Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã mở ra một trang sử hào hùng với dân tộc Việt Nam. Với những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, đó là dấu ấn không thể nào quên, dấu ấn đã giúp cho họ thoát ra khỏi cảnh ngục tù, các hình thức tra tấn dã man để đến với cuộc sống tự do.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã mở ra một trang sử hào hùng với dân tộc Việt Nam. Với những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, đó là dấu ấn không thể nào quên, dấu ấn đã giúp cho họ thoát ra khỏi cảnh ngục tù, các hình thức tra tấn dã man để đến với cuộc sống tự do.
Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày xúc động trong ngày gặp mặt sau 40 năm chiến thắng trở về. Ảnh: N.Sơn |
40 năm đã trôi qua, những ký ức về sự tra tấn, đánh đập, nhục hình man rợ mà các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã trải qua vẫn còn vẹn nguyên, như mới ngày hôm qua.
Trong tù cũng là mặt trận
Tham gia cách mạng từ năm 1967, ông Nguyễn Phan Biên (huyện Vĩnh Cửu) đã từng trải qua các nhiệm vụ bí mật. Có thời gian ông được phân công làm nội tuyến (hoạt động trong lòng địch) nhằm cung cấp thông tin, vẽ lại bản đồ phòng thủ của địch cho cách mạng. Khi vẽ đến bản đồ phòng thủ thứ 4 của địch thì ông bị phát hiện và bị bắt. 5 năm lao tù chịu các hình thức tra tấn dã man nhưng ông và những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày vẫn coi đây là chiến trường và kiên quyết đấu tranh tới cùng. “Chúng tôi đấu tranh để bảo vệ khí tiết người cộng sản, bảo vệ cách mạng, nhất là bảo vệ lòng tin của nhân dân với Đảng” - ông Biên nói.
Trong niềm vui của những người may mắn sống sót trở về cách đây 40 năm, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Trần Thị Hòa chia sẻ, trong số chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày năm xưa có người trở về lành lặn, nhưng cũng có một số anh chị em do bị khảo tra, đánh đập, nhục hình man rợ, không còn khỏe mạnh để nghĩ đến cuộc sống riêng tư.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Thoại (huyện Cẩm Mỹ) đã có 14 năm trải qua biết bao nhà tù, từ khám Chí Hòa, Thủ Đức, Tân Hiệp, Phú Lợi… cho đến nhà tù Côn Đảo. Trong ký ức của bà, chuồng Cọp tại nhà tù Côn Đảo là nơi dã man nhất khi những người tù cộng sản bị đối xử tệ hơn cả con vật. Bà kể, 1-2 tuần chúng mới cho tắm một lần, chúng cho ăn cơm trộn muối mặn nhưng hạn chế nước uống, ăn uống, tiêu, tiểu tại chỗ… Với 14 năm đày ải, trở về với cuộc sống đời thường sau ngày đất nước thống nhất, do sức khỏe yếu, bà không lập gia đình mà ở vậy chăm sóc mẹ già.
Hay như bà Nguyễn Thị Liễu (huyện Nhơn Trạch), từ một cô gái xinh đẹp, khỏe khoắn sau khi bị bắt và tra tấn bà chỉ còn nhúm da bọc xương, nằm bẹp trong nhà tù, bọn địch muốn đưa bà đi đâu đều phải bỏ lên cáng thương. Thế nhưng với quyết tâm lớn, bà từ từ rời khỏi cáng thương để sau ngày đất nước thống nhất, bà được phân công về Hội Liên hiệp phụ nữ Long Thành công tác. Nhưng chỉ được 5 năm, sức khỏe không đảm bảo do di chứng của các lần tra tấn trong nhà tù nên bà xin nghỉ hưởng chế độ.
Phát huy truyền thống kiên trung, bất khuất
Bà Trần Thị Hòa cho biết 40 năm chiến thắng trở về, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày bất chấp tình trạng sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng sau những năm tháng trong lao tù khắc nghiệt, tàn bạo của đế quốc, vẫn bắt tay cùng Đảng, chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
40 năm sau ngày đất nước giành lại độc lập, tự do, mỗi chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày năm xưa một hoàn cảnh khác nhau, nhưng luôn giữ được truyền thống kiên trung, bất khuất. Ông Huỳnh Châu, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Phú Quốc năm xưa, nay là Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Định Quán, bộc bạch thành quả có được ngày hôm nay chính là nhờ sự hy sinh xương máu, tính mạng của bao lớp người đi trước. Vì vậy, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải cố gắng giữ gìn và không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, phát huy truyền thống của những chiến sĩ cách mạng, dù trong tăm tối ngục tù vẫn rạng ngời phẩm chất người cộng sản.
Xúc động và tự hào trước những chiến công mà các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tại các nhà tù năm xưa, chị Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng ban đoàn kết tập hợp thanh niên (Tỉnh đoàn), cho biết: “Để sống xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, xứng đáng với truyền thống kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, các tầng lớp đoàn viên, thanh thiếu nhi trong tỉnh quyết tâm học tập và rèn luyện thật tốt để trở thành người công dân có ích cho xã hội, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
Nga Sơn