Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi làm sống lại những cánh bay

10:05, 27/05/2015

Ngày 31-5-1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Xưởng sửa chữa máy bay A42 (tiền thân của Nhà máy A42, đóng tại sân bay Biên Hòa), có nhiệm vụ sửa chữa và hồi phục các loại máy bay chiến lợi phẩm F5, A37 và trực thăng UH1.

Ngày 31-5-1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Xưởng sửa chữa máy bay A42 (tiền thân của Nhà máy A42, đóng tại sân bay Biên Hòa), có nhiệm vụ sửa chữa và hồi phục các loại máy bay chiến lợi phẩm F5, A37 và trực thăng UH1.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm dây chuyền sửa chữa động cơ máy bay của Nhà máy A42.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm dây chuyền sửa chữa động cơ máy bay của Nhà máy A42.

Với 63 cán bộ, chiến sĩ ban đầu, vượt qua biết bao thăng trầm, thử thách, Nhà máy A42 đã trở thành nhà máy có khả năng sửa chữa kỹ thuật hàng không hiện đại của Quân chủng Phòng không - không quân.

* Làm chủ khoa học công nghệ

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quân chủng Phòng không - không quân đã tiếp quản các căn cứ không quân với hàng trăm máy bay và khối lượng lớn trang bị, kỹ thuật của địch hầu như còn nguyên vẹn. Đoàn cán bộ kỹ thuật không quân đã được giao nhiệm vụ tiếp quản căn cứ hậu cần - kỹ thuật tại sân bay Biên Hòa, trong đó có xưởng sửa chữa máy bay của địch và đã nhanh chóng tổ chức quản lý kho, xưởng, thu hồi máy bay, xe máy và bảo vệ khu vực trách nhiệm.

Chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, Xưởng A42 đã tổ chức sửa chữa kỹ thuật hàng không hỗ trợ các trung đoàn không quân tiến hành công tác bảo đảm kỹ thuật trong chiến đấu. Từ đầu tháng 10-1978 đến ngày 20-12-1978, xưởng đã hoàn thành một khối lượng công việc to lớn. Ngoài số máy bay và động cơ giao cho Sư đoàn không quân 372, xưởng còn chuẩn bị cơ sở dự phòng chiến đấu gồm: 3 máy bay A37, 3 trực thăng UH1, 3 bộ khí tài UH1, 1 bộ khí tài đồng bộ máy bay A37.  Tính đến ngày 30-11-1979, xưởng sửa chữa được 29 máy bay, gồm: 11 chiếc A37 và 18 chiếc UH1, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân chủng Phòng không - không quân, đặc biệt là đối với các trung đoàn không quân phía Nam.

Năm 1983 là năm giao thời trong việc khai thác sử dụng kỹ thuật hàng không hệ 2 và hệ 1 ở các trung đoàn không quân phía Nam. Quân đội đã trang bị cho Quân chủng Phòng không - không quân nhiều loại máy bay mới, như: MiG21, AN26, Mi24 để thay thế dần các loại máy bay: F5, A37, C130, UH1. Tuy nhiên, một số loại máy bay hệ 2 vẫn hoạt động tốt và phát huy được tính ưu việt của nó trên chiến trường. Xưởng A42 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hồi phục, sửa chữa và bảo đảm kỹ thuật cho máy bay và kỹ thuật hàng không hệ 2.

Cuối năm 1983, Xưởng A42 tổ chức sửa chữa lớn trực thăng Mi8 theo quy trình kỹ thuật được ban hành chính thức. Với nỗ lực và quyết tâm, A42 đã tiến một bước vững chắc trên con đường làm chủ khoa học - kỹ thuật, tổ chức và quản lý sản xuất, mở ra một hướng cơ bản lâu dài cho sự phát triển của xưởng và của ngành kỹ thuật hàng không nói chung.

* Góp phần làm chủ bầu trời

Để phù hợp với quá trình phát triển thành một xí nghiệp công nghiệp quốc phòng lớn, ngày 11-6-1992, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên Xưởng A42 thành Nhà máy A42. Đây là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc trên con đường phát triển, vươn lên làm chủ khoa học - kỹ thuật và công nghệ, từng bước hiện đại hóa và mở rộng để đơn vị có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sửa chữa kỹ thuật hàng không trong nước và trong khu vực.

Với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thợ cơ khí tay nghề cao, những năm qua Nhà máy A42 đã nghiên cứu, sửa chữa thành công hàng trăm loại động cơ tua-bin khác nhau, trong đó có những loại động cơ trang bị cho các loại máy bay chiến đấu hiện đại. Hiện nhà máy đang tiến hành xây dựng dự án sửa chữa động cơ AL-31F để có thể tiếp thu và sửa chữa các động cơ máy bay chiến đấu hiện đại nhất,như: Su27, Su30; nhiều loại động cơ trực thăng, tàu thủy..., góp phần bảo đảm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng nói riêng và toàn quân nói chung.

Với những thành tích đã đạt được trong 40 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể Nhà máy A42 và nhiều cán bộ, công nhân viên của đơn vị đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Ngày 29-8-1984, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Phân xưởng sửa chữa trực thăng của đơn vị vì đã có thành tích xuất sắc phục vụ chiến đấu.

Một ngày mới ở đơn vị thường bắt đầu bằng việc những người thợ kỹ thuật tập trung đại tu máy bay. Những chiếc máy bay đưa đến phân xưởng 1 được tổng tháo lắp, kiểm hỏng, xếp bộ làm vệ sinh và chuyển giao các phụ tùng theo chuyên ngành xuống các phân xưởng sửa chữa nội trường. Còn lại khung máy bay, được các thợ kỹ thuật kiểm tra kỹ lưỡng. Có hàng ngàn chi tiết phải kiểm tra rất nghiêm ngặt bằng các loại thiết bị, máy móc để xác định tuổi thọ. Từng con tán nhỏ tưởng chừng không mấy quan trọng cũng được kiểm tra tỉ mỉ, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ thay ngay. Sau đó, tất cả các bộ phận đã được sửa chữa của chiếc máy bay lần lượt được chuyển trở lại đây để lắp ráp hiệu chỉnh các hệ thống, cho thông điện mặt đất, rồi bay thử và bàn giao sản phẩm. Để bảo dưỡng một máy bay, các “bác sĩ” ở “Bệnh viện máy bay” A42 phải làm việc liên tục cả tháng trời.

Ngày nay, Nhà máy A42 đang sung sức trên con đường phát triển theo hướng đổi mới từng ngày, biến khả năng công nghệ thành những sản phẩm chất lượng cao, có giá trị về quân sự và kinh tế, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năng lực sửa chữa máy bay trực thăng của Nhà máy A42 đã được khẳng định trong khu vực Đông Nam Á. Từ “bệnh viện trực thăng”, các máy bay được khỏe mạnh trở về đơn vị phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Bàn tay những người thợ Phân xưởng 1 anh hùng của Nhà máy A42 đã góp phần cho Không quân Việt Nam làm chủ bầu trời.

Đoàn Hoài Trung

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều