Về xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) những ngày này mới cảm nhận được không khí vui tươi, nhộn nhịp tràn về từng ngõ xóm nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng.
Về xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) những ngày này mới cảm nhận được không khí vui tươi, nhộn nhịp tràn về từng ngõ xóm nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng.
Là xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, sau 40 năm giải phóng chính quyền địa phương và người dân Bảo Vinh đã phát huy truyền thống đoàn kết chung sức xây dựng quê hương ngày một đổi thay, phát triển.
* Gian khổ đi lên
Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Bảo Vinh được mệnh danh là “miền đất lửa” bởi vị trí hết sức quan trọng của chiến trường Xuân Lộc - Long Khánh với những địa danh mà kẻ địch chỉ nghe đến là hết sức kinh sợ, như: ngã ba “vĩnh biệt”, Bảo Vinh A, Bảo Vinh B, Bảo Vinh C, Suối Chồn... Chính những hy sinh mất mát của người dân Bảo Vinh đã góp phần vào chiến công đập tan “cánh cửa thép” của quân thù, tạo điều kiện cho quân ta tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam.
Trường mầm non Ánh Dương đang được khẩn trương xây dựng ở xã Bảo Vinh. |
Sau ngày giải phóng, dù vô vàn khó khăn song phát huy truyền thống anh hùng, người dân ở xã Bảo Vinh đã ý thức vươn lên thoát khỏi đói nghèo bằng việc khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đảng ủy, chính quyền đã từng bước huy động nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, có những chủ trương, chính sách khuyến khích, động viên người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Về ngã ba “vĩnh biệt”, nơi mà kẻ địch tự đặt như một dấu ấn kinh hoàng của những năm chiến tranh khốc liệt, nay đã là ngã ba của sự khang trang phồn thịnh và sầm uất. Ông Đinh Hùng Tráng (Hai Phúc, 82 tuổi) ở ấp Bảo Vinh A, xã Bảo Vinh, người trong kháng chiến đã từng trực tiếp nhiều lần tiếp tế cho quân ta ngay tại ngã ba này, phấn khởi cho biết: “Làng xóm giờ chẳng khác nào phố thị, đường sá thênh thang, cơ sở khang trang bề thế, trước đây chúng tôi nằm mơ cũng không nghĩ tới”.
Ông Thổ Đức, người dân tộc Chơro, ấp Bảo Vinh B, xã Bảo Vinh, vui mừng cho biết, sau chiến tranh gia đình ông thiếu đói quanh năm chỉ biết đi đào củ chụp, củ nâu, chuối rừng để về ăn trừ bữa. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của địa phương, gia đình ông đã được vay vốn xóa đói giảm nghèo để đầu tư mua máy cày phục vụ sản xuất cho gia đình và các hộ dân trong làng. Hiện gia đình ông đã trả hết vốn, thoát nghèo và hiện tập trung nỗ lực làm giàu.
* Xứng danh xã anh hùng
Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được nâng cấp một cách đồng bộ, nhiều công trình đã và đang được xây dựng, như: Trường mầm non Ánh Dương, Trung tâm văn hóa thể thao, học tập cộng đồng, nhà bia ghi danh liệt sĩ, đường điện hạ thế ra cánh đồng trồng lúa phục vụ sản xuất.[links(right)]
Công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sang những giống mới có năng suất, chất lượng cao đã giúp người dân đạt thu nhập bình quân khoảng 125 triệu đồng/hécta, thậm chí có những vườn thanh long, sầu riêng, tiêu thu nhập từ 200-350 triệu đồng. Nhờ vậy, thu nhập của người dân tính đến cuối năm 2014 đã lên mức gần 37 triệu đồng/năm.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thì việc quan tâm tới chăm lo đời sống văn hóa, giáo dục cho người dân cũng được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Hiện trên địa bàn xã không còn gia đình chính sách thuộc diện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới chỉ còn 2,1%. Vừa qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành trong việc tìm kiếm và quy tập 36 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận tập kích đồn Hoàng Diệu năm 1969.
Ông Nguyễn Khắc Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bảo Vinh, vui mừng cho biết sau chiến tranh nhờ phát huy truyền thống anh hùng, chính quyền địa phương và nhân dân xã đã cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày một phát triển. Trong những năm qua, chính quyền địa phương chỉ giữ vai trò định hướng còn tinh thần dân chủ luôn được đưa lên hàng đầu. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” là tiền đề để tạo nên thành quả đổi thay, phát triển như hôm nay.
Văn Chính