tu tôn tạo, nhất là các di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các tầng lớp nhân dân. Khi nhìn vào các di tích lịch sử đó, mỗi người dân không quên quá khứ hào hùng, kiên cường bất khuất trong sự nghiệp bảo vệ độc lập tự do của dân tộc mà các thế hệ cha, ông của chúng ta đã đổ bao xương máu mới giành được, từ đó ra sức xây dựng và phát triển đất nước.
Ni trưởng Huệ Hương cũng đền nghị cần tăng cường giáo dục rèn luyện cán bộ cách mạng, nhất là thế hệ trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, như lời Người đã dạy: “Mỗi con người gồm có thiện và ác, ta phải biết phát huy phần tốt trong mỗi con người, nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu đẩy lùi cho mất đi, đó là thái độ của người cách mạng, luôn chỉnh huấn giúp cán bộ nâng cao tư tưởng cách mạng, củng cố lập trường, gột rửa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, xây dựng con người mới”.
Phương Hằng