Tỉnh đoàn, UBND huyện Thống Nhất và Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới của tỉnh đã phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới trong ngày 9-5.
Tỉnh đoàn, UBND huyện Thống Nhất và Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới của tỉnh đã phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới trong ngày 9-5.
Phần thi tự giới thiệu của xã Quang Trung - đơn vị đoạt giải nhì tại hội thi. Ảnh: N.Sơn |
Huyện Thống Nhất là đơn vị đầu tiên thí điểm tổ chức hội thi, với sự tham gia của 12 đội từ các xã, khối UBND và khối Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện.
Cơ hội nâng cao kiến thức
Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường cho biết qua 4 phần thi: tự giới thiệu, kiến thức, xử lý tình huống và thuyết trình, hầu hết các đội đã giới thiệu được kết quả, quá trình xây dựng nông thôn mới tại đơn vị, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới.
Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đơn vị xã Hưng Lộc, giải nhì thuộc về đơn vị xã Quang Trung và 2 đơn vị khối nhà nước của huyện, xã Gia Tân 3 đoạt giải 3. |
Phần thi tự giới thiệu được các đơn vị thể hiện dưới nhiều hình thức ca, thơ, hò vè, trong đó phần tự giới thiệu sáng tạo của xã Hưng Lộc đã gây ấn tượng cho nhiều người. Qua nhận xét của một người công nhân xa quê 5 năm, bộ mặt của xã Hưng Lộc đã hoàn toàn thay đổi với những đường giao thông nông thôn, nhà cửa kiên cố, trường học khang trang đạt chuẩn quốc gia, nhà văn hóa đông người đến sinh hoạt, đời sống người dân đã thoát cảnh đói nghèo…
Trong 40 phút, các thí sinh đã có cơ hội thể hiện kiến thức về xây dựng nông thôn mới qua 80 câu hỏi liên quan đến các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, qua phần thi xử lý các tình huống gặp phải trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia xây dựng nông thôn mới, các thí sinh đã được trải nghiệm và học hỏi kinh nghiệm giải quyết vấn đề gặp phải trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên, chuyên viên Phòng Văn hóa - thông tin huyện Thống Nhất - đội trưởng đội thi khối UBND huyện, cho rằng hoàn thiện và nâng cao kiến thức xây dựng nông thôn mới không chỉ cần thiết đối với cán bộ hay các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở mà đối với đội ngũ cán bộ, chuyên viên cấp huyện cũng rất cần thiết. Nếu nắm chắc kiến thức thì những cán bộ chuyên viên cấp huyện sẽ hướng dẫn cán bộ các xã thực hiện các tiêu chí nông thôn mới sẽ thuận lợi hơn.
Nâng cao chất lượng nông thôn mới
Ông Lê Văn Gọi, Phó chánh văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh, cho biết trước khi Chính phủ ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng nông thôn “4 có”. Do đó, khi Trung ương triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai thuận lợi hơn so với các địa phương khác.
Cũng theo ông Gọi, bên cạnh những kết quả tích cực, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn còn hạn chế nhất định, như: sản xuất nông nghiệp có nơi còn manh mún, có nơi chưa mang tính bền vững; một số đơn vị còn ỷ lại, coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp hoặc một số đoàn thể chính trị - xã hội ở một số nơi chưa nhận thức đúng vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới.
Chị Lê Thị Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Quang Trung, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2014, cho biết để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đã khó, việc giữ và nâng cao chất lượng nông thôn mới còn khó hơn. Phụ nữ là lực lượng chiếm trên 50% dân số, cho nên nhiệm vụ tuyên truyền, vận động của Hội cũng rất nặng nề. “Trong thời gian tới, cùng với kiến thức vốn có, kinh nghiệm có được từ hội thi, tôi sẽ cùng với các chi, tổ Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em hội viên cùng Đảng, chính quyền góp sức hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã” - chị Thúy khẳng định.
Nga Sơn