Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài học từ sự quyết tâm (Bài 1)

10:04, 05/04/2015

Mặc dù không phải là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp (công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng đến 94% trong cơ cấu kinh tế) nhưng Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai luôn nhận thức sâu sắc được vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù không phải là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp (công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng đến 94% trong cơ cấu kinh tế) nhưng Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai luôn nhận thức sâu sắc được vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, thường xuyên, cấp bách, đồng thời còn là trách nhiệm thiêng liêng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm gia đình nông dân sản xuất giỏi Huỳnh Văn Hưng  ở xã Bảo Quang, TX.Long Khánh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm gia đình nông dân sản xuất giỏi Huỳnh Văn Hưng ở xã Bảo Quang, TX.Long Khánh.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương trong chuyến thăm và làm việc tại Đồng Nai mới đây cho rằng qua thực tiễn 30 năm đổi mới, Đồng Nai đã rút ra một bài học không bao giờ cũ, có thể nhân rộng, đó là nơi nào lãnh đạo có sự đồng thuận, quyết tâm cao, nơi đó sẽ đạt kết quả, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội như mong muốn.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương và Kế hoạch số 97 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là gần 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã có 52/136 xã xây dựng nông thôn mới hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia (đạt 38,2%/tổng số xã); 14/136 xã đạt từ 14-18 tiêu chí (chiếm 34,6%); 23/136 xã đạt từ 9-13 tiêu chí (chiếm 16,9%); 14 xã đạt từ 5-8 tiêu chí (chiếm 10,3%). Đặc biệt, Đồng Nai đã có 2 địa phương đầu tiên trong cả nước đạt danh hiệu nông thôn mới là TX.Long Khánh và huyện Xuân Lộc.

* Nhất quán phương châm

Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết mục tiêu mà Đồng Nai phấn đấu thực hiện là trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015, do đó cơ cấu nông nghiệp trong GDP giảm dần. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc “bỏ qua” nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh việc chú trọng phát triển công nghiệp, Đồng Nai không quên đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: “Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong phong trào của cả nước thực hiện thắng lợi, thành công xây dựng nông thôn mới. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới của cả nước”.

Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai còn nhận thức sâu sắc rằng, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nông thôn là nơi đã đóng góp chủ yếu và to lớn về nhân tài, vật lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nông thôn cũng là nơi chịu nhiều rủi ro trong cuộc sống nên dễ bị tổn thương, rơi vào tình trạng đói nghèo, lạc hậu... Cuộc sống của người nông dân vẫn chịu nhiều thiệt thòi, lệ thuộc, bấp bênh và chênh lệch ngày càng xa về đời sống và thu nhập so với cư dân đô thị.

Xuất phát từ nhận thức trên, trước khi có Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngay từ đầu năm 2007, Tỉnh ủy Đồng Nai đã chủ trương về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu “4 có”, gồm: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt, an ninh, an toàn đảm bảo; có môi trường sinh thái phát triển bền vững.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới cho hay, từ chủ trương của Tỉnh ủy là huy động tổng thể các nguồn lực để cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã có sự quyết tâm rất cao. Công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng lòng, đồng thuận, đồng hành và đồng tiến trong nhân dân được đặc biệt chú trọng, bởi nhân dân đóng vai trò chủ thể trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của tỉnh khi xây dựng nông thôn mới là phải thực hiện có kết quả “4 xóa”, gồm: xóa tâm lý, tư tưởng ỷ lại, thụ động, trông chờ vào ngân sách nhà nước và cấp trên; xóa vườn tạp độc canh, năng suất thấp, hiệu quả kém; xóa hủ tục, tập quán lạc hậu và tệ nạn xã hội trong từng gia đình, xóm ấp; xóa hộ nghèo, người nghèo, xóm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

* Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo, điều hành với quyết tâm cao nhất là thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống người dân ngày càng ấm no, chính sách an sinh xã hội đảm bảo tốt. Chính vì vậy, việc phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, tập thể được thực hiện rõ ràng, cụ thể. Theo đó, cấp ủy xã giữ vai trò chủ đạo; chính quyền đóng vai trò chủ lực trong quản lý, điều hành thực hiện chương trình, kế hoạch; MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giữ vai trò chủ trì nhiệm vụ và người nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới.

62.735 tỷ đồng là số tiền Đồng Nai đã huy động được tính đến nay để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó ngân sách nhà nước chỉ chiếm 15%, còn lại là nhân dân và doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng tham gia đóng góp.

Để đạt được kết quả này, một trong những bài học mà Đảng bộ Đồng Nai rút ra là: Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đối với cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở phải xác định và thể hiện “4 rõ”, gồm: rõ về trách nhiệm của từng tổ chức; rõ về nội dung, nhiệm vụ phải thực hiện của từng tổ chức; rõ về phương thức, biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện của tổ chức mình; rõ về kết quả đạt được do tổ chức mình tạo ra. Từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng đạt kết quả rõ nét hơn.

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật chia sẻ: “Để được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Xuân Lộc đã ban hành 123 văn bản chỉ đạo về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, trong đó có một nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo, phát huy lợi thế, huy động mọi nguồn lực xây dựng huyện Xuân Lộc đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014. Lãnh đạo huyện còn thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu với phương châm “cái gì có lợi cho dân cứ làm, cái gì có hại đến dân phải tránh”.

Còn Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải đúc kết: “Sự quyết đoán, quyết liệt của người lãnh đạo, tập thể lãnh đạo về công tác tổ chức, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Khi người đứng đầu thể hiện đầy đủ trách nhiệm, tập trung chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến và đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, rất dễ dàng để huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực xã hội, nội lực tại chỗ, phát huy sức dân để chăm lo lại cuộc sống của dân”.

Từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn mới ở Đồng Nai đã có nhiều khởi sắc. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; giá trị sản xuất tăng; đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân cải thiện rõ nét; tỷ lệ hộ nghèo giảm... Xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành phong trào thi đua sâu rộng ở mỗi làng quê.

Nguyễn Phượng

 

 

Tin xem nhiều