Báo Đồng Nai điện tử
En

Tấm lòng ông Hưởng

11:12, 05/12/2014

Gần 2 năm trước, hơn 51 hécta ruộng lúa tại ấp Phú Hợp B, xã Phú Bình, huyện Tân Phú chỉ sản xuất được 2 vụ lúa/năm và phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa.

Gần 2 năm trước, hơn 51 hécta ruộng lúa tại ấp Phú Hợp B, xã Phú Bình, huyện Tân Phú chỉ sản xuất được 2 vụ lúa/năm và phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Còn vào vụ lúa đông - xuân (vụ ba) thì không thực hiện được do đây là khu vực gò cao, chưa có hệ thống thủy lợi. Điều này dẫn đến thu nhập của người nông dân từ đất đai không cao.

Ông Lê Quang Hưởng (bên trái) cùng một nông dân kiểm tra và phát quang một đoạn trên hệ thống mương dẫn nước để khơi thông dòng chảy.
Ông Lê Quang Hưởng (bên trái) cùng một nông dân kiểm tra và phát quang một đoạn trên hệ thống mương dẫn nước để khơi thông dòng chảy.

Tiếc đất ruộng màu mỡ phải bỏ hoang, sau khi xin ý kiến và được chính quyền xã chấp thuận, vào đầu tháng 2-2013, ông Lê Quang Hưởng (65 tuổi) đã tự mình bỏ ra 250 triệu đồng làm hệ thống mương dẫn nước từ sông La Ngà về khu ruộng của ấp giúp bà con tăng vụ kiếm thêm thu nhập.

* Tự nguyện vì lợi ích chung

Vừa chuẩn bị lúa giống để gieo sạ vụ đông - xuân, ông Dương Ngọc Tồn phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: “Nhờ có hệ thống mương dẫn nước từ sông La Ngà về đến ruộng do ông Lê Quang Hưởng xây mà từ vụ đông - xuân 2013 tới vụ đông - xuân 2014, hơn 21 hộ nông dân với 51 hécta ruộng lúa trong ấp đã có thể thực hiện xuống giống vụ ba. Ai cũng phấn khởi vì có thêm thu nhập và được làm việc ngay trên đất của mình chứ không phải đi nơi khác làm thuê làm mướn như các năm trước nữa”.

Để nông dân có được niềm vui này ông Lê Quang Hưởng phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Dẫn chúng tôi đi dọc theo con mương dẫn nước dài hơn 600m từ sông La Ngà đến ruộng, ông Hưởng chia sẻ: “Để có con mương dẫn nước về đến ruộng như hôm nay tôi phải đến vận động những hộ gia đình nằm dọc theo chiều dài của con mương cho phép con mương đi ngang qua phần đất của họ. Trong suốt 3 tháng trời diễn ra việc thi công, tôi phải bỏ dở việc ruộng rẫy, ao cá và nhờ những người thân trong gia đình trông nom để theo sát tiến độ công trình. Sau khi mương nước hoàn thành, tôi lại tự bỏ ra gần 20 triệu đồng để mua máy bơm và hệ thống ống dẫn nước để bơm nước từ sông vào hệ thống mương”. 

Khó nhọc và tốn kém về kinh phí là vậy nhưng nhìn màu xanh tốt tươi của ruộng lúa trên cánh đồng của ấp, lão nông Lê Quang Hưởng vui mừng cho biết niềm mong mỏi từ lâu của ông và rất nhiều nông dân ở mảnh đất này đã thành hiện thực.

* Tận tình giúp đỡ bà con

Sau khi hệ thống mương nước hoàn thành và có máy bơm nước, ông Hưởng lại đứng ra ứng trước chi phí nhiên liệu và chịu trách nhiệm vận hành máy bơm trong suốt thời gian diễn ra mùa vụ để điều tiết nước tưới cho toàn cánh đồng.

Vào thời gian sản xuất vụ ba, cứ 3 ngày/lần ông lại bơm nước vào hệ thống mương để đưa nước về cánh đồng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Có những lúc trời nắng to làm nước trên ruộng, nhất là những chân ruộng nằm xa mương nước hay những chân ruộng tại các vị trí cao bị khô nhanh chóng, ông Hưởng phải tăng cường thời gian bơm thêm nước vào mương. Ông còn ứng ra trước gần cả 100 triệu đồng/vụ tiền mua dầu, sửa chữa máy khi máy bơm gặp sự cố, đến sau khi thu hoạch bà con mới góp tiền hoàn lại cho ông. Thế nhưng, suốt 2 năm qua, ông Hưởng vẫn không nề hà gian khó và nhận phần thiệt thòi về mình để tạo điều kiện giúp đỡ các hộ nông dân trong ấp yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Quân, Bí thư Đảng ủy xã Phú Bình (huyện Tân Phú), cho biết: “Việc làm của ông Hưởng đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của địa phương, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, ông Hưởng còn là người đi đầu trong việc tăng gia sản xuất, tích cực cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp”.

Với những hộ nông dân quá khó khăn, ông Hưởng còn hỗ trợ tiền cày ruộng, tiền thuê máy gặt đập, sau khi thu hoạch chỉ cần hoàn vốn chứ ông không hề lấy lãi. Ông Nguyễn Văn Hoàn, một nông dân trong ấp, nói: “Nhờ có sự giúp đỡ về kinh phí của ông Hưởng mà gia đình tôi năm nào cũng thực hiện được 3 vụ lúa và có lãi. Nếu không có sự giúp đỡ của ông Hưởng thì mỗi khi cần tiền chi trả cho việc thuê máy cày, máy gặt đập gia đình phải đi vay nóng với lãi suất cao nên dù làm có trúng mùa cũng chẳng kiếm được là bao”.  

Ông Hưởng cho hay: “Đều là nông dân một nắng hai sương với nhau nên việc yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ được cho nhau đến đâu là tôi mừng đến đó chứ không dám nghĩ tới chuyện tính toán thiệt hơn. Đó chính là điều tôi học tập được từ Bác Hồ qua các buổi sinh hoạt về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do ban ấp tổ chức trong nhiều năm qua”. 

Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều