Sáng 26-9, tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo đại hội. Báo Đồng Nai trân trọng trích đăng bài phát biểu của Tổng Bí thư.
Sáng 26-9, tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo đại hội. Báo Đồng Nai trân trọng trích đăng bài phát biểu của Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo đại hội |
1-Theo tôi, một trong những nhiệm vụ bao trùm quan trọng hàng đầu của MTTQ trong những năm tới là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là: Bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc. Lúc này, chúng ta tiến hành đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức do đây là một sự nghiệp mới mẻ, chưa có tiền lệ, làm đảo lộn nhiều nếp nghĩ, nếp sống, cách làm, lại có sự chống phá quyết liệt dưới nhiều hình thức của các thế lực thù địch. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta lại càng phải tăng cường sự đoàn kết, nhất trí, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
MTTQ là hình ảnh sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận cần động viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và giới doanh nhân, không ngừng tăng cường khối liên minh giữa công nhân - nông dân - trí thức, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới đồng bào, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung. Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh chung với các đại biểu dự đại hội. |
2- Chúng ta đều biết phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, rất quan trọng. MTTQ cần tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong việc vận động tổ chức thực hiện sâu rộng và có hiệu quả nhiệm vụ này. Tiếp tục làm tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua yêu nước, khuyến khích mọi người, mọi thành phần kinh tế tích cực đóng góp trí tuệ, tiền của, công sức để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình, đồng thời nêu cao tính cộng đồng và truyền thống nhân ái, tham gia xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho người có công với nước, làm việc thiện, giúp đỡ những hộ nghèo, những gia đình và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, giúp nhau nâng cao chất lượng cuộc sống. Vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, tạo thêm nguồn lực đầu tư cho các công trình xây dựng, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; trong đó có việc rất quan trọng là phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, nhân cách; xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ những thói quen, tập tục lạc hậu; xây dựng, bồi đắp những giá trị văn hóa mới tiên tiến, hiện đại, phù hợp với bản sắc dân tộc. Tôi đề nghị MTTQ phối hợp chặt chẽ với các ngành và các cơ quan chức năng đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng xã hội học tập, gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, làm cho lối sống có văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng người dân, nhất là thanh thiếu niên, và được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Coi trọng xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương, giữ gìn trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Kiên quyết phê phán, lên án những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, lối sống lai căng, bắt chước nước ngoài không chọn lọc; đấu tranh với những hành vi phi văn hóa, phản văn hóa.
3- Với vai trò là liên minh chính trị, là tổ chức rộng rãi của nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền, MTTQ cần tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức Đảng và cơ quan chính quyền, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước các cấp; tích cực tham gia chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, làm cho tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân và vì dân. Chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn. Mới đây, tháng 12-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Đây là các quy định cơ bản tạo điều kiện để Mặt trận triển khai hoạt động giám sát trong thời gian tới. Tôi rất mong và tin rằng MTTQ sẽ làm tốt công việc này.
4- MTTQ Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật thiết thực, hiệu quả, tránh hành chính hóa. Các phong trào cần chú ý đáp ứng đúng những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân, giải quyết những vấn đề sát sườn của dân; đoàn kết, tập hợp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ Đảng và Nhà nước; tham gia quản lý xã hội, góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Coi trọng việc nhân rộng các điển hình tốt, phê phán những việc làm dở, khắc phục tính hình thức. Muốn thế, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là những cán bộ hoạt động chuyên trách ở các cấp; chú trọng việc phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực sự tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chung. Công tác vận động quần chúng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nhưng Mặt trận đóng vai trò nòng cốt...