Tháng 4-1975, dòng sông Đồng Nai vẫn lững lờ trôi chảy giữa cái nóng thiên nhiên oi bức và cái nóng ngột ngạt của chiến sự.
Tháng 4-1975, dòng sông Đồng Nai vẫn lững lờ trôi chảy giữa cái nóng thiên nhiên oi bức và cái nóng ngột ngạt của chiến sự.
Người dân Biên Hòa chào đón quân giải phóng. Ảnh: Tư Liệu |
Sáng sáng, nhóm bạn chúng tôi vẫn tụ tập tán gẫu ở quán cà phê lộ thiên ngay trên đầu chợ Biên Hòa. “Xuân Lộc liệu có cầm cự nổi không? Nó mà sụp thì chẳng bao lâu Việt cộng sẽ về đến Biên Hòa...”. Chúng tôi đọc báo về cuộc tiến công vào Xuân Lộc ngày 9-4. Chúng tôi nghe hóng hớt những tin đồn truyền miệng từ những người chạy nạn ở Tây Nguyên, ở Xuân Lộc về. “Việt cộng mà thắng là chắc chắn có tra tấn, có tắm máu những ai làm việc trong bộ máy Việt Nam Cộng hòa - không chỉ quân sự mà cả dân sự nữa” - ai đó khẳng định. Chúng tôi nghe và chúng tôi lo.
Những bạn bè gần gũi của tôi lúc đó, chỉ được 2 thằng là hoãn dịch. Còn lại đều là lính hoặc làm cho cơ quan công quyền, nên thằng nào cũng sợ cái ngày Việt cộng về đến Biên Hòa. Riêng tôi, sau gần một năm rưỡi bị đẩy “đi cày” ở Sư đoàn 7 bộ binh, dựa vào một số lần thương tật, mới cạy cục xin chuyển về được Biên Hòa - nơi trú ngụ của tôi từ thuở tấm bé cho đến khi vào đại học. Cũng nhờ sự giúp đỡ của người dì, tôi được chuyển vào bộ phận huấn luyện của tiểu khu, đóng ngay trung tâm TX.Biên Hòa, thoát khỏi cảnh đi đánh đấm - vốn đã ngán tới cần cổ. Trớ trêu - cũng là “cái hên”, buổi “đứng lớp” đầu tiên của tôi dự kiến diễn ra vào tuần lễ thứ ba của tháng 4-1975 tại Long Thành với đề tài “Chống tăng trong thành phố”. Cầm tài liệu, chưa kịp nghiền ngẫm cho chín muồi thì xe tăng thứ thiệt đã ùa đến Xuân Lộc rồi. Buổi lên lớp dự kiến thế là được thả nổi. Ngày ngày, tôi vào đơn vị cho có mặt và nghe ngóng tình hình... Cho đến đêm 15-4, không khí chiến tranh bắt đầu ập đến thị xã thân thương của tôi.
Đêm ấy tôi đang say giấc ngủ cùng chiếc ghế bố quen thuộc trên gác, thì bị lay tỉnh bởi hàng loạt tiếng nổ rất to và rất gần. Ngoại tôi kéo cả gia đình chạy xuống dưới nhà và chui vào... gầm giường mà núp. Ngoại vừa chạy, vừa kêu chắc pháo kích vô sân bay rồi (nhà ngoại tôi ở ngay ngã ba Thành, đường Hưng Đạo Vương, TP.Biên Hòa ngày nay, cách cổng sân bay khoảng 1km). Cả nhà nằm im phăng phắc lo sợ cảnh tên bay đạn lạc. Chen lẫn tiếng đạn pháo kéo dài rất lâu là lời thì thầm niệm Phật liên tục của ngoại tôi...
Sáng ra, ngoại tôi cũng như nhiều người trong xóm nhào ra chợ mua gạo, khô mắm về dự trữ vì tin rằng nay mai cuộc chiến sẽ về tới Biên Hòa. Tôi chạy vào đơn vị nghe ngóng tình hình và sau đó lại chạy ra chỗ cà phê quen thuộc với bạn bè. Sáng ấy, như bao người dân Biên Hòa khác, những khuôn mặt bạn bè tôi đã lộ vẻ căng thẳng và đăm chiêu thấy rõ. Có thằng nghe tin ở đâu không biết mà khẳng định rằng Việt cộng đã chiếm được ngã ba Dầu Giây và đoạn cuối quốc lộ 20. Biên Hòa đã trở thành điểm tiền tiêu! Chẳng thằng nào còn sức tranh luận mà đều đồng ý với nhau rằng chỉ nay mai thôi là Việt cộng sẽ về tới Biên Hòa.
Chẳng lâu gì cho lắm, sự tiên đoán ấy càng trở nên rõ ràng.
Ngày 21-4, tuyến phòng thủ cuối cùng tại Xuân Lộc tan rã. Ngay ngày hôm sau, chúng tôi lại nghe nói về một quả bom sinh học CBU gì đấy - loại vũ khí phi hạt nhân tàn bạo nhất trong kho vũ khí Mỹ, lần đầu tiên được ném xuống vùng đất Xuân Lộc - Biên Hòa để ngăn chặn bước tiến của Việt cộng. Chẳng biết có ngăn được chút nào không mà chiều 26-4, pháo lại cấp tập bắn vào các căn cứ quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Nhơn Trạch, Hố Nai, Nước Trong... kéo dài cả tiếng đồng hồ. Ngày 27-4, Long Thành - điểm “lên lớp” dự kiến của tôi đã có xe tăng xuất hiện và bị chiếm ngay sau đó.
Sáng 28-4, tôi tìm ra quán cà phê quen thuộc và ngơ ngác thấy quán trống trơn. Như nhiều hàng quán khác, địa chỉ quen thuộc của chúng tôi phải đóng cửa vì đêm qua quân Việt Nam Cộng hòa bị đánh te tua ở Hố Nai - nghĩa là chỉ cách trung tâm TX.Biên Hòa vài cây số thôi. Ngày hôm ấy, không khí Biên Hòa đã bắt đầu hỗn loạn. Tối đến nhà nào nhà nấy đều cửa kín then gài. Tin đồn về một vài tốp lính cộng hòa từ ngoài chạy dạt về Biên Hòa cướp giật, không biết thực hư mức nào, nhưng mọi nhà đều lo sợ, phải “tự phòng thủ”. Nhà ngoại tôi cũng gom qua ở chung nhà người ông cậu vốn kín cổng cao tường hơn. Nhà kiếm đâu được cây M16 giao cho thằng cháu là tôi, vốn từng đi trận, ôm lấy nằm trên cao mà canh cửa...
Rồi 2 ngày đêm căng thẳng, lo sợ đủ thứ chuyện cũng qua đi để sáng 30-4, một thằng bạn chạy đến tìm tôi và báo rằng, lúc 4 giờ sáng quân Việt cộng đã có mặt ở cầu Ghềnh - gần nhà nó rồi. Những lá cờ xanh đỏ cũng bắt đầu xuất hiện trên đường phố, và lạ thay không khí Biên Hòa lại trở nên yên ổn hẳn. Chẳng thấy cuộc tắm máu hay xử nhục hình nào xảy ra... Vài người bạn của tôi còn rủ nhau ra xa lộ Hà Nội để tận mắt nhìn thấy xe tăng Việt cộng đang chạy hướng về Sài Gòn.
Một chặng đường mới với Biên Hòa đã bắt đầu!
Lưu Đình Triều