Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, phiên họp hôm nay 16-11 được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
* Cần phân định trách nhiệm rạch ròi trong điều hành cơ quan báo chí
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, phiên họp hôm nay 16-11 được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) tại buổi thảo luận tổ vào chiều 14-11. Ảnh: Đức Nhuận |
Các đại biểu sẽ nghe trình bày các báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.
Chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ khi đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi
Thời gian còn lại của ngày 16, cả ngày 17 và sáng 18-11, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn khi đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, phiên chất vấn của kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIII khác so với các lần chất vấn, trả lời chất vấn trước đó. Những lần trước là chủ động xin ý kiến đại biểu nội dung chất vấn, sau đó Quốc hội sẽ chọn nhóm vấn đề và thành viên Chính phủ để chất vấn, trả lời chất vấn. Nhưng kỳ này, trên cơ sở nhìn lại các nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến kỳ họp thứ 10, các vị đại biểu xem xét nội dung gì đã làm được và vấn đề nào chưa thực hiện được. Trên cơ sở những nội dung còn tồn tại, chưa giải quyết trong việc thực hiện các nghị quyết, đại biểu Quốc hội sẽ đặt câu hỏi chất vấn. Do đó, chất vấn sẽ diễn ra đối với bất kỳ thành viên Chính phủ nào khi đại biểu đặt câu hỏi. Đối với những nội dung liên quan đến tổng hợp, một phó thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chung các nội dung; đồng thời sẽ trả lời nếu có đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.
Trong tuần này, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua: Luật An toàn thông tin mạng, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Kế toán (sửa đổi).
Làm rõ trách nhiệm giữa cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản
Trước đó, chiều 14-11, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và dự án Luật Tiếp cận thông tin.
So với luật hiện hành, Luật Báo chí (sửa đổi) lần này có những điểm mới như đã bổ sung các đối tượng được thành lập tạp chí khoa học như các trường đại học, bệnh viện..., bổ sung các quy định về nội dung, lĩnh vực, phương thức liên kết trong hoạt động báo chí, về cải chính thông tin trên báo chí. Dự thảo luật quy định lại chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc hoặc giám đốc thay cho chức danh tổng biên tập như luật hiện hành; còn tổng biên tập, phó tổng biên tập là người phụ trách nội dung sản phẩm báo chí.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng dự thảo luật cần rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí với cơ quan chủ quản, phải có quy định việc liên đới trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan báo chí vì theo quy định như dự thảo luật thì cấp quản lý cơ quan báo chí gồm tổng giám đốc hay giám đốc và tổng biên tập, như thế thì chưa phân định được trách nhiệm rạch ròi trong quá trình điều hành cơ quan báo chí. Đại biểu Vở đề nghị quy định rõ tổng biên tập chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung ấn phẩm.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật chưa bao quát hết toàn bộ các hình thức và nội dung hoạt động của các loại hình báo chí trong thực tế hiện nay mà chủ yếu điều chỉnh một số loại hình thức báo chí chính thống như báo của cơ quan Đảng và một số tổ chức chính trị - xã hội khác.
Cho ý kiến về dự án Luật Tiếp cận thông tin, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đề nghị bổ sung đối tượng được quyền tiếp cận thông tin là người nước ngoài đang sinh sống hợp pháp tại Việt Nam và người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài. Đại biểu Hải đề nghị quy định cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin là các cơ quan nhà nước, bao gồm: cơ quan lập pháp, hành pháp, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, kiểm toán nhà nước, vì cho rằng đây là các cơ quan chủ yếu tạo ra và quản lý thông tin liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước và đời sống xã hội. Quy định chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin như vậy là phù hợp với tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương ở nước ta.
Bồi thường khi cung cấp thông tin sai lệch Thủ tục bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí còn rườm rà, không cần thiết |
L.V - Đức Nhuận