"Mẹ ngồi bên chín bát hương. Chín bát cơm cúng niềm thương dâng đầy...". Đó là những câu thơ xúc động, khắc họa hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
“Mẹ ngồi bên chín bát hương. Chín bát cơm cúng niềm thương dâng đầy...”. Đó là những câu thơ xúc động, khắc họa hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được cho là lớn nhất nước với kinh phí đầu tư hơn 411 tỷ đồng. |
Trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam năm nay (24-3), công trình quần thể tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng quốc gia lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ sẽ được khánh thành. Đây không chỉ đơn thuần là một công trình nghệ thuật mà còn là ký ức xúc động về những người mẹ Việt Nam đã hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc.
Ngôi nhà của mẹ Nguyễn Thị Thứ nằm ở thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Ngắm những tấm bằng Tổ quốc ghi công, những tấm hình liệt sĩ trên ban thờ, chúng tôi càng cảm nhận được sự hy sinh lớn lao của mẹ. Mẹ Nguyễn Thị Thứ có 12 người con (11 người con trai và 1 con gái). Trong 2 cuộc kháng chiến, mẹ đã tiễn 9 người con lên đường chiến đấu và không một ai trở về.
Theo ông Nguyễn Hữu Thông, Phó chủ tịch UBND xã Điện Thắng Trung, cuộc đời của mẹ Nguyễn Thị Thứ đã trở thành biểu tượng cho sự hy sinh vô bờ bến của hàng triệu bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng những người con ưu tú của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nỗi đau mất mát đầu tiên đến với mẹ Thứ là vào tháng 6-1948, anh Lê Tự Xuyến - người con trai thứ hai của mẹ, hy sinh ngay tại đầu làng. Nước mắt mẹ chưa vơi thì tin dữ lại đến vào tháng 10-1948, 2 người con tiếp theo của mẹ cũng hy sinh. Đến tháng 4-1954, anh Lê Tự Lem, người con của mẹ lúc đó mới vừa tròn 20 tuổi tham gia bộ đội ở huyện, lại hy sinh trong lúc chiến đấu. Cứ thế, nấm mộ này cỏ chưa lên xanh mẹ Thứ lại phải nén đau thương đắp thêm nấm mộ mới cho các con của mình.
Trong kháng chiến chống Mỹ, những người con trai còn lại của mẹ Thứ cũng noi gương các anh của mình, lần lượt lên đường tham gia đánh Mỹ và 5 người con tiếp theo của mẹ cũng đã không trở về, trong đó có một chiến sĩ biệt động Sài Gòn hy sinh ngay trước giờ giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Không chỉ hiến dâng những người con cho Tổ quốc, mẹ Nguyễn Thị Thứ còn trực tiếp tham gia giúp đỡ cách mạng. Người dân thôn Thanh Quýt thường kể cho nhau nghe những câu chuyện về mẹ Thứ nuôi giấu cán bộ cách mạng trong 5 hầm bí mật tại khu vườn tre sau nhà. Hàng đêm, mẹ Thứ thường để ngọn đèn tỏa sáng bên bàn thờ làm ám hiệu an toàn cho cán bộ, du kích đi về. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, rất nhiều cán bộ cách mạng được mẹ chở che, chăm sóc như chính những người con thân yêu mẹ dứt ruột đẻ ra.
Mặc dù năm nay đã hơn 90 tuổi nhưng bà Lê Thị Trị, người con gái đầu của mẹ Nguyễn Thị Thứ và cũng là bà mẹ Việt Nam Anh hùng vẫn còn rất minh mẫn. Tài sản quý giá nhất luôn được bà Trị giữ gìn cẩn thận, treo ngay ở đầu giường chính là bức hình chụp chung với mẹ Thứ do một nhiếp ảnh gia nước ngoài chụp lúc mẹ Thứ còn sống. Nhìn bức ảnh này, bà Lê Thị Trị không thể nào quên được những năm tháng mà nỗi đau của gia đình đã hòa chung vào nỗi đau của dân tộc, khi phải nhận những tờ giấy báo tử của những người em trai lần lượt gửi về.
Bà Lê Thị Trị cho biết, nhiều lúc cầm tờ giấy báo tử trên tay, mẹ Thứ không thể khóc được nữa. Chính tấm gương hy sinh vì đất nước của mẹ Thứ đã giúp bà Trị vượt qua được nỗi đau bị địch bắt, tù đày khi tham gia hoạt động cách mạng, đặc biệt lúc nhận được tin chồng và 2 người con của mình cũng đã anh dũng hy sinh.
Sự hy sinh cao cả của mẹ Thứ, gia đình mẹ cũng như triệu triệu gia đình Việt Nam trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm đã viết lên bản anh hùng ca về ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam. Tượng đài về mẹ sẽ luôn tỏa sáng, là biểu tượng cho đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam.
Sau 6 năm thực hiện, toàn bộ tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cao 18m, dài theo hình cánh cung 120m; được chế tác từ gần 30 ngàn m3 đá hoa cương, nặng gần 20 ngàn tấn đã được hoàn thành và sẽ khánh thành dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Nam. Đây là bức tượng được xem là lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Bên trong khối tượng là Nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng với diện tích gần 400m², có bia ghi danh gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các mẹ đối với Tổ quốc. Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được Thủ tướng Chính phủ xếp vào hạng mục công trình văn hóa cấp quốc gia, nhằm tôn vinh và ghi danh công lao to lớn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hình mẫu là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ với 11 người con và cháu là liệt sĩ. |
Đỗ Trưởng