Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư hàng ngàn tỷ cho y tế

10:09, 21/09/2015

5 năm qua, mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng Đảng bộ và chính quyền Đồng Nai luôn quan tâm và ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển ngành y tế. Nổi bật nhất là tỉnh đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở, vật chất; đầu tư trang thiết bị; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành.

5 năm qua, mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng Đảng bộ và chính quyền Đồng Nai luôn quan tâm và ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển ngành y tế. Nổi bật nhất là tỉnh đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở, vật chất; đầu tư trang thiết bị; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành.

Các bác sĩ Trung tâm can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện thành công ca nong hẹp van 2 lá đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai.
Các bác sĩ Trung tâm can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện thành công ca nong hẹp van 2 lá đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai.

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết, đến nay hệ thống khám chữa bệnh của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, trang thiết bị hiện đại, chất lượng chuyên môn và y đức. Hệ thống y tế của tỉnh đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân.

Ưu tiên đầu tư cho y tế

Chưa đạt chỉ tiêu 8 bác sĩ/vạn dân

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, số cán bộ y tế và số bác sĩ trong tỉnh đều tăng hơn 2 lần so với 5 năm trước đây. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Toàn ngành hiện có trên 2 ngàn bác sĩ, trong đó có trên 600 cán bộ y tế có trình độ sau đại học (với hơn 100 tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II). Số bác sĩ trên một vạn dân trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 3,6 bác sĩ năm 2010 lên 7 bác sĩ năm 2015. Từ một trong những tỉnh có số bác sĩ trên một vạn dân thấp nhất cả nước trong giai đoạn 2006-2010, đến nay Đồng Nai đã ở mức trung bình khá, tương đương với các tỉnh trong khu vực. Tuy số bác sĩ trên một vạn dân có tăng nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra là 8 bác sĩ/vạn dân.

Một trong những thành tựu nổi bật của ngành y tế trong nhiệm kỳ 2010-2015 chính là việc khánh thành và đưa vào hoạt động Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới với quy mô 1,4 ngàn giường bệnh, có kinh phí lên đến trên 3,3 ngàn tỷ đồng (trong đó vốn Nhà nước là trên 2 ngàn tỷ đồng). Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại của công trình được đánh giá ngang tầm với các bệnh viện trong khu vực Đông Nam Á.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, đến nay cơ sở mới của bệnh viện đã được vận hành ổn định và đi vào nề nếp, công suất vượt hơn thiết kế ban đầu với 1,5 ngàn giường bệnh nội trú, gần 3 ngàn lượt người khám ngoại trú/ngày ở cả 2 khối công lập và dịch vụ (tăng khoảng 50% so với trước đây). Đặc biệt, mỗi ngày bệnh viện đã thực hiện hơn 100 ca phẫu thuật các loại (tăng gần 100% ca so với trước đây). Điều này cho thấy người dân đã tin tưởng, lựa chọn bệnh viện là cơ sở khám, chữa bệnh mà không chuyển lên tuyến trên như trước kia.

Cơ sở mới Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được đầu tư khang trang và hiện đại.
Cơ sở mới Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được đầu tư khang trang và hiện đại.

Trong 5 năm qua, ngành y tế đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 9 bệnh viện với kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng; đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng và bổ sung thiết bị thành lập Trung tâm can thiệp tim mạch đầu tiên của tỉnh tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất; xây dựng mới khoa nhiễm ở Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai; Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú. Số giường bệnh của hệ thống y tế Nhà nước đã tăng 22% so với năm 2010, từ hơn 4,8 ngàn giường lên gần 6,2 ngàn giường.

Tiếp nhận nhiều kỹ thuật mới

Sẽ hình thành các trung tâm y tế kỹ thuật cao

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong nhiệm kỳ 2015-2020, ngành y tế sẽ tập trung đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại cho một số bệnh viện tuyến tỉnh, hình thành một số trung tâm y tế kỹ thuật cao trong các bệnh viện tuyến tỉnh. Các lĩnh vực tập trung đầu tư phát triển là: tim mạch can thiệp, chấn thương chỉnh hình, sản phụ khoa, ung thư, lọc máu, chống độc, hồi sức sơ sinh... Chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ y tế đầu ngành, chuyên sâu. Tăng cường các chương trình hợp tác với các bệnh viện tuyến trên, hợp tác quốc tế trong đào tạo cán bộ y tế. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện quy tắc giao tiếp, ứng xử và đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Song song với việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tỉnh cũng luôn chú trọng nâng cao tay nghề cho các bác sĩ thông qua việc hỗ trợ kinh phí để thực hiện Đề án 1816 về “Cử cán bộ luân phiên chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” và đề án bệnh viện vệ tinh. Đến nay, 100% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và bệnh viện đa khoa khu vực đã thực hiện được phẫu thuật nội soi, phẫu thuật sọ não. Hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đã triển khai được một số kỹ thuật, như: mổ lấy thai, thai ngoài tử cung, thoát vị bẹn, viêm ruột thừa...

Đặc biệt năm 2015 việc triển khai phẫu thuật can thiệp tim mạch tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là một bước tiến đáng kể trong nâng cao tay nghề, chất lượng khám, chữa bệnh của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch trong tỉnh, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ngay trong thời gian vàng mà không phải chuyển tuyến. “Ưu điểm của kỹ thuật này là với các thiết bị và vật tư kỹ thuật ngày càng tinh xảo, hiện đại, nhỏ gọn bác sĩ có thể can thiệp một số bệnh lý tim mạch từ phía ngoài (qua da) mà không phải trải qua phẫu thuật nặng nề, để lại sẹo lớn cho bệnh nhân; giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục trở về với đời sống bình thường” - bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa can thiệp tim mạch, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết.

Sau gần 1 tháng được bác sĩ Trung tâm tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất nong hẹp van 2 lá, bệnh nhân Hoàng Minh Hải, ngụ tại xã Phú An (huyện Tân Phú), đã có thể đi làm trở lại. Ông Hải tâm sự, trước đây do hẹp van 2 lá nên người ông lúc nào cũng uể oải vì huyết áp thấp, nhưng sau khi được chữa trị, hiện nay huyết áp đã ổn định, trong người thấy khỏe hẳn nên tinh thần rất phấn khởi. Đồng Nai đã triển khai được kỹ thuật cao này rất tiện lợi cho những người bị bệnh tim như ông. Vì với bệnh của ông mà lên Viện tim TP.Hồ Chí Minh điều trị sẽ rất tốn kém do chi phí đi lại, điều trị rất lớn, đó là chưa kể phải xếp hàng chờ không biết khi nào mới đến lượt mổ.

Mỗi năm triển khai 50 kỹ thuật mới

Theo thông tin từ Sở Y tế, trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm các bệnh viện đã triển khai 50 kỹ thuật mới thông qua thực hiện Đề án 1816 và đề án bệnh viện vệ tinh. Nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị được thực hiện thường quy tại nhiều bệnh viện trong tỉnh, như: vi phẫu thần kinh - mạch máu, nội soi khớp, phẫu thuật thay khớp háng và khớp gối, phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật chấn thương cột sống - thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật nội soi tuyến giáp, đại tràng, vi phẫu thanh quản, phẫu thuật nội soi màng phổi, lọc máu... Ngoài ra, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh còn liên kết với các chuyên gia đầu ngành để chuyển giao các kỹ thuật khó, như: mổ nội soi khớp khuỷu, nội soi khớp vai, nội soi cắt tử cung toàn phần và bán phần...

Ngọc Thư

 

 

 

Tin xem nhiều