Căn cứ 696 Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân suốt nhiều năm qua đã không để xảy ra các sự cố mất an toàn dẫn đến nguy cơ cháy, nổ, liên tục hỗ trợ các địa phương lân cận trong việc chữa cháy, cứu người và tài sản.
Căn cứ 696 Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân suốt nhiều năm qua đã không để xảy ra các sự cố mất an toàn dẫn đến nguy cơ cháy, nổ, liên tục hỗ trợ các địa phương lân cận trong việc chữa cháy, cứu người và tài sản.
Cán bộ, chiến sĩ Căn cứ 696 diễn tập chữa cháy. |
Hiện đơn vị có 3 xe chữa cháy chuyên dụng, việc luyện tập được duy trì thường xuyên giúp cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong đơn vị đều biết thao tác sử dụng vòi phun, máy móc khi cần thiết. Đây là nhiệm vụ kiêm nhiệm được giao cho từng trạm kỹ thuật của Căn cứ 696. Mỗi ngày đều có một trạm trực PCCC, đảm bảo an toàn cho đơn vị và sẵn sàng lên đường giúp dân khi có tin báo.
* Luyện tập đối đầu với “bà hỏa”
“Những năm gần đây, năm nào Căn cứ 696 cũng có ít nhất 2 lần đưa xe chữa cháy giúp các xã xung quanh, như: Đại Phước, Phú Hữu, Phú Thạnh… dập lửa. Nhiều CBCS của Căn cứ 696 đã 5-6 lần tham gia hoặc chỉ huy tổ chữa cháy dập lửa cứu người. Hàng tuần, hàng tháng, các trạm của Căn cứ 696 đều tổ chức tập luyện thao tác chữa cháy. Không chỉ đảm bảo an toàn cháy, nổ cho Căn cứ 696, mà còn cả Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và Lữ đoàn 167 gần đó, nên lực lượng chữa cháy của chúng tôi luôn đặt trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ” - Thượng tá Hoàng Văn Ảnh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng căn cứ 696, cho hay.
Tham gia nhiều vụ chữa cháy, nhưng trang phục của CBCS Căn cứ 696 chỉ là quần áo bảo hộ lao động, 2/3 xe chữa cháy đã xuống cấp, tốc độ di chuyển chậm, tính linh hoạt và hiệu quả không cao (những xe cũ được nâng cấp từ xe vận tải chuyên dụng Zil131 chứ không phải xe chữa cháy chuyên nghiệp). Tuy chưa gặp phải tình huống xấu với những trang bị cũ, nhưng điều này cũng là nỗi trăn trở lâu nay của lãnh đạo Căn cứ 696 và Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.
Do nắm vững các quy tắc an toàn và đề cao cảnh giác nên nhiều năm qua, tại Căn cứ 696 chưa để xảy ra vụ cháy nào gây hậu quả nghiêm trọng.
* Dập lửa giúp dân
Thượng tá Hoàng Văn Ảnh nhớ lại, trước khi chuyển công tác từ Lữ đoàn 171 về Căn cứ 696, ông đã nhiều lần tham gia chữa cháy, dập lửa các vụ tràn dầu ở bến cảng, nhưng khi chỉ huy lực lượng chữa cháy của đơn vị hỗ trợ dập lửa trong vụ cháy Công ty V. (huyện Nhơn Trạch) vào khuya 25-6 ông mới cảm thấy sức tàn phá khủng khiếp của ngọn lửa.
“Tầm 22 giờ 20, tôi đang trực cơ quan thì nhận được tin báo từ cấp trên về việc xuất xe đi dập lửa tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 nên nhanh chóng điều động các tổ trực cháy hôm đó lấy 2 xe lên đường. Đến nơi, sau khi nhận sự phân công của lực lượng PCCC chuyên nghiệp, chúng tôi làm nhiệm vụ khống chế cháy lan để các đơn vị bạn tiến hành dập lửa” - Thượng tá Ảnh nhớ lại.
Thượng tá Hoàng Văn Ảnh cho hay, Căn cứ 696 là đơn vị đảm bảo kỹ thuật, chứa nhiều khí tài quan trọng nên việc PCCC là một yêu cầu quan trọng và thường xuyên được Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm tra, đôn đốc. Nhưng trong một số tình huống, do khí tài, phương tiện chữa cháy đã cũ dẫn đến sự phối hợp giữa các tổ bị ảnh hưởng. |
Còn Thượng úy Nông Thế Hùng, Tổ trưởng Tổ chữa cháy của Căn cứ 696, người đã tham gia chữa cháy giúp dân 5 lần tại các xã xung quanh đơn vị, tâm sự vì được huấn luyện thường xuyên về công tác PCCC nên mỗi khi xảy ra chuyện, anh và các đồng đội luôn bình tĩnh tìm cách xử lý. Mỗi tuần, mỗi tháng, các tình huống giả định cháy từ cây cối cho đến nhà cửa đều được đặt ra để các tổ chữa cháy tập luyện xử lý. Bên cạnh đó, công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các CBCS mới về đơn vị cũng được thực hiện thường xuyên.
“Năm 2012, tôi cùng đồng đội tham gia chữa cháy một nhà dân ở xã Đại Phước, nằm gần cổng vào đơn vị. Lúc đó, ngọn lửa cháy lớn do khí từ bình gas rò rỉ, tôi phải liều mình đập cửa kính, xông vào nhà khóa bình gas đem ra ngoài. Suốt 13 năm tham gia chữa cháy, đó là một trong những tình huống nguy hiểm nhất. Sau này nghĩ lại, dù cảm thấy run nhưng khi đối mặt với ngọn lửa thì gần như cảm giác sợ sệt biến mất, chỉ còn biết tìm cách xử lý tình huống trước mắt thôi” - Thượng úy Trần Quang Khánh, phụ trách đội xe Căn cứ 696, người tham gia chữa cháy nhà dân 20 lần, kể lại.
Đăng Tùng