Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2011-2015, 5 năm qua, Đồng Nai đã có sự đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nêu rõ, giai đoạn 2011-2015 Đồng Nai có sự đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Những nỗ lực đầu tư trong suốt 5 năm qua, nhìn chung hạ tầng kỹ thuật đã có những thay đổi tích cực.[links(right)]
Những đột phá về hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn 2011-2015 của tỉnh tập trung vào các lĩnh vực chính, là: giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải cho đô thị. Đây là những lĩnh vực này ”nóng” của tỉnh, có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội.
* Đấu nối các tuyến đường
Trong 2 năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đến tỉnh đầu tư khá đông, cùng với đó là những dự án mở rộng với số vốn khổng lồ, đơn cử như Tập đoàn Hyosung đầu tư mở rộng tại Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 5 tới 660 triệu USD. Thu hút đầu tư của tỉnh luôn đạt ở mức cao, là minh chứng của sự cải thiện đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là kết nối đồng bộ hệ thống giao thông đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cũng nhận định về vấn đề này khá rõ. Ông Giản Chí Minh, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan, Chi hội Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ho Team (KCN Tam Phước), từng chia sẻ với lãnh đạo tỉnh rằng, hạ tầng giao thông Đồng Nai đang được cải thiện tốt sẽ là cơ hội để đón các nhà đầu tư nước ngoài.
Phát triển giao thông đang được tỉnh huy động mọi nguồn lực để đầu tư. Trong ảnh: Đường 319 đoạn qua các khu công nghiệp Nhơn Trạch đã được đầu tư rộng rãi. Tuyến đường này đang được đầu tư kết nối với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã nhấn mạnh, giai đoạn 2011-2015, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là “Các tuyến giao thông kết nối vào các khu vực tập trung đô thị và KCN trong tỉnh, các tuyến giao thông kết nối các tuyến đường cao tốc; đồng thời phát triển hạ tầng nông thôn để phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt các xã điểm nông thôn mới”.
Chưa bao giờ các tuyến đường giao thông nông thôn lại được đầu tư xây dựng mạnh mẽ như giai đoạn vừa qua. Từ năm 2010 đến hết năm 2014, toàn tỉnh đã đầu tư mới và nâng cấp hơn 1.800km đường với tổng kinh phí hơn 2.980 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư hơn 2.560 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 420 tỷ đồng. Hệ thống giao thông nông thôn đối với tuyến đường huyện được thảm nhựa 86%, đường xã thảm nhựa và bê tông đạt 73%. Các tuyến đường liên xã, liên huyện cũng đã được thông suốt hòa vào hệ thống giao thông quốc gia khá thuận lợi. |
5 năm qua, hàng loạt công trình giao thông quan trọng của tỉnh cũng như của Trung ương đã được đầu tư mới và nâng cấp mở rộng, như: xây dựng mới đường tránh TP.Biên Hòa, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Trảng Bom - Phan Thiết và quốc lộ 20, mở rộng quốc lộ 51, xây dựng cầu Đồng Nai mới, cầu vượt nút giao ngã tư Vũng Tàu, cầu vượt nút giao Amata, hầm chui Tam Hiệp, đưa vào sử dụng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Dù khá khó khăn về nguồn vốn đầu tư nhưng tỉnh cũng đã cho triển khai khá nhiều dự án: đường 767 (từ quốc lộ 1 đi huyện Vĩnh Cửu), đường 768 (từ Biên Hòa đi trung tâm huyện Vĩnh Cửu), đường 769 (ngã tư Dầu Giây đi Cát Lái, huyện Nhơn Trạch), đường 319 (huyện Nhơn Trạch), cầu Hóa An (TP.Biên Hòa), Hương lộ 10 đoạn từ Trung tâm hành chính huyện Cẩm Mỹ đến giáp ranh với huyện Long Thành, cầu Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), đường 319 nối dài và nút giao với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Các dự án chuẩn bị khởi công như: cầu An Hảo (TP.Biên Hòa), đường 25B (đoạn từ quốc lộ 51 đến đường 319), đường 765 (huyện Xuân Lộc).
Ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải, cho biết các dự án đầu tư của tỉnh trong những năm qua với số vốn từ vài trăm đến cả ngàn tỷ đồng mỗi dự án trong khi ngân sách lại rất eo hẹp. Nhiều dự án phải kêu gọi đầu tư BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). Sự chuyển mình rõ nét nhất trong những năm qua là đầu tư hạ tầng cho vùng nông thôn.
* Mạnh tay vốn ngoại cho hạ tầng nước
Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai đã làm lễ khởi công dự án hệ thống cấp nước Thiện Tân giai đoạn 2 có công suất 100 ngàn m3/ngày. Hệ thống này nhằm cung cấp nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt của dân cư và nhu cầu sản xuất của các KCN nằm trong TP.Biên Hòa; Khu dân cư Thạnh Phú, KCN Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu; các khu dân cư và các KCN nằm dọc trên quốc lộ 1 thuộc huyện Trảng Bom.
Một góc Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1 đã đi vào khai thác. |
Ông Vũ Văn Học, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, cho biết các dự án cả khai thác lẫn đầu tư đang có tiến độ tốt. Đến nay, dự án cấp nước Thiện Tân giai đoạn 1 có tổng số vốn đầu tư gần 40 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Hàn Quốc là 26 triệu USD đã trả nợ gần xong. Sang giai đoạn 2 của dự án có tổng vốn đầu tư 1.277 tỷ đồng cũng được tài trợ vốn từ Hàn Quốc là 41 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng 5 năm qua là gần 10.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh trực tiếp giao chỉ tiêu (không bao gồm ngân sách phân bổ hỗ trợ đầu tư xã hội hóa giao thông nông thôn) hơn 2.820 tỷ đồng; vốn hỗ trợ xã hội hóa trên 1 ngàn tỷ đồng; vốn ngân sách cấp cho các huyện trực tiếp giao chỉ tiêu trên 1.450 tỷ đồng; vốn Trung ương hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng; vốn đầu tư theo phương thức BOT, BT hơn 2.330 tỷ đồng; vốn ODA khoảng 1.944 tỷ đồng; vốn đầu tư của doanh nghiệp trên 150 tỷ đồng và vốn nhân dân đóng góp hơn 602 tỷ đồng. Trong lĩnh vực giao thông có tổng vốn đầu tư thực hiện lớn nhất là hơn 8.310 tỷ đồng, sau đó đến lĩnh vực cấp nước hơn 2.332 tỷ đồng. |
Trước đó, đầu năm 2014, chủ đầu tư là Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai cũng đã đưa hệ thống Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1 với công suất 100 ngàn m3/ngày vào khai thác. Hệ thống cấp nước này đã cải thiện nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho nhiều nhà đầu tư ở các KCN dọc tuyến quốc lộ 51 và huyện Nhơn Trạch. Dự án có tổng kinh phí 2 ngàn tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA từ Tổ chức JICA (Nhật Bản). Theo Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, giai đoạn 2 của dự án cũng đang được chuẩn bị xây dựng. Nhà máy nước có công suất 100 ngàn m3/ngày vẫn do JICA tiếp tục duyệt vốn với tổng mức đầu tư hơn 3.567 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA từ JICA chiếm 85% (khoảng 3.032 tỷ đồng).
Theo tính toán của Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai khi cả 4 hệ thống này đi vào hoạt động đồng bộ sẽ cung cấp được 60% nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất của cả tỉnh. Thời gian qua, việc đầu tư cho cấp nước khá mạnh theo đúng tinh thần của nghị quyết đề ra. Nhiều khu dân cư, KCN nguồn nước sạch đã đến tận nơi, người dân và doanh nghiệp không còn phải sử dụng nước giếng khoan như trước nữa.
Trong khi hệ thống cấp nước đang được đầu tư mạnh mẽ thì hệ thống thoát nước chưa đạt như mong muốn. Tổng diện tích lưu vực được kiểm soát thoát nước tăng thêm 636 hécta. Tuy nhiên, dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt lớn nhất là cho TP.Biên Hòa vẫn chưa được triển khai là do nguồn vốn ODA khoảng 12 ngàn tỷ đồng từ Nhật Bản chưa được ký. Theo Trung tâm thoát nước (thuộc Sở Xây dựng) - chủ đầu tư dự án, nguyên nhân là chưa thống nhất phương án thi công.
Vân Nam