Đến nay, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức trong các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp từ tỉnh đến xã đều được chuẩn hóa về chuyên môn và nâng cao trình độ chính trị. Đây là kết quả lớn nhất của Chương trình 4 (thuộc Chương trình tổng thể phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015) về đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị.
Đến nay, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức trong các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp từ tỉnh đến xã đều được chuẩn hóa về chuyên môn và nâng cao trình độ chính trị. Đây là kết quả lớn nhất của Chương trình 4 (thuộc Chương trình tổng thể phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015) về đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đém, Chủ nhiệm chương trình 4, nhận xét trong 5 năm qua, chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị được nâng lên đáng kể, nhất là trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức xã. Qua đó góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã.
* Chuẩn hóa Về chuyên môn
Trong nhiệm kỳ qua, ngoài việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh đến huyện, Đồng Nai rất quan tâm đến công tác chuẩn hóa cán bộ, công chức cấp xã về chuyên môn. Theo Sở Nội vụ, hiện nay số cán bộ, công chức cấp tỉnh và cấp huyện đã đạt chuẩn về chuyên môn, trong đó có trình độ chuyên môn đại học lên đến gần 2,7 ngàn người, chiếm gần 77% tổng số cán bộ, công chức (tăng gần hơn 20% so với năm 2010). Đặc biệt, cán bộ, công chức cấp xã cũng cơ bản đạt chuẩn về chuyên môn. Số cán bộ, công chức xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên có trên 3,7 ngàn người, chiếm hơn 91% (tăng hơn 87% so với năm 2010). Trong đó tăng nhanh ở trình độ cao đẳng đại học với trên 2,5 ngàn người, chiếm trên 67%, tăng hơn 400% so với năm 2010.
Trong nhiệm kỳ qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ được quan tâm. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ đi cơ sở tìm hiểu mô hình trồng tiêu, nuôi dê ở xã Lâm San. |
Huyện Xuân Lộc là địa phương thực hiện rất tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Hiện nay, cán bộ, công chức của 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện đều đã được chuẩn hóa về cán bộ. Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Hồ Văn Hà chia sẻ, yếu tố để xây dựng thành công huyện nông thôn mới đầu tiên trong tỉnh ở Xuân Lộc chính là con người với tinh thần làm việc nhiệt huyết của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó có nhiều cán bộ trẻ được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về chuyên môn, có năng lực trong công tác, dám nói, dám làm nên đã triển khai và thực hiện thành công phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đém, Chủ nhiệm Chương trình 4, cho biết từ năm 2010-2015, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị đã cử hơn 37 ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ. Trong thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng đào tạo chuyên môn sau đại học cho cán bộ, công chức của tỉnh, nhất là đối tượng thuộc diện quy hoạch; đào tạo trình độ chuyên môn bậc đại học cho cán bộ, công chức cấp tỉnh đến cấp xã còn chưa đạt chuẩn theo quy định. Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng nâng cao nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong thời kỳ mới; bồi dưỡng kỹ năng tác nghiệp hành chính, đạo đức công vụ... |
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đém cho biết thêm, một trong những nét mới của công tác đào tạo nguồn nhân lực chính trị trong nhiệm kỳ qua là tỉnh không chỉ tập trung vào mục tiêu đào tạo chuyên môn đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định mà còn trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức ngày càng tốt hơn, như: các lớp bồi dưỡng đạo đức công vụ, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, công chức... Qua đó, cán bộ, công chức biết thêm những kỹ năng giao tiếp thân thiện, lịch sự cũng như cách xử lý mềm mỏng khi tiếp xúc với người dân để người dân thực sự hài lòng.
* Nâng cao trình độ chính trị
Trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ cán bộ được Đảng bộ tỉnh đặc biệt chú trọng. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, mặc dù chỉ tiêu đào tạo trình độ cao cấp, cử nhân chính trị gặp nhiều khó khăn nhưng phần lớn cán bộ lãnh đạo, cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh đến cấp xã đều cơ bản đạt trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh quy định.
Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lê Hồng Sơn cho biết, để thực hiện chuẩn hóa trình độ chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức, nhà trường đã triển khai nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, như: hệ tập trung, tại chức và đào tạo từ xa để tạo điều kiện cho số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức đi học, nhất là ở tuyến cơ sở nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở. Nhờ đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã khắc phục được tình trạng còn nhiều cán bộ chưa đạt chuẩn về chính trị.
Công chức bộ phận một cửa UBND xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc giải thích thủ tục hành chính cho người dân. |
Trong 5 năm qua, số cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện có trình độ về lý luận chính trị ngày càng tăng. Hiện có hơn 2 ngàn cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện có bằng cấp chính trị từ trung cấp trở lên, chiếm khoảng 58%, tăng 800 người so với năm 2010. Trình độ chính trị của cán bộ, công chức cấp xã cũng tăng lên đáng kể, số cán bộ, công chức có trình độ chính trị từ trung cấp trở lên có hơn 2,6 ngàn người, chiếm hơn 69% (tăng hơn 1,3 ngàn người so với năm 2010).
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ được quan tâm trong việc ưu tiên cử đi đào tạo cũng như hỗ trợ chế độ, chính sách khi cử đi học; tỷ lệ cán bộ, công chức nữ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng, chiếm trên 42% tổng số cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ, là cán bộ nữ được tỉnh cử tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và chính trị, cho biết: “Qua các kiến thức được học giúp cán bộ nắm chắc hơn về chuyên môn, vững hơn về chính trị. Từ đó nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đưa ra những quyết định đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực sự có lợi cho đất nước, nhân dân”.
Th.S Nguyễn Minh Thanh, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh: Để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng gắn kết 3 khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Ba khâu này phải được gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với nhau, có cơ chế chính sách phù hợp và liên thông, tránh đào tạo một đằng, sử dụng một nẻo, không có chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Riêng tại Đồng Nai còn cần thêm khâu thu hút và giữ chân nguồn lực bởi khả năng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Th.S Lê Thị Cát Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh: Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu đổi mới của đất nước và của tỉnh, việc tập trung xây dựng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ làm công tác khoa học, kỹ thuật, các chuyên gia kinh tế phải được xác định là khâu đột phá. Bên cạnh đó, tập trung việc xây dựng nguồn lực cán bộ tại các đơn vị sự nghiệp, hành chính, các cơ quan của Đảng phải được ưu tiên đẩy mạnh. Đồng thời cần phải xác định các tiêu chí định mức xây dựng chất lượng nguồn nhân lực của Đồng Nai phải đạt được mức độ trung bình của các nước trong khu vực ASEAN và mức khá so với tương quan của cả nước. An An (ghi) |
Ngọc Thư