Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó triển khai đề án vị trí việc làm

11:09, 03/09/2014

Đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh vừa được hoàn thành. Do đây là lần đầu tiên thực hiện nên khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh vừa được hoàn thành. Do đây là lần đầu tiên thực hiện nên khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Quản sinh rất cần có trong các trường học nhưng theo quy định hiện nay không có trong định mức biên chế. Trong ảnh: Nhân viên quản sinh Trường THPT Phú Ngọc, huyện Định Quán (ngồi) cùng Hiệu trưởng theo dõi tình hình học sinh các lớp học qua hệ thống camera của nhà trường.
Quản sinh rất cần có trong các trường học nhưng theo quy định hiện nay không có trong định mức biên chế. Trong ảnh: Nhân viên quản sinh Trường THPT Phú Ngọc, huyện Định Quán (ngồi) cùng Hiệu trưởng theo dõi tình hình học sinh các lớp học qua hệ thống camera của nhà trường.

Một trong những khó khăn khi triển khai đề án vị trí việc làm là khó xác định số lượng biên chế, số người làm việc, xác định cơ cấu viên chức trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh, đặc biệt là các ngành GD-ĐT và y tế.

* Khó xác định cơ cấu viên chức

Phó giám đốc Sở Nội vụ Ngô Minh Dũng cho biết, đến nay Bộ Nội vụ vẫn chưa có hướng dẫn việc xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được quy định tại Nghị định số 41 ngày 8-5-2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, các đơn vị này không có cơ sở khi xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp. Vì vậy, vừa qua Sở Nội vụ đã hướng dẫn các đơn vị thuộc ngành y tế và GD-ĐT áp dụng theo định mức như trước đây. Đối với ngành GD-ĐT, định mức dựa trên số lượng lớp học, học sinh; đối với ngành y tế định mức dựa trên số giường bệnh, dân số theo kế hoạch hàng năm UBND tỉnh giao.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Ngô Minh Dũng cho rằng, chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị ở địa phương do Trung ương quy định. Do vậy, để việc xác định vị trí việc, số lượng người làm việc giữa các địa phương được thống nhất và ổn định, tốt nhất Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với từng bộ, ngành liên quan, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, xác định vị trí việc làm của từng ngành theo một khung thống nhất và xác định hệ số k cho từng vị trí dựa vào các tiêu chí, như: quy mô dân số, đơn vị hành chính, tăng trưởng kinh tế... để xác định số lượng người làm việc là phù hợp nhất, đồng thời qua đó ban hành chính sách phù hợp để giải quyết số lượng người dôi dư trong quá trình thực hiện đề án này.

Tuy nhiên, việc triển khai theo hình thức này cũng gặp một số khó khăn trong việc xác định số lượng người làm việc do thông tư hướng dẫn định mức ban hành đã lâu, không còn phù hợp với yêu cầu thực tế. Đơn cử như: biên chế viên chức ở các phòng GD-ĐT cấp huyện, thị xã, thành phố phụ thuộc vào biên chế của huyện, thị xã, thành phố giao chứ không thuộc biên chế của Sở GD-ĐT nên mỗi nơi thực hiện mỗi khác.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT, cho biết một số vị trí việc làm, như: nhân viên giáo vụ, kỹ thuật viên tin học, quản sinh rất cần có trong các trường học nhưng theo quy định hiện nay, nhân viên giáo vụ, kỹ thuật viên tin học chỉ có định mức trong các trường chuyên biệt như trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, còn các trường khác chưa có biên chế này; riêng vị trí quản sinh không có trong định mức biên chế. Do đó, khi xác định vị trí việc làm các đơn vị gặp nhiều khó khăn nên đều đề nghị bổ sung vị trí việc làm và số lượng người làm việc đối với các chức danh này.

* Biên chế tăng, không giảm

Nguyên tắc xây dựng đề án vị trí việc làm được Sở Nội vụ thực hiện là giữ nguyên biên chế (trừ trường hợp thành lập mới hoặc tăng nhiệm vụ). Tuy nhiên, qua rà soát, thẩm định của Sở Nội vụ, sau khi xây dựng đề án, số biên chế vẫn tăng so với trước đây. Cụ thể là tăng hơn 2,5 ngàn biên chế, trong đó tăng trên 2 ngàn biên chế viên chức và 494 biên chế công chức.

Mục đích xây dựng đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh nhằm rà soát và xác định lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, đơn vị; xác định lại từng công việc cụ thể gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp, từ đó có cơ sở xác định số lượng biên chế, số lượng người làm việc và có kế hoạch bố trí công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Theo đề án, các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh có hơn 4,3 ngàn công chức biên chế và hợp đồng; hơn 50 ngàn viên chức và hợp đồng.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Ngô Minh Dũng cho biết việc tăng biên chế ở Đồng Nai là phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương. Cụ thể, công chức tăng là do tăng thêm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật mà tỉnh đã đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung từ năm 2013 đến nay nhưng chưa được giải quyết. Ngoài ra, số công chức tăng do chuyển 200 viên chức thành công chức của Hạt Kiểm lâm thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Riêng đối với viên chức chủ yếu tăng ở ngành GD-ĐT và y tế do tăng nhu cầu trường lớp, học sinh trong 2 năm học 2013-2014, 2014-2015 và tăng giường bệnh, dân số năm 2013 và 2014.

Theo đại diện một số cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, việc triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm là một chủ trương đúng, rất cần thiết và nếu làm tốt sẽ tạo đột phá trong khâu tuyển dụng và quản lý cán bộ, công chức trong thời gian tới ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, quy trình triển khai như hiện nay còn bất cập, vì khi giao về cho các địa phương xây dựng đề án vị trí việc làm, mỗi nơi sẽ xây dựng theo mỗi kiểu, không nơi nào giống nơi nào, rất khó để thẩm định.

Đặng Ngọc

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích