Từng trải qua nhiều nhà tù với nhiều hình thức đánh đập, tra tấn dã man của bọn đế quốc, tay sai nhưng vì lợi ích của dân tộc, những nữ tù chính trị thà hy sinh chứ nhất định không chịu khuất phục trước kẻ thù.
Từng trải qua nhiều nhà tù với nhiều hình thức đánh đập, tra tấn dã man của bọn đế quốc, tay sai nhưng vì lợi ích của dân tộc, những nữ tù chính trị thà hy sinh chứ nhất định không chịu khuất phục trước kẻ thù.
Bà Nguyễn Thị Kiếm (trái), xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) thăm, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn. |
Sau ngày đất nước thống nhất, trở về với cuộc sống đời thường, tâm niệm phải sống cho xứng đáng với những ngày tháng oanh liệt đã qua, nhiều nữ cựu tù chính trị mặc dù sức khỏe suy yếu nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội, góp sức mình vào sự phát triển của quê hương.
* Bất khuất chốn lao tù…
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng nên từ năm 17 tuổi, bà Lê Ngọc Sương, hiện ở phường Quang Vinh (TP.Biên Hòa) đã tham gia phong trào cách mạng ở địa phương. Năm 1968, được tổ chức phân công bà về làm Huyện đội phó huyện Châu Thành (Thủ Dầu Một, nay là tỉnh Bình Dương). Năm 1970, trong lần đi triển khai nghị quyết tại xã, bà bị địch bắt. Trải qua nhiều nhà giam khác nhau, đến năm 1973 sau khi Hiệp định Paris được ký kết, bà và nhiều chiến sĩ khác được trả tự do. Bà Sương cho biết, 3 năm trong chốn lao tù, cơ thể bà không còn chỗ nào lành lặn. Bà còn nhớ lúc ở nhà tù Phú Tài, bà bị đánh tới mức không thể đi lại được. Suốt 2 năm nằm liệt một chỗ nhưng nghĩ đến người cha và 2 anh trai nằm lại ở chiến trường, bà đã nỗ lực vươn lên. Khí tiết của người cộng sản đã chiến thắng. Ở trong tù, bà được tín nhiệm bầu làm Phó bí thư chi bộ, luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh.
Mới 12 tuổi, bà Huỳnh Thị Ngàn (thường gọi là Sáu Ngàn), hiện ở phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa) đã tham gia cách mạng và đảm đương nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ chăm sóc y tế, trưởng ban phụ vận, Hội trưởng Hội phụ nữ huyện Vĩnh Cửu cho đến Bí thư Đảng ủy xã Thiện Tân…
Năm 1969, bà Sáu Ngàn và con trai bị địch bắt. Bà kể, khi mới bị bắt, địch đánh đập con trai trước mặt để uy hiếp tinh thần, buộc bà phải khai ra cơ sở cách mạng, nhưng bà cố kìm nén nỗi đau nhìn con bị đánh chứ nhất định không phản bội cách mạng. Thấy không có kết quả nên sau lần ấy, địch đưa 2 mẹ con bà về nhà lao Gia Định để thẩm vấn. Lúc này, bà tìm cách gửi con về nhờ mẹ đẻ nuôi giúp và tiếp tục đấu tranh trong các nhà tù: nhà lao Gia Định, Chí Hòa, Côn Đảo...
“Hơn 6 năm bị giam cầm, đánh đập, bị bỏ đói, nếm trải cảm giác “đi tàu bay”, đổ vôi bột trộn với xà bông vào miệng… nhưng tôi và các chị em khác trong tù vẫn không chịu khuất phục. Ngược lại, vẫn tiếp tục đấu tranh đòi quyền dân sinh, đòi đưa những chiến sĩ bị bệnh tật về đất liền, viết truyền đơn, chống chiêu hồi, chống chào cờ địch, chống điểm danh…” - bà Sáu Ngàn nói.
* Tiếp tục cống hiến
Theo Ban Liên lạc cựu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 1 ngàn hội viên cựu tù chính trị, trong đó có 523 hội viên nữ (chiếm tỷ lệ 49,7%). Bà Trần Thị Hòa, Trưởng ban Liên lạc cựu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh, cho biết bất chấp tình trạng sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng sau những năm tháng trong lao tù khắc nghiệt, tàn bạo của đế quốc, trở về với cuộc sống đời thường chị em vẫn tiếp tục cùng Đảng, chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, đưa đất nước phát triển. Thậm chí cho đến hôm nay, khi đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng nhiều chị vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội với mong muốn góp thêm hương sắc cho đời, xứng đáng với những năm tháng oanh liệt đã qua.
Phát huy truyền thống của chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày năm xưa, Trưởng ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Trần Thị Hòa cho biết, những cựu tù chính trị luôn nhận thức đúng về mình, ra sức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gương mẫu tham gia các hoạt động tại địa phương; quan tâm chăm sóc bản thân, giúp đỡ đồng chí đồng đội vượt qua khó khăn theo phương châm “Vui vẻ khi khỏe mạnh, đoàn kết khi ốm đau, giúp nhau khi hoạn nạn và tình nghĩa khi qua đời”. |
Trở về sau 6 năm giam cầm, đày ải, bà Sáu Ngàn được bố trí làm việc tại Hội Nông dân tỉnh. Năm 1982 qua giám định, bà bị mất sức lao động 71% nên phải nghỉ hưu. Chữa chạy, thuốc men và siêng năng tập luyện, sức khỏe của bà khá hơn, bà tiếp tục tham gia sinh hoạt Đảng ở phường, được tín nhiệm làm Phó bí thư Chi bộ, Trưởng ban Mặt trận khu phố, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ. Hàng năm được tặng giấy khen vì có nhiều đóng góp cho phong trào, được báo cáo gương người tốt - việc tốt cấp thành phố.
Còn với bà Nguyễn Thị Kiếm, hiện ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), vì hoàn cảnh khó khăn, bà không được đến trường học chữ như bạn bè cùng trang lứa. Tham gia cách mạng từ năm 15-16 tuổi và đến năm 1969 trong trận bắn máy bay trực thăng của địch tại xã bà bị địch bắt và đưa ra nhà tù Côn Đảo, về nhà lao Tân Hiệp rồi trở lại Côn Đảo. Sau ngày giải phóng, bà trở về và kết duyên với ông Trương Văn Bảy - một cựu tù chính trị (tên thường gọi là Bảy Lì) và sinh được 4 người con. Cuộc sống của “đôi bạn tù” hết sức khó khăn. Sau nhiều năm vật lộn với cái ăn, cái mặc, đến nay nhờ sự hỗ trợ của đồng chí, đồng đội, cuộc sống gia đình bà đã ổn định, con cái trưởng thành. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng bà vẫn tham gia làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Thọ Trung để được giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, được góp sức mình vào sự đổi thay của mảnh đất Xuân Thọ.
Nga Sơn