40 năm đã qua đi, nhưng những dấu son về một thời đấu tranh anh dũng sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của mỗi người dân huyện Vĩnh Cửu.
40 năm đã qua đi, nhưng những dấu son về một thời đấu tranh anh dũng sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của mỗi người dân huyện Vĩnh Cửu.
Nhiều con đường ở huyện Vĩnh Cửu đã được xây dựng khang trang. |
Kể từ ngày quê hương được giải phóng, Đảng bộ, quân và dân huyện Vĩnh Cửu đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách, vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, thường xuyên nâng cao cảnh giác, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
* Đổi thay nhiều mặt
Là một huyện thuần nông nghèo, nhưng đến nay bộ mặt nông thôn của Vĩnh Cửu ngày càng thay đổi và khởi sắc. Đặc biệt, trong những năm gần đây, huyện đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng, quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, thị trấn; xây dựng xã nông thôn mới để hướng đến phát triển bền vững.
Đến nay, kinh tế huyện Vĩnh Cửu đã có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,96%/năm. Các thành phần kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp đều đạt mức tăng trưởng khá, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp đầu tư nước ngoài tăng bình quân gần 13%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh tăng trên 12%/năm.
Huyện Vĩnh Cửu có hơn 800 liệt sĩ, 325 thương bệnh binh, 64 bà mẹ Việt Nam anh hùng (phong tặng và truy tặng), 1 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; trên 1.100 gia đình có công cách mạng, cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Tất cả đều được chăm lo theo chính sách đền ơn đáp nghĩa. |
Toàn huyện hiện có trên 790 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút và giải quyết việc làm trên 30 ngàn lao động. Công nghiệp phát triển đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động và thu nhập của nhân dân trong khu vực nông thôn tăng lên đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển đáng kể, tổng mức bán lẻ hàng hóa hàng năm tăng trên 15%. Sản xuất nông nghiệp cũng phát triển ổn định, giá trị sản xuất tăng bình quân gần 5%/năm. Huyện đã triển khai xây dựng các mô hình sản xuất như cánh đồng lúa mẫu lớn hàng trăm hécta ở các xã: Tân An, Bình Hòa, góp phần đưa năng suất bình quân từ 5,5 tấn/hécta lên trên 8 tấn/hécta.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào các cây trồng chủ lực là: bưởi, xoài mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân; xây dựng thương hiệu hàng hóa và tiêu chuẩn chất lượng VietGAP đối với cây xoài và bưởi.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ quan tâm lãnh đạo thực hiện đạt kết quả Nghị quyết Đại hội IX đề ra. Chỉ trong vòng 5 năm từ (năm 2010-2015) huyện đã ưu tiên dành hơn 1 ngàn tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước từ các nguồn để đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, như: đường giao thông, trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, trụ sở làm việc.
Toàn huyện đã bê tông hóa, nhựa hóa trên 187km đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và vận chuyển nông sản, hàng hóa… Ngoài ra, hộ dân cư và doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn cũng đã đầu tư nguồn vốn gần 5 ngàn tỷ đồng để phục vụ cho phát triển sản xuất - kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đời sống. Đến cuối năm 2014, toàn huyện có 3 xã: Tân Bình, Bình Hòa và Trị An đạt chuẩn xã nông thôn mới, hiện có thêm 4 xã Thiện Tân, Hiếu Liêm, Tân An và Phú Lý đang thực hiện một số tiêu chí còn lại để đạt xã nông thôn mới trong năm 2015.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng, đến nay toàn huyện có 19 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% trường tiểu học đạt xanh - sạch - đẹp cấp tỉnh. Cơ sở hạ tầng của ngành y tế huyện đã được nâng cấp xây mới, trong đó bệnh viện đa khoa huyện với quy mô 200 giường bệnh. 6 trạm y tế đã được xây mới và nâng cấp đạt tiêu chuẩn, trên 70% người dân tham gia bảo hiểm y tế, các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Công tác phòng chống dịch bệnh bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, 8/12 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Công tác giảm nghèo đạt được những kết quả tích cực, 100% người nghèo được cấp bảo hiểm y tế, đến cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 0,41%. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh luôn được đảm bảo, nhiều năm liền huyện hoàn thành tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ cả hai cấp, trong đó tỷ lệ đảng viên đạt và vượt chỉ tiêu trên giao.
* Chọn hướng phát triển bền vững
Trước sự đổi thay của quê hương, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Hải (71 tuổi, ngụ ở ấp 6-7, xã Thiện Tân), phấn khởi nói: “Thời điểm mới giải phóng, ở xã này gần như không có gì, toàn xã chỉ có một cái tivi, xe máy chỉ có vài chiếc, vậy mà giờ đây nhà nào cũng khang trang, kiên cố, có xe máy, tivi, tủ lạnh, có nhà có cả xe hơi, con cái học hành đến nơi đến chốn. Đường sá được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, mà vui nhất là đến tháng 7-2015 xã Thiện Tân sẽ đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đúng là đổi thay nhanh quá”.
Trong căn nhà khang trang, ông Đặng Văn Đạo, ngụ ở ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, vui vẻ nói: “Từ ngày có Khu công nghiệp Thạnh Phú và Cụm công nghiệp Thiện Tân - Thạnh Phú hoạt động, bà con ở đây phấn khởi lắm vì đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương, nhờ vậy đời sống phát triển rất cao so với trước đây. Đặc biệt, khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con rất ủng hộ bởi vì hiện nay đường sá đã khang trang sạch đẹp, đèn đường chiếu sáng tới các khu dân cư. Đảng, Nhà nước đã đem đến niềm vui và hạnh phúc cho nhân dân”.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với chương trình thực hiện “4 giảm” ở địa bàn khu dân cư tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu. Cuối năm 2014, Vĩnh Cửu có 59/65 ấp, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa, trên 98% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 3 khu nhà trọ văn hóa tiêu biểu. 8/12 xã, thị trấn đã có trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng, 16/65 nhà văn hóa ấp, khu phố. |
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi cho biết, trong thời gian tới địa phương sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, huyện sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho 4 xã: Tân An, Hiếu Liêm, Thiện Tân và Phú Lý đạt xã nông thôn mới trong năm 2015. Song song đó, huyện cũng triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch trên địa bàn, phối hợp với Khu Bảo tồn - thiên nhiên văn hóa Đồng Nai xây dựng kế hoạch và tổ chức mời gọi, thu hút đầu tư trên lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, huyện tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương để nông dân có điều kiện sản xuất nâng cao thu nhập. Qua đó, cũng triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả như cánh đồng mẫu lớn lúa, mía, bắp, đồng thời hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây trồng như bưởi, xoài, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hỗ trợ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, trang trại đáp ứng cho yêu cầu sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn.
Thy Diệu