Các đồng chí: Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vy Văn Vũ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới... cùng một số cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo chí Đồng Nai đã có buổi giao lưu thắm tình đoàn kết với toàn thể lãnh đạo, chiến sĩ của tàu CSB 2012.
“Toàn tàu báo động, rời cảng Dung Quất mạn phải. Các tổ dây về vị trí, báo cáo sự có mặt về Đài Chỉ huy” - tiếng của Đại úy Đàm Minh Khoa, Thuyền trưởng tàu CSB 2012 (thuộc Vùng Cảnh sát biển 2) vang lên dõng dạc trong loa. 8 chiến sĩ của 2 tổ lăn dây nhanh nhẹn vào vị trí. Khoảng 10 phút sau, đúng 8 giờ ngày 26-7, tàu CSB 2012 từ từ rời cảng Dung Quất (thuộc tỉnh Quảng Ngãi), lên đường tuần tra trên biển theo kế hoạch.
Đoàn Đồng Nai giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ tàu CSB2012. Ảnh: T.Thúy |
Có mặt trên tàu CSB 2012, đoàn công tác tỉnh Đồng Nai gồm các đồng chí: Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vy Văn Vũ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới, Tổng biên tập Báo Đồng Nai Trần Huy Thanh, cùng một số cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo chí Đồng Nai đã có buổi giao lưu thắm tình đoàn kết với toàn thể lãnh đạo, chiến sĩ của tàu. Đây là một trong những tàu cảnh sát biển đã có mặt đầu tiên đấu tranh trực diện với các tàu Trung Quốc trong vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vừa qua.
Những người dũng cảm
Điều khiến nhiều người bất ngờ, là các chiến sĩ và ngay cả cán bộ lãnh đạo tàu CSB 2012 đều còn rất trẻ. Trung úy Trần Khương Toản, Chính trị viên của tàu chỉ mới 27 tuổi; Đại úy Đàm Minh Khoa, Thuyền trưởng tàu vừa tròn 30 tuổi. “Thâm niên” nhất có lẽ là Thiếu tá Lê Hồng Lĩnh, cũng mới 40 tuổi. Còn lại các chiến sĩ đều nằm trong độ 8-9X, trong đó người trẻ nhất là 20 tuổi. Thế nhưng, trong hơn 70 ngày đấu tranh tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 vừa qua, những chiến sĩ trẻ ấy đã vô cùng mưu trí, dũng cảm, khéo léo trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
“Một năm, những người cảnh sát biển chỉ có khoảng 2-3 tháng ở trên bờ. Nhưng lên bờ chừng một tháng lại thấy nhớ biển, nhớ đồng đội. Cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 2012 chúng tôi luôn xem nhau như anh em một nhà, đoàn kết, yêu thương gắn bó cùng nhau. Vắng một người là thấy nhớ…” - Chính trị viên Trần Khương Toản, bộc bạch. |
Đại úy Đàm Minh Khoa kể: Tàu CSB 2012 làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực của Tập đoàn dầu khí Việt Nam mất 46 ngày, vừa trở về được 4 hôm thì ngày 1-5 nhận được tin Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, tàu lập tức lên đường. 18 giờ 30 ngày 2-5, tàu đến khu vực hạ đặt giàn khoan. Lúc ấy, phía Trung Quốc có trên 30 tàu hải cảnh, hải giám bảo vệ giàn khoan trái phép, đông gấp mấy lần tàu của lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, lại to lớn hơn gấp 4-5, hung hăng xịt vòi rồng, tìm cách đâm va vào các tàu của Việt Nam. Ngày 2-5, tàu CSB 2016 bị tàu Trung Quốc đâm va, tiếp đến ngày 3-5 tàu CSB 4033 bị đâm va, nên anh em trên tàu luôn nhắc nhở nhau phải cảnh giác. Thế nhưng, lúc 8 giờ 3 phút ngày 4-5, CSB 2012 đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc 44103 chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu. Do Thuyền trưởng Đàm Minh Khoa kịp thời cho tàu tăng tốc vòng tránh nên thiệt hại nhẹ hơn so với tàu CSB 4033, nhưng cũng bị một vết rách rộng 1m ở góc tàu.
Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt, Hải đội trưởng Hải đội 201 (gồm 10 tàu) cho biết, các tàu đánh cá của Trung Quốc trước đây thường lén vào vùng biển Việt Nam đánh bắt trái phép, nhưng thấy lực lượng cảnh sát biển là thu lưới bỏ chạy vì họ cũng hiểu rằng đang hoạt động trái phép. Nhưng từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981, đưa các tàu hải cảnh, hải giám ra bảo vệ và khiêu khích thì các tàu cá của Trung Quốc cũng rất hung hăng, nhiều tàu còn gắn “quả lê” ở mũi tàu để đâm thủng tàu của lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam. Các tàu cảnh sát biển đều được trang bị vòi rồng công suất mạnh, bên cạnh đó do tàu nhẹ nên cơ động và có nhiều lợi thế, hoàn toàn có thể “phản công” nhưng vì toàn lực lượng đã xác định lập trường là gìn giữ hòa bình, tránh âm mưu khiêu khích nên phải hết sức bình tĩnh.
Thiếu tá Đạt cũng cho biết, trong những ngày đấu tranh vừa qua, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển hết sức khâm phục tinh thần dũng cảm của ngư dân Việt Nam. Ngày 7-6, khi Hải đội 201 nhận nhiệm vụ “giải vây” cho 27 tàu cá Việt Nam bị 40 tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc bao quanh tìm cách đâm va, các tàu thuộc hải đội vào đến nơi vẫn thấy các ngư dân tươi cười, lạc quan và sau đó vẫn tiếp tục ra khơi đánh bắt thủy sản, giữ vững ngư trường truyền thống.
Ấn tượng khó quên
Trên tàu, cán bộ, chiến sĩ và các thành viên đoàn Đồng Nai đã nhanh chóng tổ chức trao đổi và giao lưu văn nghệ. Trong tiếng sóng biển vỗ ì ầm hai bên mạn tàu, giữa những đợt tàu nghiêng ngả, tròng trành vì những con sóng lừng, sóng bạc đầu cao vút, lời ca tiếng hát vẫn vang lên bất chấp cả những cơn nôn nao vì say sóng. Biên tập viên Hạ Thi (Đài PT-TH Đồng Nai), người được anh em trên tàu đặt biệt hiệu “ca lẻ” đã liên tục được đề nghị biểu diễn các ca khúc quen thuộc, như: Gần lắm Trường Sa, Chút thư tình của người lính biển, Biển, nỗi nhớ và em… Ca sĩ không chuyên, biểu diễn không có sân khấu, không cần đàn, không cần cả dàn nhạc, chỉ có lời ca mộc mạc và những trái tim chân tình hòa nhịp cùng nhau. Từng người, từng người một, các chiến sĩ lần lượt kéo nhau vào đứng chật cả gian phòng nhỏ, say sưa nghe hát. Những chiến sĩ phải làm nhiệm vụ không thể rời vị trí thì yêu cầu hát qua bộ đàm liên lạc.
Trước đề nghị giao lưu của đoàn Đồng Nai, các chiến sĩ trẻ đã cử Chính trị viên Trần Khương Toản song ca cùng Hạ Thi bài Tình ta biển bạc đồng xanh. Chưa một giờ tập luyện cùng nhau, nhưng không ngờ hai giọng hát Nam - Bắc lại khá hòa hợp khiến mọi người đều vỗ tay hoan hô, đề nghị hát tiếp. Bất ngờ, thông báo từ loa vang lên “Mời “ca sĩ Lệ Rơi” về Đài Chỉ huy gấp”, rồi Chính trị viên Trần Khương Toản bối rối cáo lỗi chạy đi trong tiếng cười vang khi biệt hiệu “ca sĩ Lệ Rơi” của anh được mọi người biết đến. Và càng xúc động khi mọi người trong đoàn biết rằng Chính trị viên Trần Khương Toản vừa cưới vợ được 3 ngày thì xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, anh phải cùng anh em ra khơi làm nhiệm vụ, đến hôm nay vẫn chưa được về gặp lại người vợ trẻ.
Không riêng gì người chính trị viên trẻ ấy, toàn thể cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 2012 và các tàu khác đều chấp nhận hy sinh tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, tài nguyên; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, hòa bình và ổn định trên các vùng biển.
Thanh Thúy