Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Đảng bộ huyện Định Quán xác định là hướng đi hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững và phục vụ quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Đảng bộ huyện Định Quán xác định là hướng đi hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững và phục vụ quá trình xây dựng nông thôn mới.
Học viên tại Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán được trang bị thiết bị hiện đại. |
Theo Huyện ủy Định Quán, nhu cầu học nghề của người dân rất lớn, nhưng Huyện ủy luôn chỉ đạo phải coi trọng chất lượng hơn số lượng, đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm, tuyệt đối không chạy theo hình thức.
* Chú trọng chất lượng
Anh Lộc Văn Huyển ở ấp 2, xã Thanh Sơn theo học nghề hàn tại Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán được 2 tháng. Đến nay những đường hàn của anh đã đảm bảo kỹ thuật. Anh Huyển được một công ty tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) tuyển dụng dự kiến 1 tháng nữa sẽ đi làm. Anh Huyển cho biết: “Anh trai của tôi sau khi đi bộ đội về được xã Thanh Sơn giới thiệu ra Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán học nghề hàn miễn phí, nay anh đã đi làm được hơn 1 năm. Thấy hiệu quả lâu dài của nghề hàn nên tôi theo học. Dù chưa tốt nghiệp nhưng tôi rất an tâm vì đã có việc làm chờ sẵn”.
Theo Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán, nhờ sự chỉ đạo của Huyện ủy nên đến nay trung tâm được UBND huyện đầu tư nhiều thiết bị dạy nghề đắt tiền, trong đó có máy CNC cắt gọt kim loại do Nhật Bản tài trợ. Huyện ủy và UBND huyện đã sớm chỉ đạo sắp xếp lại các nghề đào tạo nên công tác đào tạo đã gắn với thị trường lao động, thậm chí có những nghề học viên chưa tốt nghiệp đã có doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng. Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán Ngô Đăng Thành cho biết: “Học viên may sau khi được học nghề và giới thiệu việc làm thường có thu nhập khởi điểm từ 3,5-4 triệu đồng/tháng, còn học viên nghề hàn khi tốt nghiệp có thu nhập khởi điểm từ 6-7 triệu đồng/tháng trở lên”.
Theo Phó bí thư Đảng ủy xã Phú Cường Bùi Hữu Nam, trong những năm trở lại đây nhiều người dân trong xã đã được chuyển đổi từ nghề nông nghiệp sang nghề phi nông nghiệp, trong đó nhiều nhất là làm công nhân tại Cụm công nghiệp Phú Cường thuộc địa bàn xã. Tại cụm công nghiệp này hiện có trên 3 ngàn công nhân là người của xã đang làm việc.
Trong khi đó, theo Đảng ủy xã Phú Túc, từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã đã chọn mô hình dạy nghề nuôi dê. Ban đầu chỉ có 30 hộ theo học nhưng nay đã có trên 100 hộ với tổng đàn trên 1 ngàn con.
* Tạo chiều sâu đào tạo nghề
Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú cho biết, mỗi năm Huyện ủy giao chỉ tiêu cho UBND huyện phải hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề cho khoảng 4,5 ngàn người dân. Không chỉ giao chỉ tiêu mà Huyện ủy còn yêu cầu triển khai đào tạo nghề một cách thực chất. Trong quá trình thực hiện, Huyện ủy còn thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh hạn chế nhằm tránh xảy ra sai phạm. Những khó khăn vướng mắc đều được Huyện ủy quan tâm chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, do đó chỉ tiêu hàng năm và cả chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đều đảm bảo theo yêu cầu của Huyện ủy giao.
Tính chung trong 5 năm qua, Huyện ủy Định Quán đã chỉ đạo đào tạo nghề cho khoảng 21 ngàn người, bình quân mỗi năm đào tạo được khoảng 4,5 ngàn người. Ngoài đào tạo tại chỗ, tập trung tại Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán, Huyện ủy còn chỉ đạo UBND huyện liên hệ với Trường cao đẳng nghề số 8 đào tạo nghề cho học sinh người dân tộc thiểu số, thanh niên là bộ đội xuất ngũ. |
Theo nhận xét của Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội Mao Quốc Trung, Định Quán đã có nỗ lực rất lớn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huyện đã hình thành được những mô hình cụ thể, như: nuôi gà thả vườn, nuôi dê, trồng quýt, mây tre đan xuất khẩu, đào tạo đã gắn với giới thiệu việc làm, đặc biệt là nghề hàn và may công nghiệp. Bên cạnh việc chỉ đạo quyết liệt công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, huyện đã góp phần gia tăng hiệu quả của công tác hậu đào tạo nghề, đó là phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình giải quyết việc làm, tìm đầu ra cho sản phẩm...
Bí thư Huyện ủy Định Quán Bùi Xuân Thống cho biết công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống khoảng 2,86%/năm. Nếu như năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 16,6% thì nay chỉ còn 3% (vượt chỉ tiêu nghị quyết). Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận, nhu cầu về học nghề của người dân còn rất lớn, yêu cầu về chất lượng còn phải tiếp tục được nâng lên. Bí thư Huyện ủy Bùi Xuân Thống cho biết thêm, dự kiến mục tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 của huyện phải đạt 62% trở lên, mỗi năm có 4,2-4,5 ngàn lao động được giải quyết việc làm mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng.
Công Nghĩa