<b> Ngày 21-3-1975: Mở màn Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế</b><br>
Tại Tây Nguyên, Sư đoàn 320 của ta tiếp tục truy kích địch rút chạy. Sư đoàn 968 và Trung đoàn 95 phối hợp với lực lượng tại chỗ truy quét tàn quân địch và làm nhiệm vụ tiếp quản, ổn định trật tự ở 2 thị xã Kon Tum và Pleiku.
Ngày 21-3-1975: Mở màn Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế
Tại Tây Nguyên, Sư đoàn 320 của ta tiếp tục truy kích địch rút chạy. Sư đoàn 968 và Trung đoàn 95 phối hợp với lực lượng tại chỗ truy quét tàn quân địch và làm nhiệm vụ tiếp quản, ổn định trật tự ở 2 thị xã Kon Tum và Pleiku.
Lúc này, ở Thừa Thiên - Huế, địch hình thành thế phòng ngự tứ giác quyết bảo vệ thành phố Huế - sào huyệt cuối cùng của chúng ở phía Bắc Quân khu 1.
Quán triệt quyết tâm chiến lược của Quân ủy Trung ương, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy quyết định Chiến dịch xuân - hè 1975, giải phóng Thừa Thiên - Huế là: Tranh thủ thời cơ, dốc toàn lực giải phóng Thừa Thiên - Huế bằng một cuộc tiến công tổng hợp, toàn diện, lấy chia cắt và bao vây chiến dịch kết hợp với các mũi thọc sâu của chủ lực làm biện pháp then chốt; đồng thời sử dụng lực lượng vũ trang địa phương trực tiếp đánh địch hỗ trợ và vận động quần chúng nổi dậy.
5 giờ 50 ngày 21-3-1975, ở hướng Nam Thừa Thiên - Huế, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 của ta tiến công tiêu diệt địch. Ta đã làm chủ các điểm cao 294, 520, 560, diệt gọn tiểu đoàn 6, chiếm núi Kim Sắc. Trung đoàn 1 Sư đoàn 324 của Quân đoàn 2 đánh chiếm núi Bông, địch dùng xe tăng và bộ binh từ núi Nghệ ra phản kích chiếm lại. Trung đoàn 2 Sư đoàn 324 đánh chiếm điểm cao 214 nhưng không chiếm được mỏm tây 303.
Tình hình hết sức khẩn trương, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 lệnh cho Sư đoàn 325 nhanh chóng xuống đường số 1 thực hiện bằng được chia cắt đường số 1 (cắt Huế - Đà Nẵng) sẵn sàng tiến công Hương Điền. Sư đoàn 324 thay đổi hướng đánh, không đột phá khu vực phòng ngự vững chắc của địch ở núi Bông, núi Nghệ, Mỏ Tàu, điểm cao 303 nữa, mà nhanh chóng thọc ra đường số 1 phối hợp với Sư đoàn 325 chia cắt địch.
Ngày 22-3-1975: Chiến dịch tiến công giải phóng Thừa Thiên - Huế tiếp tục phát triển
Rạng sáng 22-3-1975, các tiểu đoàn 7 và 8 của Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) bằng nhiều con đường tự mở đã tới sát đường số 1, nhanh chóng làm chủ đoạn đường dài 4km từ Bạch Thạch đến Ràng Bò, phá tan các chốt chặn được bố trí tăng cường từ hôm trước của địch.
Sư đoàn 1, Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ và Liên đoàn biệt động quân 15 của địch vơ vét lực lượng, mở hàng chục cuộc tập kích vào Ràng Bò, Bạch Thạch hòng giải tỏa đường số 1, song bị thất bại.
Tới 10 giờ sáng ngày 22-3-1975, giao thông đường bộ giữa Huế và Đà Nẵng bị cắt đứt hoàn toàn. Hàng ngàn xe của địch từ Huế định rút chạy về Đà Nẵng bị ùn tắc phải quay trở lại Huế.
Trưa ngày 22-3-1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 nhận định: Do tác động của chiến thắng Tây Nguyên, trước sức tiến công của ta, địch ở Thừa Thiên - Huế rối loạn… Đây là thời cơ tốt nhất để ta tiêu diệt và làm tan rã lớn quân địch, không cho chúng rút chạy, giải phóng Huế và sẵn sàng phát triển về phía Nam.
Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 xác định kế hoạch tác chiến phối hợp lực lượng Quân khu Trị - Thiên giải phóng Huế và giao nhiệm vụ tiếp tục cho các đơn vị.
Chiều và tối cùng ngày, Sư đoàn 325 tiếp tục phát triển tiến công. Các tiểu đoàn 2, 7 và 8 tiến công địch trên 2 hướng Mũi Né và Lương Điền, mở rộng đoạn đường bị chia cắt từ 4km lên gần 10km. Tiểu đoàn 1 tiến công điểm cao 363. Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 đánh vào phía sau, diệt Chi khu Phú Lộc, chiếm đèo Mũi Né, Phước Tượng.
Lực lượng Quân khu Trị - Thiên tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở Mỹ Chánh. Quân ngụy buộc phải co về giữ tuyến phòng thủ sông Bồ. Huế bị bao vây.
Trên hướng Tây Nguyên, ta tiếp tục truy kích địch. 10 giờ sáng ngày 22-3-1975, ta giải phóng Ga Pui.
P.V