Trong những ngày cuối cùng của tháng 4-1975, trước sức tiến công như vũ bão của quân cách mạng, quân địch rút chạy về Sài Gòn, tuyến phòng thủ cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa.
Trong những ngày cuối cùng của tháng 4-1975, trước sức tiến công như vũ bão của quân cách mạng, quân địch rút chạy về Sài Gòn, tuyến phòng thủ cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa. Ở Biên Hòa và các địa phương, như: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch…, đường phố rất vắng vẻ. Trên một số tuyến đường xuất hiện vũ khí, quần áo lính bị bỏ lại ven đường, báo hiệu cho sự cáo chung của chế độ Sài Gòn.
Trẻ em ở một trường mầm non huyện Long Thành tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: VĂN VIỆN |
Trong lá thư thể hiện rất nhiều cảm xúc gửi đến Báo Đồng Nai, ông Trịnh Xuân Tính (ở thôn Đông Trung, xã Hà Bình, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) đã kể lại những giờ phút chiến đấu ở vùng đất Long Thành thời điểm cận ngày 30-4-1975.
Hành quân từ Bình Thuận vào Long Thành, Trung đoàn 101 (thuộc Sư đoàn 325) của ông đã góp thêm vào chiến thắng giòn giã của mùa xuân 1975. Ông Tính cho biết, ngày ấy Trung đoàn 101 được giao nhiệm vụ đột kích chính diện để tiến công quận lỵ Long Thành nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ bên ngoài, mở đường cho đơn vị thọc sâu vào chi khu Nhơn Trạch, căn cứ Thành Tuy Hạ. Được chọn làm mũi đột kích chính, trong những ngày ở tại trận địa Long Thành, trung đoàn của ông đã bị máy bay địch bất ngờ ném bom làm nhiều đồng đội thương vong. Vào lúc 17 giờ ngày 26-4-1975, khi lực lượng pháo binh hùng hậu của sư đoàn và các đơn vị bạn đồng loạt nổ súng, trút bão lửa xuống đầu kẻ thù, ông và các đồng đội đã chiếm được căn cứ Nước Trong, chiếm gọn ngã ba đường 10 và 15, tiêu diệt 2 đại đội địch, tạo bàn đạp để đánh chiếm Long Thành. Sau 5 ngày đêm chiến đấu ác liệt, đến 16 giờ 30 phút ngày 27-4, các chiến sĩ Trung đoàn 101 đã làm chủ được khu vực Long Thành; đồng thời nhanh chóng tiến hành đánh chiếm quận lỵ Nhơn Trạch, mở đường đưa pháo tầm xa vào vị trí với mục đích khống chế sân bay Tân Sơn Nhất, bịt đường hàng không của địch trước giờ tổng công kích và chặn đường rút chạy của địch từ Sài Gòn qua sông Lòng Tàu ra biển.
Hồi tưởng lại sự kiện cách đây 40 năm, ông Tính vẫn rất xúc động. Ông cho biết, khi nhận nhiệm vụ trinh sát, ông đi gần như khắp Long Thành và Nhơn Trạch nên nắm khá rõ địa bàn. Ngày ấy, khu vực này rất đỗi hoang sơ. “Cách đây 3 năm, tôi cùng một số đồng đội của Trung đoàn 101 ở Thanh Hóa và một số tỉnh, thành khác có dịp trở lại Long Thành. Những ngày tháng lịch sử hào hùng ấy như hiển hiện trước mắt. Thực tế, tôi không thể nhận diện được chiến trường xưa bởi vùng đất Long Thành - Nhơn Trạch giờ đã đổi thay đến không ngờ. Cảnh quan đổi mới, dân cư đông đúc, bán buôn sầm uất và một thành phố công nghiệp mọc lên với hàng trăm nhà máy. Nơi đây nhiều dự án tầm cỡ quốc gia đang được quy hoạch…” - ông Tính nói.
Theo ông Tính, đứng trên mảnh đất ông từng có mặt gần 40 năm về trước, tuy không còn nhận ra bóng dáng cũ, nhưng khi hồi tưởng trong ký ức một thời thì dường như tất cả vẫn còn nguyên. Đặc biệt là ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân, kết thúc vào ngày 30-4-1975 mà cho tới nay ông nhớ mãi...
Phương Liễu (ghi)