Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp người dân thoát nghèo

10:11, 09/11/2014

Giúp người nghèo tự vươn lên trong cuộc sống bằng lao động chân chính thông qua những công việc cụ thể, vừa sức, đó là cách giảm nghèo đang được thực hiện tại huyện Trảng Bom.

Giúp người nghèo tự vươn lên trong cuộc sống bằng lao động chân chính thông qua những công việc cụ thể, vừa sức, đó là cách giảm nghèo đang được thực hiện tại huyện Trảng Bom.

Bà Lý Thị Liên (dân tộc Nùng, ngụ tổ 6, ấp 7, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) tại gian hàng bán tạp hóa nhỏ mở ngay trước cửa nhà nhờ nguồn vốn vay từ mô hình Nhóm tín dụng.
Bà Lý Thị Liên (dân tộc Nùng, ngụ tổ 6, ấp 7, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) tại gian hàng bán tạp hóa nhỏ mở ngay trước cửa nhà nhờ nguồn vốn vay từ mô hình Nhóm tín dụng.

Bà Lưu Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trảng Bom, cho biết để hỗ trợ những hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững, hiện ở tại mỗi ấp, khu phố đang triển khai rất nhiều mô hình trợ vốn, góp vốn và tận dụng nhiều nguồn vốn để người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế.

* Nhiều mô hình hay

Tiếp chuyện với chúng tôi tại gian hàng bán tạp hóa nhỏ mở ngay trước cửa nhà, bà Lý Thị Liên (dân tộc Nùng, ngụ tổ 6, ấp 7, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) vui vẻ chia sẻ: “Tôi có được cửa hàng tạp hóa nhỏ này để buôn bán kiếm đồng ra đồng vào hàng ngày, nuôi sống gia đình chính là nhờ vào nguồn vốn vay từ mô hình nhóm tín dụng của phụ nữ trong ấp do bà Nguyễn Thị Bích Thu, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 7 của xã, xây dựng”. Được biết, mô hình này hiện có trên 300 thành viên tham gia. Mỗi tháng, một thành viên trong nhóm tín dụng đóng 50 ngàn đồng. Số tiền thu được để dành cho các hộ trong nhóm vay phát triển kinh tế. Bà Nguyễn Thị Bích Thu, người xây dựng mô hình hỗ trợ vốn vay này cho người nghèo, cho hay hiện tổng số tiền mà nhóm tín dụng này hỗ trợ được cho người nghèo vay để giải quyết nhu cầu phát triển kinh tế đã lên đến gần 2 tỷ đồng, và hộ bà Lý Thị Liên là một trong số hàng trăm lượt gia đình được vay vốn từ mô hình này.

Từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng, nhiều cán bộ Mặt trận xã, ấp đã đứng ra làm cầu nối để người dân được vay vốn phát triển kinh tế. Ông Lê Đức Bình, 44 tuổi, ngụ ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, nói: “Dù cố gắng tăng ca, nhưng đồng lương công nhân may ít ỏi của vợ chồng tôi cũng rất khó đảm bảo được cuộc sống gia đình. Được sự hỗ trợ của Ban Công tác Mặt trận ấp, chúng tôi đã được vay 18 triệu đồng từ Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) để mua máy may và nhận hàng về gia công. Điều này đã góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình”. Được biết, đây là một trong 40 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại ấp Đoàn Kết được vay vốn với tổng số tiền trên 350 triệu đồng từ Quỹ CEP để có thêm điều kiện để phát triển kinh tế.

* Tiếp tục nhân rộng

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ huyện, xã và ban công tác Mặt trận ấp, khu phố đã phối hợp cùng ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiều mô hình giúp nhau sản xuất, xây nhà tình thương cho người nghèo, hỗ trợ học sinh, sinh viên vay vốn đến trường... Huyện cũng đã xây dựng được 13 nhà tình thương cho hộ nghèo với số tiền hơn 600 triệu đồng; sửa chữa 2 căn nhà bị hư hỏng với số tiền 40 triệu đồng và đang thực hiện 3 căn nhà tình thương khác, dự kiến trong năm nay có thể bàn giao cho các gia đình khó khăn khác. Bên cạnh đó, đã có 1.925 hộ được vay vốn để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập cuộc sống, cho con em đến trường với tổng số tiền trên 32 tỷ đồng.

Nhiều hộ gia đình thuộc diện cận nghèo hay không thuộc diện hộ nghèo nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn còn được hỗ trợ vay vốn để mua sắm các vật dụng cần thiết nhằm ổn định cuộc sống.

Để làm được điều này, phải kể đến những cố gắng của Ủy ban MTTQ huyện trong việc đưa và nhân rộng những việc làm, mô hình giảm nghèo hay đến với 17 xã, thị trấn, ấp khu phố trong huyện. Đồng thời tuyên dương, khen thưởng cho những cá nhân, tập thể có nhiều sáng tạo trong thực hiện giúp đỡ người nghèo. Nhờ vậy mà đến nay, những mô hình hay đã được phổ biến rộng rãi trong huyện và ngày càng có nhiều hình thức mới được triển khai thực hiện.

Bà Lưu Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trảng Bom, cho biết: “Hệ thống Mặt trận từ huyện đến xã, thị trấn, ấp khu phố đều quyết tâm xây dựng nên nhiều mô hình, việc làm cụ thể để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững nhằm hoàn thành mục tiêu chung của huyện là đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 1,37% trong năm 2013 giảm xuống dưới 1,2% trong năm 2014,  góp phần tích cực vào thực hiện xây dựng nông thôn mới”.

Văn Truyên 

 

 

 

Tin xem nhiều