Trong định hướng phát triển đất nước, Đảng đã đưa ra phương châm: Đi lên bằng hai chân, phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng đời sống văn hóa.
Trong định hướng phát triển đất nước, Đảng đã đưa ra phương châm: Đi lên bằng hai chân, phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng đời sống văn hóa. Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Một tiết mục văn nghệ do Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai biểu diễn phục vụ công nhân lao động tại khu công nghiệp. |
Quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 33 tại hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, một lần nữa khẳng định văn hóa là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
* Chưa đáp ứng yêu cầu
Thời gian qua bên cạnh lĩnh vực kinh tế phát triển, đạt nhiều thành tựu, Đồng Nai đã quan tâm đến phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Nhiều công trình văn hóa được trùng tu, tôn tạo, một số lễ hội được duy trì, phục dựng, các thiết chế văn hóa được xây dựng. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số khu vui chơi, giải trí, như các khu du lịch: Bửu Long, Thác Giang Điền, Thác Mai, Vườn Xoài; Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai… Tuy nhiên, các công trình, thiết chế cho văn hóa chưa nhiều, thành tựu trên lĩnh vực văn hóa, tinh thần nhìn chung chưa tương xứng với thành tựu phát triển kinh tế và tiềm năng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai giàu truyền thống văn hóa.
Theo Nghị quyết số 33, phần giải pháp ghi rõ: “Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa. Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế”. “Xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm. Các địa phương, các cơ quan, công sở, trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp, khu dân cư... có thiết chế văn hóa phù hợp (thư viện, nhà văn hóa, công trình thể thao...)”. Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, đề ra nhiệm vụ: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa…
Nhìn lại trên địa bàn tỉnh, các thiết chế phục vụ cho đời sống văn hóa còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.
* Tăng mức đầu tư cho văn hóa
Đồng Nai có gần 3 triệu dân, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn nhưng vẫn chưa có nhà văn hóa cho thanh niên, Nhà thiếu nhi Đồng Nai quy mô quá nhỏ chỉ thu hút được một phần thiếu nhi ở địa bàn TP.Biên Hòa trong khi nhu cầu còn rất lớn. Toàn tỉnh có gần 1 triệu công nhân nhưng cũng chưa có nhà văn hóa cho lực lượng lao động. Các phương tiện giải trí, luyện tập thể thao cho nhân dân, dưỡng sinh cho người già nhìn chung còn thiếu. Phần đông số trẻ là học sinh, sinh viên đang học tập trong các nhà trường, nhưng thiết chế cho vui chơi, thể thao, giải trí trong trường học còn hạn chế. Một số cháu có năng khiếu thể thao, âm nhạc, hội họa không có điều kiện để phát hiện sớm, bồi dưỡng đúng hướng để thành tài năng. Đây cũng là nguyên nhân mà thanh, thiếu niên tìm đến các trò chơi không lành mạnh, khó quản lý, góp phần gia tăng việc sa sút đạo đức và tệ nạn xã hội.
Dự thảo báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh cần nhấn mạnh, có tính chất bắt buộc khía cạnh khai thác các thiết chế, công trình, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Nhiều công trình văn hóa được xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhưng số người đến để tìm hiểu, khai thác, hưởng thụ còn hạn chế, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. |
Từ năm 2010, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh sáp nhập trung tâm văn hóa và trung tâm học tập cộng đồng thành trung tâm văn hóa thể thao học tập cộng đồng, đến nay mới có 106/171 phường, xã, thị trấn sáp nhập (đạt tỷ lệ 62%). Tỷ lệ gia đình văn hóa, ấp, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa rất cao, nhưng tình trạng sa sút đạo đức, tệ nạn xã hội, an ninh diễn ra ngày càng phức tạp. Câu hỏi đặt ra là các danh hiệu văn hóa tồn tại có ý nghĩa đích thực hay không?
Nội dung về văn hóa, dự thảo văn kiện Đại hội của Đảng bộ tỉnh lần thứ X trình bày ở phần V “Đầu tư phát triển văn hóa, xây dựng con người toàn diện” (trang 43). Ở đây nội dung văn hóa còn dừng lại ở nghĩa hẹp, theo lĩnh vực mà ngành chuyên môn quản lý. Tuy nhiên theo tinh thần Nghị quyết số 33 thì văn hóa có nghĩa rộng hơn nhiều, thậm chí cả trong kinh tế, dự thảo cần điều chỉnh theo hướng này cho phù hợp. Phần trình bày nội dung văn hóa thiếu cụ thể, những công việc đưa ra còn mang tính định hướng, chưa có tiêu chí cụ thể cho từng cấp (ấp, khu phố, phường, xã, huyện, thành, tỉnh…). Mức đầu tư cho văn hóa cũng cần xác định tỷ lệ bao nhiêu % trong thu ngân sách hay GRDP.
Sĩ Anh