Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ vững lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới (Bài 6)

11:09, 18/09/2015

Tại lễ đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh vào đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương Đồng Nai đi đầu trong xây dựng nông thôn mới...

Tại lễ công bố và đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh diễn ra tại Đồng Nai vào đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của cả nước. Đồng Nai cần vận dụng sáng tạo, hiệu quả hơn nữa các chính sách của Đảng và Nhà nước từ nguồn lực của mình, nguồn lực của nhân dân để tiếp tục tạo những thành tựu mới trong xây dựng nông thôn mới.[links(right)]

Đồng Nai tiếp tục đi tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới vì tính đến nay toàn tỉnh đã có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cùng với đó sẽ có thêm 3 huyện sẽ đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015, vượt mục tiêu đề ra. Qua 5 năm thực hiện (2011-2015), chương trình nông thôn mới đã thực sự tạo nên diện mạo mới, con người mới, sức sống mới và động lực mới cho vùng nông thôn.

* Những thành quả mới

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai luôn nhận thức sâu sắc được vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ việc xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nền tảng vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015, Đảng bộ tỉnh đã đi trước trong đầu tư cho tam nông với nghị quyết “4 có”: có năng suất cao, chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập cao; tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện nghị quyết của trung ương và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân là cốt lõi của chương trình nông thôn mới. Điều này được nhận thức sâu sắc của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến các cấp huyện, xã. Chính vì vậy, phát triển kinh tế nông thôn được đặc biệt chú trọng, các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nói riêng và toàn tỉnh nói chung đều thực hiện rất tốt mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành (thứ 2 từ trái sang) tham quan vườn tiêu năng suất cao của “vua” tiêu Trần Hữu Thắng.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành (thứ 2 từ trái sang) tham quan vườn tiêu năng suất cao của “vua” tiêu Trần Hữu Thắng.

Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, cho biết Ban Chỉ đạo nông thôn mới tỉnh đang hoàn thành hồ sơ để trình Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn xem xét, thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Thống Nhất hoàn thành huyện nông thôn mới năm 2015. Đến nay, huyện có 8/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã còn lại cũng đạt 18/19 tiêu chí. Theo ông Bưởi, Thống Nhất đạt được thành quả như hiện nay không chỉ nhờ sự quyết tâm thực hiện của Đảng bộ, chính quyền địa phương mà có vai trò rất lớn của tổ chức tôn giáo và người dân. Nhờ sức dân mạnh nên huyện có nguồn lực đóng góp xây dựng nông thôn mới, vì sau khi tách huyện vào năm 2004, điểm xuất phát về hạ tầng giao thông của Thống Nhất rất thấp. Đến nay, cơ sở hạ tầng của huyện được đầu tư khá hoàn chỉnh, đặc biệt là các tuyến đường giao thông huyết mạch, như: đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1, quốc lộ 20... được nâng cấp hoặc đầu tư mới tạo nhiều lợi thế cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Có xã của huyện Thống Nhất thu nhập bình quân của nông dân đạt trên 42 triệu đồng/người/năm.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành, Đảng bộ, chính quyền, người dân Đồng Nai luôn xác định xây dựng nông thôn mới không dừng lại ở một cái đích cụ thể. Hoàn thành nông thôn mới “chỉ như mới học xong tiểu học” và giống như việc học, sau nông thôn mới còn cả chặng đường dài cần tiếp tục phấn đấu nâng cao các tiêu chí.

Diện mạo nông thôn đang khác đi từng ngày theo hướng khang trang, sạch đẹp hơn là điều đang diễn ra ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, góp phần hình thành những con người sản xuất mới đang thay đổi tập quán cũ; tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản. Ông Trần Thương Hoài Minh, nông dân tại xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) đã chủ động ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất theo quy mô lớn, sản phẩm an toàn. Hiện vườn bưởi rộng khoảng 10 hécta của gia đình ông đang trong quá trình đăng ký chứng nhận VietGAP. Gia đình ông cũng đã đăng ký nhãn hàng riêng cho sản phẩm với mục tiêu tạo dựng uy tín chất lượng cho trái bưởi da xanh ruột hồng đất Bàu Hàm.

* Không để tụt hậu

Nói về hậu nông thôn mới, ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, khẳng định: “Dù vẫn đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã triển khai ngay chương trình hậu nông thôn mới, vì xây dựng nông thôn mới xong dừng lại thì sẽ có nguy cơ tụt hậu. Tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chí hậu nông thôn mới và yêu cầu những huyện, xã đã đạt chuẩn sẽ tiếp tục giữ vững các tiêu chí mình đã đạt được và nâng dần các tiêu chí lên. Các tiêu chí nâng cao này đều sát sườn với cuộc sống của người dân”.

Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Đó là cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng phát triển của tỉnh; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2011 -2014 đạt gần 5%/năm; giá trị sản xuất thu hoạch trên 1 hécta diện tích trồng trọt và chăn nuôi đến cuối năm 2014 đạt gần 100 triệu đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện rõ nét; chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2014 đạt trên 32 triệu đồng/người/năm.

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, khẳng định: “Đảng bộ huyện luôn xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình phấn đấu lâu dài, không chỉ với mục tiêu giữ vững mà tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được. Chúng tôi không chỉ chạy theo số lượng mà phấn đấu đạt cả về chất lượng. Cụ thể việc xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn mới chỉ là cái vỏ, chúng tôi sẽ tiếp tục làm phần “ruột” bằng các hoạt động phong phú, đa dạng nhằm chăm lo tốt về mặt tinh thần của nông dân. Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất gắn với thị trường nhằm tạo sự phát triển bền vững”. 

Ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại chăn nuôi tại huyện Xuân Lộc, chia sẻ: “Giai đoạn hội nhập là quá trình sàng lọc, những người yếu sẽ mất cơ hội nên nông dân phải chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Hiện trang trại đang triển khai dự án chăn nuôi gà đẻ trứng mới, đầu tư cả trăm tỷ đồng nhập dây chuyền chăn nuôi tự động theo công nghệ mới nhất hiện nay. Tôi muốn xây dựng thương hiệu trứng gà sạch Đồng Nai với chất lượng không chỉ đáp ứng thị trường nội địa mà có thể xuất khẩu tốt”.

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều