Báo Đồng Nai điện tử
En

Gần 3.730 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Quốc hội

10:10, 20/10/2014

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

[links()]Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)
Từ đầu năm 2014 đến nay, mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân, kinh tế Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn: Tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô ổn định hơn (lạm phát được kiểm soát; lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; xuất siêu năm thứ ba liên tiếp). 

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được mở rộng; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. 

Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả đạt được của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. 

Các luật, nghị quyết và những vấn đề quan trọng khác được Quốc hội thông qua tại kỳ họp; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ đã góp phần sớm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, tạo cơ chế cho phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch và hiệu quả; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng theo pháp luật; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông; mong muốn các cơ quan chức năng của nhà nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Cử tri và nhân dân cũng mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với ngư dân; tăng cường các biện pháp đấu tranh kiên quyết, ngăn chặn không để các tàu của nước ngoài đe dọa, thu giữ trái phép ngư cụ, đập phá thiết bị hành nghề của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây hoang mang cho ngư dân thời gian qua.

Cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về: Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, sức mua tăng chậm, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp; tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế còn chậm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở nhiều tỉnh miền núi; thất nghiệp, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tham nhũng, lãng phí.

Cử tri và nhân dân hoan nghênh thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng tình ủng hộ việc triển khai các hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tập trung vào 6 nội dung cơ bản về: Đời sống của người dân, sản xuất, kinh doanh và quản lý thị trường; nông nghiệp, nông dân và nông thôn; giao thông vận tải; giáo dục và đào tạo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hàng giả, hàng kém chất lượng

Cử tri và nhân dân cho rằng, mặc dù Bộ Công Thương, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc rà soát, xử lý tình trạng quy hoạch không hợp lý những nhà máy thủy điện, nhưng sự an toàn của hồ chứa, đập thủy điện, lũ lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô vẫn là nỗi lo lắng, bức xúc của nhân dân. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan và địa phương có biện pháp sớm khắc phục tình trạng này.

Thời gian qua, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tiếp cận nguồn vốn khó; nhiều doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của hàng vạn người lao động và giảm nguồn thu cho ngân sách. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp phù hợp hơn nữa để giải quyết tình trạng này. 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. (Ảnh: TTXVN)
Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động còn nhiều như: Nợ lương, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động… Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh chính sách và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết tình trạng nợ này của các doanh nghiệp.

Cử tri và nhân dân tiếp tục lo lắng trước tình trạng bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, nhất là các loại nông sản, thực phẩm, đồ chơi trẻ em có nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng và thị trường hàng hóa trong nước; kiểm soát, quản lý chất lượng và nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật còn buông lỏng, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng bày bán nhiều nơi gây thiệt hại cho người nông dân và ô nhiễm môi trường sống. 

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp có liên quan; tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và thông báo công khai, định kỳ cho nhân dân biết về kết quả khắc phục tình trạng này.

Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả cho nông dân

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi đã đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng và nâng cấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với điều kiện từng địa phương; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp và sự tham gia tích cực của người dân. 

Cử tri và nhân dân nhiều nơi đề nghị cần rà soát và quy định cụ thể về danh mục, mức trần các loại đóng góp của nhân dân, tránh việc địa phương yêu cầu người dân đóng góp quá nhiều, không tương xứng với thu nhập thực tế; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí của Chương trình cho phù hợp với từng vùng, địa phương để có tính thiết thực và khả thi.

Mô hình sản xuất “Cánh đồng lớn” đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm, giảm giá thành, mang lại thu nhập cao hơn, tạo tiền đề cho người nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ cho nông dân và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp liên kết với nông dân, để hợp tác cùng phát triển.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; chú trọng hơn đến việc phân tích chính sách, đánh giá tác động của các chính sách sẽ ban hành đối với người nông dân; khắc phục tình trạng chính sách ban hành để hỗ trợ nông dân, nhưng người được hưởng nhiều hơn lại là đối tượng khác, như người sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp, các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nông sản.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật gây mất trật tự, an toàn giao thông

Cử tri và nhân dân đánh giá cao ý thức trách nhiệm cũng như những cố gắng của Bộ Giao thông Vận tải thời gian qua đã đạt được các kết quả tích cực; triển khai nhanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; bước đầu sử dụng hiệu quả nguồn lực để phát triển và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; giảm tai nạn và ùn tắc giao thông; tổ chức thi tuyển công khai các chức danh lãnh đạo cấp trưởng thuộc Bộ quản lý. 

Tuy nhiên, tình trạng hạ tầng giao thông đường bộ ở nhiều nơi xuống cấp do xe quá tải, quá khổ lưu thông và thiếu vốn để cải tạo, sửa chữa, duy tu; việc kiểm soát tải trọng xe đã được triển khai quyết liệt nhưng vẫn còn tình trạng nhiều xe tải trọng lớn cố tình trốn tránh trạm cân gây hư hỏng đường. Vẫn còn những vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng, nhất là xe khách đường dài, với số người thương vong lớn mà nguyên nhân chủ yếu là vi phạm pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải và người điều khiển phương tiện.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, ngành hữu quan, chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, cụ thể, thường xuyên nhằm xử lý những hành vi vi phạm pháp luật gây mất trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nhưng có tiêu cực, dung túng, bao che cho các đối tượng vi phạm; siết chặt hơn nữa công tác quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; tiếp tục kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị xây dựng, thi công không bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình giao thông.

Cần ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường học

Thời gian qua ngành giáo dục và đào tạo từng bước triển khai trên thực tế Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. 

Các công việc chuẩn bị cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông đang được tích cực triển khai, công tác quản lý giáo dục đã có chuyển biến tích cực theo hướng chuẩn hóa, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương và cơ sở đào tạo. Các đội tuyển học sinh Việt Nam tham gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2014 tiếp tục đạt thành tích xuất sắc. 

Quang cảnh phiên họp Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)
Quang cảnh phiên họp Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân nhiều nơi phản ánh chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp, chưa thực sự gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động; chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; chưa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. 

Cử tri và nhân dân nhiều nơi cũng phản ánh nền giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã và đang làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Thời gian gần đây, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 9/9/2014, nhưng đến nay vẫn chưa có quy chế kỳ thi quốc gia; quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. 

Có ý kiến đề nghị, đối với những thay đổi lớn ở quy mô quốc gia như thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển đại học, cần làm thí điểm ở quy mô nhỏ trước, rút kinh nghiệm rồi mới làm toàn quốc.

Về Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010- 2015, cử tri và nhân dân băn khoăn vì mặc dù đến tháng 5/2014, đã có 87% số xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập, song ở cấp tỉnh mới có 18 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Cử tri và nhân dân mong muốn việc phổ cập giáo dục mầm non cần có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt; đầu tư đúng mức của Chính phủ, các ngành, chính quyền địa phương, nhất là các tỉnh vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án trong năm 2015.

Tình trạng lạm thu trong trường học vào đầu năm học tuy có được kiểm soát nhưng tại nhiều trường ở các địa phương vẫn tiếp tục xảy ra, gây khó khăn cho các gia đình nghèo. Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp tốt hơn để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lạm thu trong trường học và thông báo cho nhân dân biết kết quả khắc phục.

Xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí

Cử tri và nhân dân nhiều nơi nhận xét công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có những cố gắng, đạt được các kết quả đáng khích lệ, như: Điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng lớn. Nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp.

Mặt khác, tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong những ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp; một số vụ tham nhũng được phát hiện ở lĩnh vực y tế, việc thực hiện chế độ, chính sách người có công và các chính sách xã hội khác, trong một số cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hoạt động công ích của địa phương, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Cử tri và nhân dân cho rằng những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chậm được khắc phục như: Việc kê khai tài sản mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp. 

Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và lãng phí; đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước quản lý.

Cần quyết liệt trong xử lý các dự án “treo”

Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan khẩn trương ban hành những quy định cụ thể hóa Luật Đất đai (sửa đổi) để Luật sớm đi vào cuộc sống; công tác quản lý nhà nước về môi trường có một số chuyển biến tích cực như chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các văn bản hướng dẫn để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. 

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh hiện nay, nhiều doanh nghiệp được giao đất nhưng bỏ hoang không sử dụng, trong khi những doanh nghiệp cần mặt bằng sản xuất thì lại phải chờ được cấp phép hoặc phải thuê lại, làm mất cơ hội kinh doanh. 

Ở một số địa phương, bên cạnh diện tích đất đã thu hồi vẫn để trống lại tiến hành thu hồi đất để cấp cho các dự án mới gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý các dự án “treo,” sử dụng đất có hiệu quả.

Việc ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, nhà máy và do nước thải chưa qua xử lý vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Tại các vùng nông thôn vấn đề nước thải và rác thải đang ngày càng phức tạp do nhiều cơ sở sản xuất, chế biến được đưa về nông thôn cùng với lượng lớn rác thải trong sinh hoạt của nhân dân chưa được xử lý. Trong khi đó ở nhiều tỉnh, huyện, quy hoạch xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp không có hoặc triển khai chậm. 

Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp và chưa được quan tâm đúng mức. Cử tri và nhân dân tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, chính quyền địa phương rà soát các chính sách liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm; kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền; chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan giải quyết và có báo cáo rõ hơn kết quả việc giải quyết những kiến nghị đã phản ánh tại các kỳ họp trước của Quốc hội về: Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là vào mùa mưa, lũ, bão; giải quyết tình trạng ngập nước ở các thành phố khi có mưa lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội; kiểm soát chặt hơn nữa tình trạng khai thác và xuất khẩu thô khoáng sản ở một số địa phương; tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều nơi; tình trạng khiếu nại tố cáo vẫn diễn ra phức tạp; nợ công tăng nhanh; cải cách hành chính./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều