Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, cùng với cuộc tiến công đánh chiếm TX.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), ở chiến trường Đồng Nai, cuộc tiến công giải phóng quận lỵ Định Quán, chia cắt quốc lộ 20, con đường huyết mạch nối miền Đông Nam bộ lên Tây Nguyên, là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của quân giải phóng.
[links()]Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, cùng với cuộc tiến công đánh chiếm TX.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), ở chiến trường Đồng Nai, cuộc tiến công giải phóng quận lỵ Định Quán, chia cắt quốc lộ 20, con đường huyết mạch nối miền Đông Nam bộ lên Tây Nguyên, là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của quân giải phóng.
Đánh chiếm núi đá Ba Chồng tháng 3-1975. Ảnh: T.L |
Giải phóng Định Quán, cô lập quốc lộ 20 cũng đồng nghĩa với việc cắt đứt hoàn toàn con đường chi viện chiến lược của địch ở Sài Gòn cho Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột.
Đánh vào yết hầu của địch
Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, đơn vị chủ lực trực tiếp đánh chiếm Chi khu quân sự Định Quán của địch, cho biết: “Đánh chiếm Định Quán coi như chúng ta đã trói chân, tay của địch lại để bộ đội ta dứt điểm Buôn Ma Thuột”.
Trên đường 20, Chi khu quân sự Định Quán là cứ điểm phòng thủ quan trọng của địch ở địa đầu Quân khu 3 và cuối Quân khu 2. Đánh chiếm Định Quán ta sẽ không cho địch sử dụng đường 20 và nếu ta làm chủ được đường 20, giải phóng được tỉnh Lâm Đồng sẽ mở rộng được vùng giải phóng phía Nam Tây Nguyên, mở thông được hành lang từ phía Bắc vào, làm bàn đạp tấn công Sài Gòn từ hướng Đông Bắc. Thực hiện nhiệm vụ này còn có ý nghĩa trực tiếp phối hợp với Chiến dịch Tây Nguyên, cùng quân dân Tây Nguyên và Quân khu 5 chia cắt chiến lược đối với toàn chiến trường miền Nam.
Để thực hiện chủ trương quan trọng đó, vào ngày 5-3-1975, tại Căn cứ Đồng Xoài, Phó tư lệnh miền Lê Đức Anh đã giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cùng với lực lượng vũ trang Quân khu 7 và lực lượng địa phương mở cuộc tiến công đánh chiếm Định Quán, giải phóng đường 20.
Ngày 6-3, Sư đoàn 7 đã bắt đầu hành quân đến chiến trường. Phó tư lệnh Quân đoàn 4 Bùi Cát Vũ đi cùng sư đoàn và trực tiếp chỉ huy hướng quan trọng này.
Ông Nguyễn Trọng Tiết, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, nguyên trợ lý tác chiến Tỉnh đội Tân Phú trong chiến tranh, bồi hồi nhớ lại, Chi khu quân sự Định Quán là cứ điểm phòng thủ kiên cố của địch ở hướng Đông Bắc Sài Gòn. Ở phía Bắc chi khu là một bãi rộng gồm nhiều núi đá chồng, có những tảng đá to nằm xếp lên nhau thành tầng, có tầng cao đến 20-30m. Giữa những hang đá là những gộp đá, được quân địch dựa vào để xây lô cốt, hỏa điểm và làm vật chướng ngại thiên nhiên để bảo vệ chi khu.
Ngoài vị trí hiểm hóc đó, bao quanh Định Quán còn có các điểm cao 112, 258 thuận lợi cho việc quan sát và phòng thủ. Chính vì yếu tố hiểm hóc ấy nên địch phòng thủ trong chi khu huênh hoang tuyên bố: “Nếu Việt Cộng tấn công, chúng tôi ngồi đây uống trà cũng không sao vì đã có máy bay và pháo binh đánh là đủ”.
Cuộc giằng co ở núi đá Ba Chồng
Trước tình thế đó, Sư đoàn 7 đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 141, đơn vị có nhiều kinh nghiệm đánh các “gộp đá” trực tiếp đánh chiếm Chi khu quân sự Định Quán của địch.
5 giờ sáng 17-3-1975, Sư đoàn 7 bắt đầu nổ súng tấn công Định Quán. Pháo ta bắn cấp tập vào các mục tiêu quân sự trong chi khu và các vị trí địch ở Phương Lâm, La Ngà, núi Tràn, đồi Đăng Ca, điểm cao 112... Trung đoàn 209, Sư đoàn 7 diệt cụm phòng thủ ở núi Tràn, chia cắt Định Quán với lực lượng Quân đoàn 3 của địch ở Túc Trưng, tạo điều kiện để Trung đoàn 141 tấn công dứt điểm Chi khu quân sự Định Quán.
Sau ít phút hoảng loạn, quân địch bắt đầu phát hiện các hướng tiến công của ta nên đã dựa vào các công sự, lô cốt chống trả quyết liệt. Máy bay địch bay ở tầm cao ào ạt ném bom xuống các trận địa pháo, các đường tiến quân và các khu vực của ta vừa chiếm được, gây cho ta nhiều khó khăn.
Sau nhiều giờ giao tranh, đến trưa ngày 17-3-1975, Trung đoàn 141 phải cho bộ đội dừng lại để đào công sự, bổ sung thêm đạn chuẩn bị cho đợt tiến công mới. Lúc bấy giờ, cái nắng trưa mùa khô ở Định Quán hết sức khắc nghiệt, bộ đội đói, mệt và không tìm được nước uống. Trước tình thế đó, Chính ủy Sư đoàn 7 Phan Liêm phải xuống Sở chỉ huy Trung đoàn 141 động viên bộ đội “đánh chắc, tiến chắc”.
Ông Nguyễn Văn Luật, nguyên trợ lý trinh sát Tỉnh đội Tân Phú, chia sẻ để phối hợp với mũi tiến công chính của Sư đoàn 7, bộ đội K9, Đại đội 374 của tỉnh cùng du kích đánh chiếm ấp Phú Lâm, bao vây bót Phú Lâm, cô lập, bức rút đồn 125, tiến công đồn La Ngà, đồng thời tổ chức diệt ác, phá kềm khiến cho địch hoang mang chống đỡ mà không còn sức để chi viện cho Định Quán.
Trở lại hướng tấn công chính, sáng 18-3-1975, sau một đêm củng cố lực lượng và nghiên cứu cách đánh, Sư đoàn 7 tiếp tục tiến công địch, đồng thời tăng cường thêm Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165 có 3 xe tăng hỗ trợ đánh chiếm điểm cao 258 và Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 141 được pháo binh chi viện bắn diệt từng ổ đề kháng trong Chi khu quân sự Định Quán nên sức tiến công của quân ta có thêm nhiều thuận lợi.
Trung đội trưởng Vũ Văn Bộ, Đại đội 7 dù bị thương ở tay vẫn cùng đồng đội anh dũng đánh thẳng vào núi đá Ba Chồng. Trung đội phó Nguyễn Văn Hoan, Đại đội 7, người đã cắm cờ Quyết thắng lên Sở chỉ huy Tiểu khu Phước Long (Bình Phước) 77 ngày trước đã dẫn đầu trung đội đánh chiếm núi đá Ông Phật và anh dũng hy sinh trong trận đánh này.
Trong cận kề giây phút chiến thắng, Phó đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 Nguyễn Trọng Tấn vừa chỉ huy đơn vị vừa bắn 7 quả đạn B40 diệt các hỏa điểm còn lại của địch và cắm lá cờ Quyết chiến - quyết thắng lên Chi khu quân sự Định Quán. Thiếu tá Chánh, Quận trưởng Định Quán cùng toàn bộ sĩ quan chỉ huy Chi khu quân sự Định Quán đã ra hàng.
Phát huy thắng lợi vừa giành được, những ngày sau đó Sư đoàn 7 cùng với lực lượng địa phương đánh tiêu diệt Tiểu đoàn 2, Chiến đoàn 43 địch đang co cụm ở phía Bắc Chi khu quân sự Định Quán, đánh chiếm yếu khu La Ngà, bức rút 20 đồn bót địch từ Túc Trưng đến Phương Lâm, làm chủ quốc lộ 20 một đoạn dài trên 20km, mở thêm hành lang quan trọng trên hướng Đông Bắc Sài Gòn...
Ông Nguyễn Trọng Tiết cho biết sau giải phóng, ông có dịp gặp lại Đại úy Thành, Phụ trách Ban 2, Chi khu quân sự Định Quán. ông Thành thổ lộ: “Khi Chi khu quân sự Định Quán bị quân giải phóng tấn công, máy bay và pháo binh của quân đội Sài Gòn bị khống chế không chi viện được. Trước nguy cơ bị mất Định Quán, tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn, đã liên tục động viên qua điện đài: “Các anh cứ an tâm cố thủ để chờ viện binh”. Nhưng điều đó đã không xảy ra...”. |
Đức Việt