Cho vay ưu đãi các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 của Chính phủ để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và ổn định xã hội là nhiệm vụ chính của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Cho vay ưu đãi các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 của Chính phủ để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và ổn định xã hội là nhiệm vụ chính của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Các đảng viên Chi bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai biểu quyết thông qua nghị quyết chi bộ (nhiệm kỳ 2015-2020). |
Những năm qua, cán bộ, đảng viên, người lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ chính trị trên, góp phần đắc lực vào mục tiêu giảm nghèo theo nghị quyết Tỉnh ủy đề ra hàng năm.
* Vươn lên thoát nghèo
Trước đây, gia đình ông Điểu Rô, dân tộc Chơro, tổ 4, ấp Bầu Sình, xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) rất khó khăn, không có đất sản xuất, phải đi làm mướn để kiếm sống qua ngày. Những tháng giáp hạt, chính quyền địa phương đã phải cứu đói cho gia đình ông. Thế nhưng, kể từ khi tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, cuộc sống của gia đình ông có nhiều thay đổi.
Ông Điểu Rô chia sẻ, năm 2001 gia đình ông được cấp ủy, chính quyền xã Suối Cao phân công các đoàn thể giúp đỡ và hỗ trợ vay vốn sản xuất từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Gia đình ông đã mua 1 con bò và một ít diện tích đất để sản xuất. Sau nhiều năm cần cù lao động, đến nay đàn bò của gia đình ông đã có hàng chục con, đồng thời có thêm hàng trăm con heo, gà; 1 hécta tràm; 5 sào tiêu... đem lại thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
Khi có tiền, gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó, có điều kiện chăm lo cho con học tập tới nơi tới chốn. Hiện gia đình ông có 5 người con đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, đều làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. Bản thân ông Điểu Rô được tín nhiệm bầu là Tổ trưởng tổ nhân dân, Chi hội trưởng nhân dân (đại diện khối dân tộc), Tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và đại biểu HĐND xã.
Giống như gia đình ông Điểu Rô, gia đình bà Tạc Thị Hậu, dân tộc Sán Chay, ấp 1, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) cũng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng sản xuất, chuyển đổi cây trồng. Nhờ nguồn vốn được vay, gia đình bà Hậu đã mạnh dạn chuyển hơn 1 hécta trồng bắp, lúa kém hiệu quả sang trồng tiêu, thu nhập cao hơn, cuộc sống ngày càng khấm khá. Không những vậy, gia đình bà còn có điều kiện đầu tư máy móc để thành lập cơ sở bóc tách hạt điều với gần 100 lao động, thu nhập từ 3,6- 4,5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ giải quyết việc làm cho người dân địa phương, gia đình bà Hậu còn luôn sẵn lòng hỗ trợ giống, vốn cho người dân có nhu cầu để cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.
* Gần dân để phục vụ
Ông Huỳnh Công Nam, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai, cho biết những năm qua đơn vị luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo của tỉnh là do có sự đoàn kết, thống nhất cao, nỗ lực trong công việc của tập thể cấp ủy, ban giám đốc, cán bộ, người lao động. Hiện nay, toàn chi nhánh có 128 lao động, trong đó 21 đảng viên. Phần lớn đảng viên được phân công giữ các chức vụ chủ chốt của chi nhánh, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo vai trò lãnh đạo của đơn vị. Theo đó, từ năm 2010-2014, chi nhánh đã cho 216.626 lượt hộ nghèo và học sinh, sinh viên vay vốn với tổng số tiền 2.046 tỷ đồng. Mức cho vay được nâng từ 11 triệu đồng lên 17 triệu đồng/hộ. Thời gian cho vay chủ yếu trung và dài hạn. Đối tượng cho vay được mở rộng, đa dạng, phù hợp với nhu cầu vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Chi bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai vừa tiến hành đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020. Chi bộ đã xác định, trong nhiệm kỳ này tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn theo quy định của Chính phủ. Trong đó, tham mưu UBND tỉnh tiếp tục quan tâm dành một phần ngân sách địa phương chuyển sang ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ngân hàng và các đoàn thể nhận ủy thác, cũng như cán bộ giảm nghèo ở các địa phương, qua đó để đồng vốn đến đúng tay đối tượng, phát huy tác dụng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, ổn định xã hội. |
Để thuận tiện cho người dân trong giao dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã có mạng lưới giao dịch ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố và 166 điểm giao dịch ở các phường, xã trong tỉnh (tăng 28 điểm so với năm 2010). Việc tổ chức các điểm giao dịch tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong quan hệ giao dịch với ngân hàng và không phải đi xa. Tại các điểm giao dịch, đều niêm yết công khai các thủ tục liên quan đến vay vốn, tránh phiền hà cho nhân dân.
Từ việc cho vay vốn đã góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, 5 năm qua toàn tỉnh đã có 53 ngàn hộ thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện còn dưới 1%.
Phương Hằng