Báo Đồng Nai điện tử
En

Kon Tum - vùng đất kiên cường

10:03, 15/03/2015

Ngày 16-3-1975, Kon Tum được giải phóng. 40 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh Kon Tum một lần nữa kiên cường đứng lên, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

[links()]Ngày 16-3-1975, Kon Tum được giải phóng. 40 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh Kon Tum một lần nữa kiên cường đứng lên, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuổi trẻ Đồn biên phòng Đắk Long (tỉnh Kon Tum) tuần tra bảo vệ biên giới.
Tuổi trẻ Đồn biên phòng Đắk Long (tỉnh Kon Tum) tuần tra bảo vệ biên giới.

Phá thế ngõ cụt

Kon Tum là một tỉnh cực Bắc của Tây Nguyên, giao thông chủ yếu là đường bộ, không có đường hàng không, tàu lửa hay đường thủy. Năm 1975, cả tỉnh chỉ có quốc lộ 14 là tuyến đường giao thông duy nhất để kết nối Kon Tum với Gia Lai và các tỉnh trong khu vực cũng như cả nước… Từ ngày giải phóng đến nay, Kon Tum đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để hòa vào nhịp phát triển của đất nước sau khi giao thông đường bộ được thi công, mở rộng, thông tuyến.

Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) sau khi được triển khai xây dựng và mở rộng đã giúp Kon Tum có thêm lựa chọn để kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung,như: Quảng Nam, Đà Nẵng, rút ngắn khoảng cách chỉ còn khoảng 1/3 so với trước… Ngoài ra, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với Kon Tum, quốc lộ 40, 40B, đường tuần tra biên giới, đường Đông Trường Sơn… cũng được triển khai. Đây đều là những tuyến đường chiến lược quan trọng, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng không chỉ với Kon Tum mà cả các tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Ông Vũ Văn Thuần, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Kon Tum, cho hay: “Kon Tum là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan trong hành lang kinh tế Đông - Tây. Ngành giao thông Kon Tum sẽ phát triển mạng lưới giao thông từng bước hoàn chỉnh, phù hợp với chiến lược, quy hoạch. Kon Tum sẽ đầu tư có trọng tâm, trong điểm, ưu tiên cho các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh…”.

Vững bước tương lai

Những năm qua, tỉnh Kon Tum xác định tập trung đầu tư phát triển 3 vùng kinh tế động lực, tạo mũi nhọn để kéo các vùng kinh tế lân cận cùng phát triển. Tỉnh đã chọn huyện Ngọc Hồi với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, TP.Kon Tum với các cụm, khu công nghiệp Đắk Bla, Hòa Bình và huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen để kêu gọi hợp tác, đầu tư.

Theo đó, cửa khẩu quốc tế Bờ Y với vị trí đắc địa, là điểm nhấn trong chiến lược liên kết phát triển giữa các nước ASEAN với tiểu vùng sông Mekong. Đây được xem là vùng động lực, trung tâm liên kết với hành lang kinh tế Đông - Tây với tam giác phát triển 3 nước: Lào - Việt Nam - Campuchia. Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu của cả nước được tập trung đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2010-2015. Đến nay đã có 54 dự án đăng ký đầu tư vào khu vực này.

Huyện Kon Plông với Khu du lịch sinh thái Măng Đen là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, khí hậu mát quanh năm. Đây cũng là vùng có rừng nguyên sinh bao bọc, rừng thông cổ thụ, có nhiều hồ thác, suối đá…, có điều kiện để phát triển thành khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng. Khu du lịch sinh thái Măng Đen là điểm nhấn giữa “Con đường xanh Tây Nguyên” trong tương lai gần. Cuối cùng, TP.Kon Tum với các cụm, khu công nghiệp, là thành phố trẻ, năng động, văn minh, hiện đại… là đô thị trung tâm của tỉnh Kon Tum, là vùng động lực để thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Kon Tum phát triển.

Bên cạnh đó, hiện Kon Tum đang chú trọng phát triển các sản phẩm rau hoa xứ lạnh, cá tầm, cá hồi; công tác bảo tồn nguồn gen quý của sâm Ngọc Linh cũng đã được tỉnh và các doanh nghiệp chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được gần 200 hécta sâm Ngọc Linh. Trong tương lai gần thì đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp sẽ được cấp giống để trồng sâm. Đây được xem là bước đi vững chắc giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa trên đỉnh Ngọc Linh thoát nghèo bền vững…

Bằng các chủ trương sát thực tế và sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum cùng sự đồng tâm hợp lực của các tầng lớp nhân dân mà sau 40 năm giải phóng và gần 25 năm thành lập lại tỉnh Kon Tum, những khó khăn về kinh tế đã dần được khắc phục và vượt qua. Đời sống nhân dân đã được nâng lên từng bước, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang. Từ một tỉnh chưa được biết nhiều, đến nay Kon Tum đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát và đầu tư.      

Cao Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều