Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực xóa đói, giảm nghèo

11:05, 06/05/2015

Đến nay, Đồng Nai đã đạt được những kết quả ngoạn mục trong công tác xóa đói giảm nghèo. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Đến nay, Đồng Nai đã đạt được những kết quả ngoạn mục trong công tác xóa đói giảm nghèo. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội cho thấy vào năm 1993 những địa phương như: Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán,Thống Nhất, Vĩnh Cửu và Long Khánh có tới  63,8 ngàn hộ đói nghèo (chiếm 21,28% tổng số hộ), trong đó có 32,1 ngàn hộ đói và 31,7 ngàn hộ nghèo. Số hộ đói nghèo ở thành thị chiếm 17%, còn ở nông thôn chiếm tới 83%.

* Dồn sức chống đói nghèo

Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết công tác giảm nghèo giai đoạn đầu hiệu quả cao là nhờ lãnh đạo tỉnh đã bắt trúng “mạch” và bốc trúng “thuốc” để trị tận gốc đói nghèo. Giai đoạn 1994-2000 tỉnh đã thu được những kết quả ngoài sức mong đợi. Toàn tỉnh xóa được toàn bộ số hộ đói kinh niên và giảm được trên 26,8 ngàn hộ nghèo. Số hộ nghèo còn lại là 4,9 ngàn hộ, cách xa so với dự kiến ban đầu là 12 ngàn hộ. Nhiều địa phương như Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Long Khánh tỷ lệ hộ đói nghèo đã giảm nhanh tới 91-97%.

Người dân xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) được cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai về tận xã phục vụ.
Người dân xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) được cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai về tận xã phục vụ.

 

Theo điều tra của Sở Lao động - thương binh và xã hội, tính đến  tháng 4-2015 toàn tỉnh còn 20,6 ngàn hộ nghèo (chiếm 2,89% tổng số hộ toàn tỉnh), trên 8 ngàn hộ cận nghèo (chiếm 1,1% số hộ toàn tỉnh). Như vậy, số hộ nghèo theo chuẩn mới đã tăng 2,89% và số hộ cận nghèo tăng lên 1,41% so với chuẩn nghèo và cận nghèo trước đây.

Ông Phan Trọng Hữu, Phó ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, cho biết đến nay tỉnh đã thực hiện được 3 giai đoạn giảm nghèo và chuẩn bị hoàn tất giai đoạn 4 (từ năm 2011-2015), đang lập kế hoạch cho giai đoạn 2016-2020. Mỗi giai đoạn đều đặt ra những tiêu chí cao hơn, mục tiêu lớn để phấn đầu và đều đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Cuối năm 2014, số hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn cũ chỉ còn 7,3 ngàn hộ (chiếm 0,9% tổng số hộ), trong khi đó tỷ lệ trung bình của cả nước là 6%. Tỉnh cũng đã thông qua được chuẩn nghèo mới với những tiêu chí mới và sẽ thực hiện từ năm 2015 này.

* Tiếp sức cho người nghèo

Đến nay Đồng Nai đã có TX.Long Khánh và huyện Xuân Lộc là 2 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn sớm nhất cả nước. Các huyện như Long Thành, Nhơn Trạch và Thống Nhất dự kiến sẽ trở thành những huyện nông thôn mới tiếp theo của tỉnh ngay trong năm 2015 này.

Qua gần 13 năm Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động tại Đồng Nai đã có trên 123 ngàn lượt hộ nghèo được ngân hàng cho vay vốn với số tiền lên tới trên 1,8 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra tỉnh còn ủy thác cho ngân hàng 120 tỷ đồng để người nghèo vay thêm bên cạnh nguồn vốn của Chính phủ. Chương trình vay đa dạng, như: vay hộ nghèo và hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, cho học sinh, sinh viên vay học tập, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số... Ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai, cho biết chỉ tính riêng trong quý I-2015 đã có 79,7 tỷ đồng được giải ngân cho 7,7 ngàn lượt hộ nghèo vay. Người vay không cần thế chấp tài sản, còn được ngân hàng hỗ trợ phương pháp sử dụng đồng vốn hiệu quả nên tỷ lệ nợ xấu rất thấp.

Nghị quyết 126 của HĐND tỉnh về chuẩn nghèo mới được thông qua cuối năm 2013. Những hộ có thu nhập dưới 1,2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và dưới 1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn sẽ được xếp là hộ nghèo theo chuẩn mới. Những hộ ở thành thị có mức thu nhập từ 1,2 -1,56 triệu đồng, hộ ở khu vực nông thôn có mức thu nhập từ 1-1,3 triệu đồng/người/tháng sẽ được xếp vào diện hộ cận nghèo theo chuẩn mới.

Ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết từ năm 2010 đến nay đã có gần 38,7 ngàn người được đào tạo nghề ngắn hạn theo đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, và trên 80% có việc làm. Còn Đại tá Trần Anh Thu, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề số 8, cho biết có trên 4,5 ngàn học sinh dân tộc thiểu số ở Đồng Nai được trường đào tạo nghề trong gần 15 năm qua, trong đó 85% được doanh nghiệp tiếp nhận sau khi tốt nghiệp.

Chị Vũ Thị Ngọc Trâm, ngụ ấp 1, xã Bình Lộc (TX.Long Khánh), trước đây thuộc diện hộ nghèo nhưng nay đã có việc làm ổn định tại Công ty Pousung Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Chị Trâm cho biết: “Hàng ngày tôi đi làm bằng xe đưa rước của công ty nên rất thuận tiện. So với làm nông thì nghề may ổn định hơn, thu nhập cũng cao hơn nhiều. Nếu không được vận động đi học nghề may, đồng thời được Nhà nước hỗ trợ học phí thì tôi không có việc làm và thu nhập ổn định như bây giờ”.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều