Báo Đồng Nai điện tử
En

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

10:11, 30/11/2014

Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Bác Hồ đã dành tình cảm tha thiết của mình cho thế hệ trẻ. Người căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng...".

Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Bác Hồ đã dành tình cảm tha thiết của mình cho thế hệ trẻ. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một  việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Đoàn viên thanh niên thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh nhân Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7.
Đoàn viên thanh niên thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh nhân Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7.

Đây là một tư tưởng lớn, thống nhất và xuyên suốt trong cả cuộc đời Hồ Chí Minh. Bởi trong cả cuộc đời mình, Bác luôn tin tưởng và quan tâm dìu dắt thế hệ trẻ. Đối với Người, thanh niên không chỉ là tương lai mà còn là lớp người gánh vác trọng trách của nước nhà trong hiện tại. Lịch sử đã chứng minh, không có một chế độ xã hội nào muốn phát triển, không một dân tộc nào muốn sánh bước cùng các cường quốc lại không quan tâm đến vấn đề cốt tử này.

* Đặt trọn niềm tin

Ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sáng lập ra các tổ chức yêu nước, bao gồm phần lớn là thanh niên, như: Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, Nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pháp... Bản thân Nguyễn Ái Quốc là thành viên tham gia hoạt động rất tích cực trong phong trào thanh niên quốc tế. Để xây dựng lực lượng và tổ chức cho cách mạng Việt Nam, Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bao gồm những người ưu tú trẻ tuổi theo xu hướng cộng sản. Đây cũng chính là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám thành công, Người đã ngay lập tức quan tâm đến vị trí, vai trò của thế hệ trẻ. Người căn dặn: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Nói về nhiệm vụ xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Bác viết: “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các cháu rất nhiều” và tương lai đất nước sẽ phát triển ra sao: “Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các cháu”. Bác vừa khẳng định vai trò lịch sử của thanh niên, vừa đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng cách mạng của thanh niên.

* Vận mệnh của đất nước

Thực hiện những lời căn dặn và mong muốn tha thiết của Bác Hồ, trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã hăng hái lên đường, trong đó có cả những lớp thanh niên đã tạm “gác bút nghiên” lên đường ra chiến trận. Họ đã ra đi bằng lòng tin yêu tuyệt đối vào lý tưởng, bằng lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân. Biết bao máu xương của các thế hệ thanh niên đã ngã xuống để Tổ quốc trọn vẹn hình hài tươi đẹp hôm nay. Những La Văn Cầu, Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Lê Đình Chinh... là điểm son chói sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thanh niên.

Sinh thời, Bác đã dạy: “Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kinh tế, lao động và sản xuất”, phải chú ý đồng thời cả hai yếu tố đạo đức và tài năng. Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Đảng và Nhà nước phải đặc biệt chăm lo đến việc giáo dục - đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đó là vấn đề then chốt trong chiến lược con người. Điều đó thể hiện ở sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến những nhu cầu, nguyện vọng và xu hướng của tuổi trẻ. Từ đó đề ra những chủ trương, chính sách về thanh niên thật phù hợp.

Bước vào công cuộc xây dựng đất nước trong hòa bình, lớp lớp thanh niên Việt Nam lại xuất hiện ở những nơi gian khó nhất. Màu xanh của những chiếc áo xanh tình nguyện có ở khắp nơi. Cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu đang được lớp thanh niên hôm nay tiếp tục phát huy.

Không phải ngẫu nhiên mà trong Di chúc, Bác căn dặn, bồi dưỡng không chỉ để cho thế hệ sau trở thành những gì đúng như thế hệ trước đã có, mà còn vượt lên những gì thế hệ trước mong muốn nhưng chưa thực hiện được, do những điều kiện lịch sử quy định hoặc hạn chế, mà chỉ đến thế hệ sau mới làm được. Bồi dưỡng cho thế hệ trẻ là để trao vào tay họ cả tương lai và vận mệnh của đất nước. Bác căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Trung Kiên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều