Thực hiện Quyết định số 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Đồng Nai chỉ đạo rất quyết liệt, do đó đến nay hầu hết người có công đã có nhà ở kiên cố để an tâm sinh sống.
Thực hiện Quyết định số 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Đồng Nai chỉ đạo rất quyết liệt, do đó đến nay hầu hết người có công đã có nhà ở kiên cố để an tâm sinh sống.
Người có công có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà ở đều được các địa phương hỗ trợ thủ tục và giải ngân một cách nhanh chóng.
* Hỗ trợ kịp thời
Ông Trịnh Xuân Thiều là cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, hiện đang sinh sống tại ấp Suối Cả, xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ). Dù về nghỉ hưu và được hưởng chế độ chính sách nhưng ông Thiều vẫn được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhà ở. Năm 2014, gia đình ông đã được hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa lại mái tôn nhà đã xuống cấp, không còn an toàn. Ông Thiều chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng vì chính sách của Nhà nước dành cho người có công ngày càng nhiều, từ đó giúp cho cuộc sống của chúng tôi thêm phần đủ đầy và phấn khởi hơn”.
Ông Trịnh Xuân Thiều (bìa phải) ngụ ấp Suối Cả, xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) được hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa lại mái nhà xuống cấp. |
Trong khi đó, ông Trần Đức Tuân, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) là thương binh 1/4, đầu năm 2015 đã được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà mới. Với phần vốn tích góp được cộng với số tiền Nhà nước hỗ trợ, ông Tuân đã xây được căn nhà khá khang trang - là mơ ước từ rất lâu của cả gia đình. Còn bà Hồ Thị Lạc là vợ của liệt sĩ Phạm Văn Truyên hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, năm nay đã ngoài 80 tuổi hiện sống một mình tại KP. 2, phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh). Bà Lạc cho hay, bà được UBND TX.Long Khánh cấp đất để xây nhà nhưng do căn nhà cũ xuống cấp nên năm 2012 thị xã đã vận động Công ty Sabeco xây tặng nhà tình nghĩa rộng hơn 40m2. Căn nhà tình nghĩa khá kiên cố, đầy đủ tiện nghi. Hàng quý UBND phường Xuân Thanh còn cử cán bộ vào kiểm tra an toàn của ngôi nhà, chi tiền sửa chữa những hư hỏng nhẹ, nhất là vào mùa mưa bão.
* Nhiệm vụ lâu dài
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính sách người có công Sở Lao động - thương binh và xã hội, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh mà các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc giải quyết hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí của tỉnh chi cho việc xây mới và sửa chữa 962 căn nhà lên tới 22,5 tỷ đồng.
Theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, bao gồm: người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; thân nhân liệt sĩ; bà mẹ Việt Nam anh hùng; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng. |
Ở nhiều huyện vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, đến nay đã gần như không còn hộ chính sách nào còn phải ở nhà dột nát, nhà tạm. Ông Đoàn Văn Chiến, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Vĩnh Cửu, cho biết đến ngày 30-4-2015 huyện đã giải quyết xong cơ bản chính sách nhà ở cho người có công. Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú cho biết với định mức hỗ trợ xây mới nhà ở của Nhà nước cho người có công là 40 triệu đồng, sửa chữa nhà là 20 triệu đồng, huyện đã tranh thủ giải quyết nhanh. Bên cạnh những hộ đặc biệt khó khăn, nhất là hộ neo đơn, ngoài kinh phí Nhà nước hỗ trợ, huyện còn giao các đơn vị, đoàn thể và vận động các doanh nghiệp xây mới hoặc sửa chữa nhà.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, Đồng Nai thực hiện quyết liệt và đã đạt được mục tiêu là tất cả người có công phải có đất ở và nhà ở kiên cố. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng đã ưu tiên ngân sách để thực hiện chính sách này. Bên cạnh đó, tỉnh đã làm rất tốt việc huy động cả hệ thống chính trị và nguồn lực xã hội hóa để chăm lo nhà ở cho người có công. Đây không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là hành động cụ thể để đền đáp xứng đáng cho những cống hiến và hy sinh của người có công đối với đất nước. |
Tuy nhiên, chế độ chăm lo nhà ở cho người có công vẫn cần được duy trì trong thời gian tới, do nhiều điều kiện chủ quan lẫn khách quan, nhất là yếu tố thời tiết và thiên tai. Ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết cuối năm 2014 vừa qua tỉnh có thêm 19 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, do đó Sở đã phối hợp với các địa phương rà soát ngay chính sách về nhà ở. Qua rà soát đã vận động xây mới được 4 căn nhà tình nghĩa, đồng thời sửa lại nhà cho 11 bà mẹ Việt Nam anh hùng. 4 mẹ còn lại do đã có nhà ở kiên cố cùng với con cái nên không cần Nhà nước hỗ trợ. Ông Lộc cho biết thêm, hiện Sở đang phối hợp với các địa phương để tiếp tục rà soát lại nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công trước đây chưa được hỗ trợ, đồng thời báo cáo với UBND tỉnh chuẩn bị nguồn kinh phí khi cần để có thể hỗ trợ ngay.
Công Nghĩa