* TS.Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật tỉnh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT: Nền giáo dục đã có những bước tiến dài
* TS.Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật tỉnh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT: Nền giáo dục đã có những bước tiến dài
Cùng với nền giáo dục cả nước, Đồng Nai sau chặng đường 40 năm đã có những bước tiến đáng trân trọng. Sau ngày đất nước thống nhất, Đồng Nai thiếu đội ngũ quản lý, thiếu thầy cô giáo các cấp học, thiếu trường lớp… Tuy nhiên, ngành giáo dục trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước đưa sự nghiệp giáo dục phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Hệ thống trường lớp cũng như đội ngũ cán bộ, giáo viên được quan tâm đầu tư đúng mức. Kết quả, Đồng Nai đã hoàn thành phổ cập tiểu học năm 2000, phổ cập THCS năm 2004 và tiếp tục thực hiện phổ cập bậc trung học theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT. Hệ cao đẳng, đại học phát triển mạnh, đặc biệt chú ý đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao... Điều này cho thấy, hệ thống giáo dục của Đồng Nai cho đến thời điểm này có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu đối với sự phát triển của tỉnh.
* Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh: Phật giáo Đồng Nai đã hoàn thành tốt các công tác xã hội
Sau khi đất nước thống nhất, các hệ phái chính của Phật giáo được tổ chức thống nhất lại và lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981. Năm 1982, Giáo hội Phật giáo Đồng Nai được thành lập, được các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước tạo điều kiện tham gia các hoạt động chính trị - xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 600 cơ sở thờ tự, gần 6 ngàn tăng, ni và 650 ngàn phật tử. Điều này cho thấy Phật giáo luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, được tạo điều kiện để phát huy tự do tín ngưỡng; nhiều tăng, ni tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại nơi cư trú. Công tác đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình thương, trị bệnh cho người nghèo… hoạt động hiệu quả. Chỉ riêng năm 2014, giới tăng, ni, phật tử trong tỉnh đã vận động trên 25 tỷ đồng hỗ trợ, chăm sóc cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
* Ông Trần Văn Tam, Hội Cựu chiến binh TP.Biên Hòa: Mãi xứng danh bộ đội Cụ Hồ
40 năm đã trôi qua nhưng ký ức về đồng đội, niềm tự hào đối với cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam vẫn in đậm trong trí nhớ của tôi. Ngày đó tôi 20 tuổi, nhập ngũ ở miền Bắc và được đưa vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau này tôi về biên chế tại Đại đội 5, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341, tham gia chiến dịch giải phóng Long Khánh, tiếp đến là Trảng Bom, Biên Hòa rồi thẳng tiến vào Sài Gòn đúng ngày 30-4-1975. Trở về cuộc sống đời thường, chúng tôi tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, làm hết sức mình để xây dựng đất nước. Chính tình yêu quê hương đất nước đã giúp cho những người lính như chúng tôi sống và cống hiến hết mình. Theo tôi, việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay rất cần thiết; đó là hành trang tạo thêm niềm tin, sức mạnh cho các thế hệ sau này vững bước trên con đường bảo vệ và phát triển đất nước.
* Ông Ngô Bá Bửu, ấp Bình Lâm, xã Lộc An, huyện Long Thành: Diện mạo nông thôn ngày nay đã thay đổi rất nhiều
Là người dân gắn bó với vùng đất nông nghiệp Long Thành nhiều năm qua, điều khiến tôi vui nhất là diện mạo nông thôn ngày nay so với thời kỳ trước ngày giải phóng đã đổi thay hoàn toàn. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư hoàn chỉnh. Từ đó, nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, để nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững, theo tôi nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ đầu ra về nông sản cho người dân. Bên cạnh đó, kỹ năng sản xuất đạt hiệu qủa cũng cần được cơ quan chức năng tập huấn cho nông dân. Lâu nay, vấn đề bà con bị thiệt hại do sử dụng cây, con giống kém chất lượng; hoặc phân bón giả đang còn trôi nổi trên thị trường. Vì vậy, vấn đề quan trong nhất hiện nay là cơ quan chức năng phải giải quyết triệt để tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng để người dân an tâm sản xuất.
T.N-K.L-N.L