Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch vụ chuyển mình (Bài 9)

11:09, 23/09/2015

Từ khoảng năm 2010 trở về trước, một thực tế phải chấp nhận là trong phát triển kinh tế, Đồng Nai có sự chênh lệch khá lớn do công nghiệp phát triển quá nhanh, trong khi tăng trưởng dịch vụ không cao...

Từ khoảng năm 2010 trở về trước, một thực tế phải chấp nhận là trong phát triển kinh tế, Đồng Nai có sự chênh lệch khá lớn do công nghiệp phát triển quá nhanh, trong khi tăng trưởng dịch vụ không cao. Nhiều loại hình dịch vụ cần thiết để đáp ứng nhu cầu, như: tài chính ngân hàng, bảo hiểm, thương mại trung và cao cấp, khách sạn, du lịch... phát triển chậm và bất tương xứng.

Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2015 được đánh giá là giai đoạn phát triển khá nhanh và đa dạng của các loại hình dịch vụ tại Đồng Nai như: thương mại, vận tải, y tế, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, du lịch, giải trí…

* Thương mại “bùng nổ”

Cuối tháng 8-2015, Tập đoàn Vincom Group đã khai trương trung tâm thương mại Vincom đầu tiên tại TP.Biên Hòa. Vincom từng đưa ra quyết định rất nhanh chóng khi đầu tư vào Đồng Nai. Cuối năm 2014, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sinh Thái đấu thầu thành công mảnh đất “vàng” ngay góc ngã tư đường Phạm Văn Thuận giao với đường Phan Trung (khu đất Công ty giày Lạc Cường) với giá gần 300 tỷ đồng. Ngay sau đó, công ty này xin giấy phép đầu tư Trung tâm mua sắm Vincom với vốn đầu tư 591 tỷ đồng.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại Siêu thị BigC Đồng Nai.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại Siêu thị BigC Đồng Nai.

Ngoài Vincom, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều trung tâm mua sắm của các “ông lớn”, như: BigC, Vinatex Mart, Co.op Mart, Siêu thị điện máy Chợ Lớn, Trung tâm mua sắm đệ nhất Phan Khang, Nguyễn Kim, Lotte Mart, Metro… Ngoài ra, nhiều tập đoàn lớn trên lĩnh vực này cũng đã đến Đồng Nai tìm cơ hội đầu tư. Có thể kể đến: Tập đoàn Walmart, Target (Hoa Kỳ) và một số doanh nghiệp khác từ Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Ý... Theo ông Chris G. Neeley, Phó chủ tịch điều hành Công ty Made in USA Works (Hoa Kỳ), doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với một số hiệp hội ngành hàng của Đồng Nai và tới đây sẽ giúp hàng hóa của tỉnh vào hệ thống bán lẻ Walmart lớn nhất Hoa Kỳ. Khi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết, Việt Nam và trong đó có Đồng Nai sẽ là một trong tốp 5 điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn thương mại lớn Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Ông Giovani Rojas, Giám đốc cấp cao Bộ phận quản lý nguồn cung ứng Tập đoàn Target tại Việt Nam, cho biết: “Tập đoàn Target đang tìm hiểu cơ hội tại Đồng Nai, trước tiên sẽ liên kết với các doanh nghiệp may mặc, sản xuất đồ gỗ trên địa bàn để đưa sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ. Sau đó, tập đoàn dự tính sẽ mở rộng đầu tư tại Đồng Nai”.[links(right)]

Có thể nói, giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn mà ngành dịch vụ Đồng Nai thực sự chuyển mình, trong đó mạnh mẽ nhất là bán lẻ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng trung bình mỗi năm 17%. Trong đó, ngoài bán lẻ hiện đại, 5 năm qua, Đồng Nai còn xây dựng mới 19 chợ, nâng số chợ truyền thống hiện nay lên 166 chợ.          

* Du lịch, vận tải… tăng khá

3 triệu lượt khách là con số ước tính của ngành du lịch Đồng Nai năm 2015, tăng 1,2 lần so với năm 2011, trong khi doanh thu tăng khoảng 1,74 lần (900 tỷ đồng). Mặc dù là địa phương phát triển nghiêng về công nghiệp và không có các cảnh quan lớn, như: biển, núi, cao nguyên... song tốc độ tăng trưởng số lượng lượt khách bình quân mỗi năm cũng đạt khoảng 5% trong giai đoạn 2011-2015 và doanh thu tăng bình quân 15%/năm. Các điểm du lịch sinh thái lâu năm, như: Bửu Long, Thác Mai, Bò Cạp Vàng, Vườn Xoài, Giang Điền... vẫn là những nơi thu hút khách trong và ngoài tỉnh. Hiện một số dự án lớn như Sơn Tiên vẫn đang trong thời gian hoàn thiện.

Trong giai đoạn 2011-2015, cùng với cuộc vận động quy mô lớn do Bộ Chính trị khởi xướng: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đồng Nai đã có nhiều hoạt động tích cực. Tỉnh đã tổ chức 179 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, 4 tuần hàng Việt Nam; phối hợp và tổ chức 39 hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, hỗ trợ 300 lượt doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; tổ chức 13 đoàn xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường trong và ngoài nước, 40 hội thảo, hội nghị và hàng chục lớp tập huấn cho tiểu thương, doanh nghiệp và xây dựng Cổng thương mại điện tử Đồng Nai.

Là địa bàn đặc biệt đòi hỏi hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải thủy phát triển nhanh, mạnh để đáp ứng nhu cầu vận tải công nghiệp, Đồng Nai đã lập quy hoạch giao thông - vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh tăng cường các dự án đầu tư phục vụ dịch vụ logistics, cải tạo cảng. Hiện có 3 cảng trên sông Đồng Nai đang hoạt động, gồm: Cảng tổng hợp Đồng Nai (phường Long Bình Tân, Biên Hòa) phục vụ cho tàu có tải trọng 5 ngàn DWT (deadweight tonnage, đơn vị đo lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn), cảng chuyên dùng SCT tiếp nhận tàu 1 ngàn DWT, cảng chuyên dùng VT gas (1 ngàn DWT). Ngoài sông Đồng Nai, trên sông Nhà Bè - Lòng Tàu hiện có 5 cầu cảng; sông Thị Vải có 5 cầu cảng và bến cảng.

Hệ thống cảng ở Đồng Nai trong thời gian qua đã trở thành chuỗi lưu thông hàng hóa khá thuận tiện, góp phần đưa hoạt động hàng hải trong khu vực tăng tốc phát triển, khai thác dịch vụ thuộc lĩnh vực tàu vận tải trên địa bàn tỉnh đã dần liên kết được với các cảng biển Việt Nam. Đáng kể là hệ thống cảng ở Đồng Nai liên thông với hệ thống cảng biển TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu (gọi chung là cụm cảng biển nhóm 5), tiếp cận với đường hàng hải quốc tế, tạo thành một hệ thống cảng liên hoàn, gắn liền với những khu trung tâm kinh tế đang phát triển. Các đơn vị thuộc cụm cảng biển nhóm 5 này được đánh giá có sự năng động, chủ động hợp tác quốc tế trên lĩnh vực vận tải biển; nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng hải trên các sông: Đồng Nai, Nhà Bè - Lòng Tàu và Thị Vải không ngừng lớn mạnh, đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Đồng Nai.

* Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm

Một điều đáng chú ý trong phát triển dịch vụ Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 là sớm đưa khái niệm chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm vào thực tế. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nhóm ngành nông - lâm - thủy sản đạt hơn 4%/năm. Đến cuối 2014, toàn tỉnh có 850/2532 trang trại được cấp giấy chứng nhận, 110 hợp tác xã nông nghiệp. Đồng Nai cũng có 5 doanh nghiệp xây dựng được dự án cánh đồng lớn cà phê, xoài, điều, mía, ca cao...

Về dịch vụ y tế, giai đoạn 2011-2015, cùng với sự “cởi trói” của các chính sách xã hội hóa y tế, dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh đã tăng trưởng khá mạnh mẽ. Đặc biệt năm 2015, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới chính thức khánh thành và đi vào hoạt động với quy mô, trang thiết bị vào loại nhất miền Đông Nam bộ. Một số bệnh viện tư nhân, như: Shingmark, Âu Cơ, Quốc tế Đồng Nai, ITO Biên Hòa… cũng được đánh giá rất cao về mức độ đầu tư trang thiết bị, nhân lực, kỹ thuật...

Ngoài ra, có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình chăn nuôi gà chuồng mát có hệ thống lấy phân tự động của trại gà Lâm Thanh Ðức, ấp Bình Tân, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc); mô hình nuôi gà đẻ trứng có hàm lượng Omega 3 cao của Công ty Thiên Minh Ân, ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom); mô hình nuôi heo chuồng kín tại trang trại Hoàng Kim Thanh, xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc); mô hình sản xuất nấm mèo giống, nuôi trồng nấm của Công ty sinh học Công Thành, phường Xuân An (TX.Long Khánh); mô hình trồng bưởi thâm canh cho năng suất 27 tấn trái/hécta/năm của ông Vũ Văn Nhượng, tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú)...

Đáng chú ý nhất, gần đây nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, như: Vingroup, Masan, Hòa Phát... đã đến Đồng Nai đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, với ý định hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Vi Lâm

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều