Bước vào hội nhập giai đoạn 2011-2015, khoa học - công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Bước vào hội nhập giai đoạn 2011-2015, khoa học - công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ.[links(right)]
Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất trong 5 năm qua đã được DN chú ý hơn. Nhiều DN ứng dụng khoa học - công nghệ đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo hộ sở hữu trí tuệ với thương hiệu, quản lý năng lượng hiệu quả và giảm được lãng phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
* Giảm nhiều chi phí
Trong các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN thì khoa học - công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu vì giúp DN giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa được nâng cao đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.
Công ty cổ phần Đồng Tiến là một trong những doanh nghiệp nhiều năm liền tham gia chương trình giải thưởng chất lượng quốc gia, một trong những chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. |
Ông Hồ Ngọc Liệp, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa, cho biết: “Hiện nay, khai thác khoáng sản của công ty đã được chuyển đổi sang công nghệ của Úc loại hiện đại nhất. Công nghệ này khai thác không sử dụng điện, giảm tiếng ồn, tăng chất lượng sản phẩm và độ an toàn. Nhờ vậy, công ty giảm được nhiều chi phí, hạ được giá thành sản phẩm, khả năng cạnh tranh cao”. Cũng theo ông Liệp, với công nghệ mới đá khai thác giảm giá thành hơn 300 đồng/m3 so với công nghệ cũ.
4 doanh nghiệp hỗ trợ nghiên cứu sản phẩm mới Ông Nguyễn Công Khánh, Phó chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học - công nghệ), cho hay từ đầu năm 2015 đến nay, Sở đã hỗ trợ 4 DN trong tỉnh nghiên cứu sản phẩm mới, đổi mới công nghệ và tiết kiệm năng lượng. Trong đó gồm có Công ty cổ phần Bảo Vân, Nhà máy hóa chất Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), Công ty TNHH Thiên Quốc (Khu công nghiêp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) và Nhà máy super phosphate Long Thành (Khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Long Thành). Các DN này được hỗ trợ kiểm toán năng lượng và từ đó đưa ra các giải pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm chi phí cho DN. Mỗi DN tham gia chương trình được hỗ trợ từ 73-100 triệu đồng. |
Hiện đã có DN ứng dụng quản lý tiết kiệm năng lượng giảm nhiều chi phí, như: Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) tiết kiệm chi phí 1,4 tỷ đồng/năm, Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) tiết kiệm 6,5 tỷ đồng/năm...
Theo ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các DN hiện nay đã quan tâm và chú ý nhiều hơn đến việc ứng dụng các máy móc, thiết bị công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm lao động. “Khoảng 2-3 năm trở lại đây, các DN nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp trong tỉnh hầu hết đều có dây chuyền máy móc hiện đại đáp ứng yêu cầu của tỉnh hướng đến sản xuất xanh” - ông Nhơn nói.
Ông Nguyễn Công Khánh, Phó chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học - công nghệ), cho biết: “Qua tuyên truyền, tập huấn, DN ngày càng có ý thức trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hàng năm, Sở hỗ trợ một số DN trên địa bàn tỉnh đánh giá việc sử dụng năng lượng, máy móc thiết bị để từ đó đề ra giải pháp vận hành sản xuất tiết kiệm hiệu quả hơn”. Từ các mô hình hiệu quả trên được giới thiệu để các DN biết và từng bước ứng dụng vào trong sản xuất.
* Nhiều lĩnh vực ứng dụng công nghệ
Khoa học - công nghệ được các DN, đơn vị ứng dụng trên nhiều lĩnh vực, như: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Năm 2011, Sở Khoa học - công nghệ đã phối hợp với các sở, ngành để hướng dẫn các tổ chức, đơn vị sản xuất nông nghiệp về các hệ thống quản lý tiên tiến áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là VietGAP và GlobalGAP tại TP.Biên Hòa và TX.Long Khánh. Hội thảo đã thu hút hơn 150 đại biểu trên địa bàn tỉnh về tham dự. Năm 2012 và 2013, Sở tổ chức 4 lớp tập huấn cho gần 150 DN về kiến thức và các kỹ năng cần thiết trong việc cải tiến năng suất chất lượng; hướng dẫn chuyên sâu về sở hữu trí tuệ và tiết kiệm năng lượng.
Gần 65% doanh nghiệp quan tâm nhãn hàng hóa Trong 7 chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, DN chú ý nhiều đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, quản lý tiết kiệm năng lượng. Theo kế hoạch, Sở Khoa học - công nghệ sẽ hỗ trợ 230 DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế có khoảng 149 DN tham gia đạt gần 65%. Còn lại các chương trình hỗ trợ khác DN chưa quan tâm nhiều. Đặc biệt là đổi mới thiết bị công nghệ để hướng đến sản xuất sạch hơn. Nguyên nhân là do các DN được hỗ trợ đa phần là DN vừa và nhỏ nên điều kiện về tài chính còn hạn hẹp, hỗ trợ của chương trình còn thấp. Còn các DN lớn hầu hết tự thực hiện vì những chương trình trên liên quan trực tiếp đến nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và thế giới. |
Trong thời gian qua, đã có 240 DN được tỉnh hỗ trợ khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Cụ thể, có 59 DN được hỗ trợ áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến và xây dựng tiêu chuẩn, 159 DN thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ, 22 DN được hỗ trợ nghiên cứu sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng. Trong những DN được hỗ trợ khoa học - công nghệ có 20 DN có quy mô lớn và 220 đơn vị là DN có quy mô vừa và nhỏ. Các DN được hỗ trợ đa dạng các ngành nghề, như: vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, quần áo may sẵn, dây và cáp điện, sản phẩm nông nghiệp,...
PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, cho biết: “Với vai trò chủ trì triển khai, Sở đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: hội nghị, hội thảo, thông tin trên các phương tiện truyền thông, hướng dẫn trực tiếp. Qua đó, các DN đã quan tâm ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chú ý đến bảo hộ sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu hàng hóa và quản lý sử dụng tiết kiệm năng lượng. Tuy kết quả đạt được chưa như mong muốn nhưng số DN quan tâm chương trình ngày một tăng”. Hàng năm, trong các cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn nhấn mạnh, trong giai đoạn hội nhập sâu, để phát triển bền vững, DN phải ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm lao động, hạ giá thành sản phẩm thì mới phát triển bền vững. Và khoa học - công nghệ áp dụng trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ...
Nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập là một trong 8 mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ, tỉnh đang tiến hành triển khai.
50 doanh nghiệp hỗ trợ công cụ quản lý tiên tiến Thông tin từ Sở Khoa học - công nghệ cho hay trong năm 2015, có 50 DN trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ áp dụng công cụ tiên tiến và xây dựng tiêu chuẩn. Trong đó, 44 DN tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia, 3 DN tham gia xây dựng ISO 9001:2008 và 1 DN xây dựng ISO 22000:2005. Những DN tham gia chương trình này được hỗ trợ kinh phí thực hiện từ 20-50 triệu đồng/DN. Chương trình này được Sở Khoa học - công nghệ triển khai từ năm 2011. Những DN tham gia chương trình này nhiều năm liền là Công ty cổ phần Đồng Tiến, Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa, Nhà máy super phosphate Long Thành, Công ty cổ phần cơ điện - điện lực Đồng Nai... |
Hương Giang