Trung tướng Phạm Văn Dỹ được biết đến với nhiều phát biểu vừa đanh thép vừa mềm mỏng, hàm chứa tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam - Trung Quốc trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
Sinh năm 1958, trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đợt đầu tiên sau giải phóng miền Nam, từng cầm súng tham chiến biên giới Tây Nam 1977 và gắn bó với công tác chính trị trong quân ngũ đến nay, Trung tướng Phạm Văn Dỹ được biết đến với nhiều phát biểu vừa đanh thép vừa mềm mỏng, hàm chứa tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam - Trung Quốc trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
Ông nói, muốn toàn dân tập trung giữ nước thì trước tiên phải chỉ ra được nguy cơ của đất nước đến từ đâu và như thế nào, tính chất ra sao, đối tượng nào? Nhưng trên tất cả, xây dựng đất nước giàu mạnh là cách bảo vệ Tổ quốc vững chắc nhất vì việc phải dùng đến vũ lực là điều không ai mong muốn. Như Nguyễn Trãi từng nói ngay sau khi chiến thắng quân Minh: “Chiến tranh là chuyện mà người trượng phu vạn bất đắc dĩ mới dùng”.
Nhìn nhận đúng để hành xử đúng
* Đất nước đã trải qua tròn 40 năm từ chiến thắng mùa Xuân 1975. Những ngày này, ông nghĩ về điều gì nhiều nhất?
- Điều tôi nghĩ là sau 40 năm, chiến thắng 30-4 mách bảo chúng ta điều gì trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời bây giờ, lúc này, vì ý nghĩa, chi tiết của cuộc đấu tranh giành độc lập đã được phân tích và nhìn nhận nhiều. Không những Việt Nam mà Nga, Mỹ, Trung Quốc… sau 40 năm cũng đã đủ độ lùi để nhìn nhận đúng về cuộc chiến. Vậy nó mách bảo chúng ta điều gì? Muốn hiểu điều đó phải giải mã cuộc chiến tranh này, chỉ khi nhìn nhận đúng bản chất cuộc chiến.
Cũng trong 40 năm đó, người Mỹ dù không nguôi cảm giác thất bại, nhưng vẫn đang có những nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Chiến tranh đã qua, nhìn nhận lại những ý nghĩa và bài học là điều cần thiết, nhưng cần hơn cả là tự vấn rằng, chúng ta sẽ làm gì để tiếp tục giữ vững thành quả cách mạng và bảo vệ Tổ quốc vẹn tròn.
* Chúng ta đang bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đặc biệt ở khía cạnh phát triển kinh tế, nhưng có điều gì cần chú ý không, ở góc độ một nhà quân sự như ông?
- Hiện tại, Mỹ và Việt Nam đang hòa bình, đang thúc đẩy các quan hệ hợp tác làm ăn. Nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam có lợi trong sự hợp tác này vì mỗi quốc gia đều có thế mạnh riêng. Với Việt Nam, ngoài thị trường hơn 300 triệu dân của Mỹ, quan hệ hợp tác còn giá trị ở chỗ thông qua đó, năng lực sản xuất của ta cũng được cải thiện theo tiêu chuẩn của các nước phát triển. Mỹ cũng cần đến Việt Nam như một đối tác kinh tế. Và trên tất cả, chúng ta mưu cầu hòa bình, ổn định cho người dân Việt Nam sau nhiều mất mát chiến tranh. Một cựu binh Mỹ từng nói rất hình ảnh: “Muốn hiểu hòa bình, hãy đến Việt Nam”. Tuy vậy, cũng cần có sự thấu đáo trong quá trình hợp tác. Việt Nam chỉ mới có gần 40 năm yên ổn, còn rất nhiều thứ phải lo lắng, quan tâm và nhìn thấu để không mất cảnh giác và ân hận sau này.
* Còn về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông của ta và ứng xử với Trung Quốc, thưa ông?
- Mối quan hệ với Trung Quốc là một câu chuyện dài. Trong lịch sử, có nhiều giai đoạn Trung Quốc có chung đối thủ với Việt Nam, ví dụ: phát xít Nhật, thực dân Pháp và cả đế quốc Mỹ. Đó là lý do căn bản để Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam khá nhiều trong kháng chiến chống Pháp và chiến tranh chống Mỹ. Cần thẳng thắn rằng, nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc, chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch biên giới 1950 là để mở cánh cửa phía Bắc, thông qua biên giới để Trung Quốc và bè bạn quốc tế giúp đỡ Việt Nam. Có thể nói, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu nhân dân Việt Nam đã mang đến hạt thóc giống cuối cùng để chi viện thì nhân dân Trung Quốc đã mang đến cho chúng ta những viên đạn, những củ cải cuối cùng để giúp chúng ta giành chiến thắng. Ân nghĩa đó lớn, chúng ta không quên.
Tuy nhiên, trong quá trình bứt phá để phát triển, tiếc rằng Trung Quốc đã có nhiều toan tính khác. Những toan tính đó dẫn họ đến việc xâm phạm chủ quyền Biển Đông của Việt Nam. Và bài học rút ra là Việt Nam phải độc lập trong cuộc chiến chống Pháp, độc lập trong chống Mỹ, và nay chúng ta độc lập trong sự tranh đấu giành chủ quyền trên Biển Đông.
Có một điều, tham vọng lớn nhất của Trung Quốc hiện nay là tham vọng Biển Đông. Đây là điều cần cảnh giác lớn nhất, vì nếu Trung Quốc dấn tới, Biển Đông dậy sóng thì nguy hiểm khôn lường, chúng ta có thể mất chủ quyền và các quyền có được theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, và mất mát nhiều thứ sâu xa hơn thế.
Tôi tin vào lớp trẻ
* Khái niệm “hòa giải dân tộc” được nhiều người đặt ra trong thời gian gần đây và được nhắc đến mỗi khi Việt Nam kỷ niệm chiến thắng 30-4-1975. Theo ông, khái niệm này nên hiểu như thế nào?
- Hòa giải dân tộc thực ra đã được thực hiện từ ngày 3-9-1945. Một ngày sau khi Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập, Bác đã nói: “Thực dân phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ bề cai trị. Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Tinh thần ấy có giá trị đến tận bây giờ. Có thể khẳng định Việt Nam không có chuyện kỳ thị sắc tộc, lương - giáo, dân tộc...
Có một điều hiện nay là một số người còn nuối tiếc chế độ cũ, đặt ra vấn đề hòa giải giữa chế độ hiện hữu với các cựu binh chế độ cũ, thân nhân, thương phế binh và coi đó là hòa giải dân tộc. Theo tôi đây là điều ấu trĩ. Đất nước Việt Nam qua nhiều thể chế, nhưng chưa từng xảy ra kỳ thị. Sau giải phóng, không có các cuộc tắm máu, thanh trừng chế độ cũ, mà ngược lại, tạo điều kiện cho họ hòa nhập từ trước đến nay, họ vẫn được học tập, làm giàu, được trọng dụng và có nhiều đóng góp cho đất nước. Vậy nên khái niệm “hòa giải dân tộc”, theo tôi không cần phải đặt ra. Không bao giờ nên khơi lại đống tro tàn đó nữa.
* Ông từng nói, không thể thắng giặc bằng xuồng ba lá. Vậy điều gì khiến ông tự tin trong việc bảo vệ chủ quyền và vị thế Việt Nam hiện tại?
- Việt Nam “trấn” ngay cửa ngõ giao thương quốc tế, thêm vào đó có quá nhiều tài nguyên từ Biển Đông đến đất liền là điều các nước lớn cũng hay “dòm ngó”. Tôi muốn dẫn vài số liệu: thời nhà Trần, dân số nước ta chỉ gần 3 triệu người, trong đó những người thực sự có thể cầm gươm giáo chỉ chừng 200 ngàn người, nhưng phải đối đầu với nửa triệu quân Nguyên. Thời Nguyễn Huệ với 80 ngàn quân, đánh với 29 vạn quân. Sau này Pháp và Mỹ thì không có gì phải bàn, ở thời điểm Việt Nam đánh với họ, họ mạnh nhất thế giới về quân sự. Chúng ta đã thắng.
Vì thế, tôi tự tin. Nếu mình xác định phương hướng chiến lược đúng, huy động toàn bộ sức dân, địa hình, kênh rạch, biển trời… thì sẽ thắng. Tương quan mỗi thời mỗi khác, hiện tại tương quan tổng thế về kinh tế, chính trị, đối nội, đối ngoại, quân sự... tốt hơn nhiều so với trước. Việt Nam không hề muốn xâm lược hay làm ảnh hưởng đến hòa bình của bất cứ quốc gia nào, nhưng nếu để bảo vệ đất nước, tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam làm được.
* Ông có nhiều buổi nói chuyện với giới trẻ, ông có nhìn thấy “chất lính” trong những người trẻ hiện nay?
- Tôi thấy điều đó. Thời nào cũng vậy, những người lính Việt Nam bình thường, nói như Nguyễn Đình Chiểu là “quanh năm cui cút làm ăn”, bỗng chốc trở thành người lính chỉ vì không chấp nhận làm nô lệ, nhưng vẫn đánh thắng. Lớp trẻ giờ cũng thế. Việc của giới trẻ hiện nay là đóng góp xây dựng đất nước, nhưng khi cần thì phải cầm súng. Những người lính cùng đồng hành với tôi khi tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam 1977 và làm nghĩa vụ quốc tế, dù làm ruộng ở đâu khi giáp mặt kẻ thù thì đều sống mái. Tôi tin tưởng họ, với đời lính hàng chục năm của mình, không phải chỉ tin ở khả năng cầm súng, mà tôi tin họ còn làm được nhiều việc khác để làm đất nước giàu mạnh hơn. Đất nước giàu mạnh - chính là cách tốt nhất để giữ nước.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)