Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng vùng sản xuất tập trung (Bài 4)

10:09, 15/09/2015

Chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 đã thúc đẩy sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.

Chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 đã thúc đẩy sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Đồng Nai đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa với quy mô lớn; tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, có thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh, tham gia tốt vào thị trường nội địa và xuất khẩu.[links(left)]

Toàn tỉnh hiện có trên 172 ngàn hécta cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái, tập trung vào 7 loại cây trồng chủ lực, gồm: cao su, điều, cà phê, xoài, tiêu, bưởi, sầu riêng. Trong đó, một số loại cây ăn trái của Đồng Nai, như: bưởi, sầu riêng, chôm chôm… đang đứng đầu trong các tỉnh Đông Nam bộ cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Đồng Nai cũng là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với tổng đàn gà trên 13 triệu con và tổng đàn heo trên 1,5 triệu con. Nông dân ngày càng quan tâm ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất theo hướng an toàn.

* Phát triển mạnh cây, con chủ lực

Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, mục tiêu của chương trình cây trồng, vật nuôi chủ lực nhằm xây dựng những vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra sản phẩm ổn định về sản lượng và chất lượng để tham gia và cạnh tranh tốt trên thị trường. Để phát triển bền vững, các địa phương cần tổ chức thực hiện chuỗi liên kết về sản xuất, tiêu thụ theo quy mô vùng, nhất là liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN). Chương trình đã hỗ trợ, khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; từng bước thay đổi giống cũ kém hiệu quả bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao.

Nông dân đang giàu lên nhờ cây tiêu.Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc).
Nông dân đang giàu lên nhờ cây tiêu.Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc).

Ông Hoàng Văn Lập (huyện Trảng Bom) là nông dân tiên phong ứng dụng cái mới vào sản xuất, như: thử nghiệm mô hình trồng đậu phộng dại trong vườn tiêu; ứng dụng hệ thống bón phân, tưới nước tiết kiệm… Ông cũng tự ủ phân hữu cơ để bón cho vườn tiêu và ưu tiên dùng các loại thuốc sinh học trong việc phòng trừ sâu bệnh. Đây là hướng sản xuất an toàn, giảm chi phí đầu tư mà năng suất cây trồng lại tăng.

Chương trình sử dụng giống mới trong sản xuất đã cải tạo đưa giống mới với năng suất, chất lượng cao vào hầu hết diện tích các cây trồng chủ lực. Theo đó, hiệu quả kinh tế đối với diện tích thâm canh những cây chủ lực giai đoạn 2011-2015 tăng cao. Cụ thể, năng suất trung bình của cây xoài đạt 18 tấn/hécta, tăng hơn 9 tấn/hécta so với năng suất trung bình của cây xoài toàn tỉnh; bưởi đạt 14 tấn/hécta, tăng 2,6 tấn/hécta; sầu riêng đạt 12 tấn/hécta, tăng 4 tấn/hécta… Trong đó, có hơn 1,3 ngàn hécta diện tích được khảo sát điều kiện đất, nước để quy hoạch vùng sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả an toàn.

Nói về thế mạnh phát triển của địa phương, ông Phan Thanh Xứng, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), nhận xét: “Kinh tế xã khá lên nhờ cây tiêu với tổng diện tích hiện đã tăng lên khoảng 600 hécta. Ở xã có ông Trần Hữu Thắng từng được vinh danh là “vua” tiêu nhờ ứng dụng tốt khoa học - kỹ thuật để đạt năng suất 8 tấn/hécta. Và hiện nay, xã xuất hiện thêm nhiều “vua” tiêu với sản lượng tăng lên mức 10 tấn/hécta. Nhiều cánh đồng của Xuân Thọ từng bị bỏ hoang vào vụ đông - xuân vì thiếu nước tưới thì nay đã được phủ xanh bằng hàng trăm hécta bắp cao sản”.

Chương trình phát triển vật nuôi chủ lực của tỉnh cũng đã tập trung duy trì và nâng cao chất lượng đàn giống gốc để đàn thương phẩm có chất lượng cao, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, đánh giá Đồng Nai tập trung rất đông trang trại chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Cụ thể, một số trang trại tại Đồng Nai đang hợp tác nuôi gia công cho một công ty nước ngoài theo quy trình chăn nuôi của Nhật Bản. Sản phẩm chăn nuôi này đã có DN Nhật Bản đặt hàng với số lượng lớn. Hiện sản phẩm thịt gia cầm của Việt Nam chỉ chờ hoàn tất khâu hồ sơ, thủ tục về thú y là có thể xuất khẩu sang thị trường khó tính này.

* Tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp

Xây dựng thương hiệu hàng hóa bằng uy tín chất lượng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy tham gia tốt hơn vào thị trường trong nước và xuất khẩu cũng là một trong những nội dung chính của chương trình. Nhiều nông sản của Đồng Nai đã được hỗ trợ đăng ký và cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, như: bưởi Tân Triều, xoài Phú Lý, chôm chôm, sầu riêng Long Khánh... Tiêu biểu như huyện Cẩm Mỹ được tỉnh chọn thực hiện mô hình cánh đồng lớn cho cây tiêu với diện tích khoảng 170 hécta. Bước đầu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tiêu an toàn, địa phương đã phát triển được hơn 10 hécta tiêu đạt chuẩn GlobalGAP. Sản phẩm này đang được DN bao tiêu cho nông dân với giá cao hơn từ 10-12 ngàn đồng/kg so với mặt bằng chung thị trường.

Ông Phùng Thanh Tâm, nông dân tại TX.Long Khánh, đã ứng dụng  quy trình VietGAP cho cây sầu riêng.
Ông Phùng Thanh Tâm, nông dân tại TX.Long Khánh, đã ứng dụng quy trình VietGAP cho cây sầu riêng.

Nói về chăn nuôi theo hướng an toàn, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch đang mở rộng cơ hội về thị trường cho sản phẩm VietGAP. Hiện các trang trại VietGAP ở Đồng Nai đã hình thành chuỗi liên kết, vào được những kênh tiêu thụ khó tính, như: siêu thị, nhà hàng... với đầu ra ổn định. Tỉnh đang triển khai đề án phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng an toàn dịch bệnh, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn của Đồng Nai”.

Theo chương trình hỗ trợ cây trồng chủ lực của tỉnh, khi nông dân tham gia trồng mới sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống chất lượng cao, 30% kinh phí đầu tư cho 3 gói: lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện toàn tỉnh có hơn 5 ngàn hécta cây trồng áp dụng mô hình tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân qua đường ống, góp phần tăng hơn 30% năng suất cây trồng.

Trong đó, không chỉ các tập đoàn, DN lớn mà các chủ trang trại cũng quan tâm đầu tư quy trình chăn nuôi khép kín với mục tiêu làm ra sản phẩm tốt với giá cạnh tranh. Ông Nguyễn Thanh Phi Long, một trong những chủ trang trại tiên phong ứng dụng mô hình chăn nuôi VietGAP tại Đồng Nai, chia sẻ: “Tuy chúng tôi chỉ mới làm chứng nhận VietGAP cho một số trại nuôi gà thịt nhưng toàn bộ hệ thống trang trại của chúng tôi đều đã ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn này. Sản phẩm gà thịt của chúng tôi đã có mặt trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn nhưng thị trường tiêu thụ chính vẫn là các chợ truyền thống với mức giá cào bằng ngoài thị trường”. Đây là lý do chính khiến người chăn nuôi ngại thực hiện VietGAP nhưng theo ông Long, chăn nuôi an toàn là xu thế tất yếu.

Bình Nguyên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều