"Alô, nhà anh làm xong hồ sơ xin hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên là người dân tộc thiểu số cho 2 cháu chưa? Cố gắng làm nhanh không thôi hết hạn, có gì chưa hiểu cứ liên hệ với tôi" - đó là lời nhắc nhở của ông Lèo Thạch Sơn (dân tộc Nùng), người có uy tín trong đồng bào dân tộc tại ấp Ngô Quyền (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất), với một hộ dân tộc nơi đây.
“Alô, nhà anh làm xong hồ sơ xin hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên là người dân tộc thiểu số cho 2 cháu chưa? Cố gắng làm nhanh không thôi hết hạn, có gì chưa hiểu cứ liên hệ với tôi” - đó là lời nhắc nhở của ông Lèo Thạch Sơn (dân tộc Nùng), người có uy tín trong đồng bào dân tộc tại ấp Ngô Quyền (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất), với một hộ dân tộc nơi đây.
Ông Lèo Thạch Sơn (phải) hướng dẫn cho ông Hoàng Viết Quý (người dân tộc Nùng, ngụ ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) hiện có 2 con đang học đại học làm hồ sơ xin hỗ trợ chi phí học tập. Ảnh: V. Truyên |
Được biết, ngoài vai trò là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bàu Hàm 2 kiêm Bí thư Chi bộ ấp Ngô Quyền, từ khi tỉnh ban hành quyết định “Hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang học hệ đại học, cao đẳng chính quy từ năm học 2012-2013 đến năm học 2015-2016”, ông Sơn có thêm trách nhiệm đôn đốc, giúp đỡ hơn 200 gia đình đồng bào dân tộc trong ấp và một số hộ đồng bào dân tộc trong xã làm hồ sơ, giấy tờ để nhận sự hỗ trợ của Nhà nước.
“Sợ chúng tôi viết sai không có bản hồ sơ khác để viết lại nên ông Sơn tự bỏ tiền túi ra phô tô cho mỗi hộ 5 bộ hồ sơ để nếu có viết sai thì có cái mà làm lại. Rồi ông ấy còn tốn tiền điện thoại gọi điện nhắc nhở từng nhà hay giúp chúng tôi gọi điện lên Phòng Dân tộc huyện để hỏi thông tin xem hồ sơ đã nộp có đúng yêu cầu không, lúc nào chuyển tiền để các cháu sinh viên sắp xếp thời gian đến ký nhận. Ấy vậy mà khi chúng tôi góp mỗi người 50-100 ngàn đồng để hỗ trợ cho ông thì đều bị ông Sơn từ chối” - ông Hoàng Viết Quý (người dân tộc Nùng, ngụ ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) hiện có 2 con đang học đại học, nói.
Ngoài ra, với vai trò là Bí thư Chi bộ ấp Ngô Quyền, từ năm 2008 đến nay, ông Sơn rất quan đến công tác phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số trong ấp. Vì thế, trong tổng số 28 đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ ấp Ngô Quyền có 7 đảng viên là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Về phần mình, ông Lèo Thạch Sơn chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất của tôi là giúp đỡ được cho con em trong đồng bào tiếp cận được sự hỗ trợ của Nhà nước để đến trường, sau này về xây dựng quê hương làng xóm”.
Sông Thao