Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo chí phải nhân rộng điều thiện, đấu tranh với cái ác, tiêu cực

11:06, 20/06/2014

Hơn 40 năm gắn bó với nghề báo, trong đó có 22 năm làm Tổng biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện giữ chức vụ Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Phạm Quốc Toàn luôn tâm huyết, trăn trở với nghề.

 Hơn 40 năm gắn bó với nghề báo, trong đó có 22 năm làm Tổng biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện giữ chức vụ Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Phạm Quốc Toàn luôn tâm huyết, trăn trở với nghề. Ông nói: “Những nhà báo đạo đức làm nghề kém phải được loại bỏ khỏi đội ngũ những người làm báo chân chính”.

Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn
Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn

* Thưa ông, nói đến báo chí là nói đến thời sự, vậy với nghề báo, nhà báo, vấn đề thời sự hiện nay là gì?

- Báo chí trước hết là thông tin. Tôi cho rằng vấn đề thời sự hiện nay của nghề báo, nhà báo chính là nêu trúng những vấn đề người dân quan tâm, người dân cần, là đời sống và việc làm, bảo vệ chủ quyền biển đảo, là ngăn chặn tham nhũng lãng phí. Tính thời sự cao nhất của báo chí chính là đề cập những vấn đề thiết thân thường ngày của người dân. Sự hấp dẫn của báo chí trước hết là nêu trúng những vấn đề thời sự cốt yếu nhất liên quan đến cuộc sống người lao động.

* Với tư cách là nhà báo lâu năm, ông đánh giá vai trò của báo chí như thế nào trong đời sống kinh tế - xã hội?

- Theo tôi, báo chí đóng vai trò trọng yếu trong đời sống kinh tế - xã hội. Bạn thử tưởng tượng, chỉ cần một ngày, một giờ, một phút không có báo chí, tức là không có thông tin, không có định hướng dư luận thì xã hội này sẽ đi tới đâu? Báo chí phải giúp công chúng, cộng đồng, xã hội nhân rộng điều thiện, đấu tranh với cái ác, tiêu cực. Báo chí không chỉ phát hiện mà còn dự báo sự kiện. Báo chí thúc đẩy dân chủ hóa xã hội, minh bạch hóa thông tin. Báo chí khác biệt, đối lập với sự bưng bít thông tin, che lấp lối làm ăn khuất tất.

* Với tư cách là người đọc, người nghe, người xem, ông ấn tượng nhất với những gì mà truyền thông đưa đến cho công chúng báo chí?

- Điều mà tôi ấn tượng nhất chính là sự dấn thân của nhà báo. Nhà báo có mặt ở mọi nơi, mọi lúc để thông tin, bình luận các sự kiện nóng bỏng đã, đang và sắp xảy ra để đưa đến cho công chúng những thông tin mới nhất, kịp thời nhất, sốt dẻo nhất những sự kiện thời sự chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh mà các sự kiện đó tác động đến mọi người, mọi nhà, đến quốc kế dân sinh.

Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, nhà báo đã có mặt ngay tại thực địa, thông tin tường thuật diễn biến sự việc. Thông tin được chuyển tải ngay đến công chúng, ấn tượng lắm, tác động và hiệu quả xã hội có thể thấy ngay, thổi bùng và lan tỏa lòng yêu nước nồng nàn trong xã hội.

* Thời gian gần đây, xu hướng “lá cải hóa” báo chí có vẻ lên ngôi, tác động tiêu cực đến xã hội, ông nhìn nhận điều này như như nào?

- Đúng là trong đời sống báo chí bên cạnh mặt tốt, mặt tích cực - dòng chảy chủ đạo như tôi vừa nêu, đang xuất hiện khuynh hướng “lá cải hóa” báo chí, khuynh hướng này chưa được ngăn chặn kịp thời, thậm chí càng ngày càng nhức nhối hơn. Thứ báo chí “lá cải” này miêu tả trần trụi, tự nhiên chủ nghĩa chuyện tình, tù tội, khai thác đời tư rẻ tiền, bôi bẩn đời sống văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam, tác động xấu đến nhiều người, nhiều gia đình, nhất là đối với thanh thiếu niên. Chúng ta không thể chủ quan xem thường, bởi chính lối làm báo dễ dãi, câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường, tác động tiêu cực, làm xói mòn đạo đức xã hội.

Khuynh hướng “lá cải hóa” báo chí ngang nhiên tồn tại, có phần trách nhiệm buông lỏng quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản. Việc cấp phép hoạt động các phụ trương, phụ san, các trang mạng điện tử thiếu sự cân nhắc, tạo mảnh đất màu mỡ cho khuynh hướng “lá cải hóa” báo chí phát triển. Khi thứ độc hại này xuất hiện lại chậm xem xét, xử lý nghiêm minh. Tôi cho rằng không cần nói nhiều, những tờ báo hoạt động trái với tôn chỉ mục đích, cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản yêu cầu đình bản, thu hồi giấy phép, chắc chắn hiệu quả ngăn chặn “cỏ độc” sẽ có hiệu quả.

“Khuynh hướng “lá cải hóa” báo chí sinh sôi nẩy nở phản ánh sự  xuống cấp đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo nào đó. Những nhà báo có trách nhiệm xã hội và lương tâm nghề nghiệp không cho phép chạy theo lối viết báo, làm báo câu khách rẻ tiền. Loại báo chí “lá cải hóa”, sớm muộn sẽ bị loại bỏ khỏi đời sống báo chí nước nhà”.

* Có tâm lý né tránh nhà báo, có phải do nền báo chí phát triển nhanh, quản lý theo không kịp, hay còn có nguyên nhân gì khác, thưa ông?

- Lý giải rằng có tâm lý sợ báo chí, do nền báo chí phát triển nhanh, quản lý theo không kịp tôi cho là chưa thỏa đáng. Xem xét nguyên nhân này có 2 vấn đề, thứ nhất tổ chức và cá nhân làm ăn đàng hoàng, ngay thẳng, minh bạch, chẳng có gì phải sợ báo chí. Thứ hai, có một số nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi. Nhà báo đạo đức làm nghề kém phải được loại bỏ khỏi đội ngũ những người làm báo chân chính.

Các cơ quan báo chí cần xem xét chặt chẽ việc thành lập và quản lý, tuyển chọn nhân sự các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú tại các địa phương. Có không ít văn phòng đại diện lập ra là để “chạy” quảng cáo từ đó mà sinh ra nạn vòi vĩnh, dọa dẫm doanh nghiệp để kiếm tiền. Sự buông lỏng quản lý các “đại diện”, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng, góp phần làm cho người ta ngại báo chí, né báo chí.

* Dường như hiện nay có một số không ít nhà báo đang có vấn đề về đạo đức nghề nghiệp. Ông có nhận xét gì về thực trạng này?

- Đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo đúng là đang có vấn đề. Nguyên tắc chuẩn mực, tối thượng của đạo đức báo chí là thông tin trung thực khách quan sự kiện, vì lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân. Vậy mà vừa qua có không ít tin, bài của báo này, báo kia, nhất là trên một số báo mạng điện tử lại vi phạm. Rồi tình trạng “xào nấu” tin, bài của đồng nghiệp diễn ra công khai, bất chấp Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ. Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, nhưng những quy định chế tài để thực hiện chưa đủ mạnh để xử lý và phòng ngừa.

* Theo ông, việc dạy nghề báo trong các trường đã bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí hiện đại?

- Các cơ sở đào tạo báo chí ở nước ta đã có nhiều cố gắng để hội nhập, đào tạo, bồi dưỡng nghề báo theo xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Tuy nhiên, không phải cơ sở đào tạo nào cũng được như thế. Các trung tâm đào tạo báo chí ở Mỹ và châu Âu, cơ sở vật chất dạy nghề của họ rất hiện đại. Bên cạnh trung tâm đào tạo nghề báo là một số cơ quan báo chí mạnh, giúp người học thực tập nghề bài bản, hiệu quả. Giảng viên giỏi lý luận, có phương pháp sư phạm, đặc biệt họ là những nhà báo giỏi nghề, từng là những nhà báo có tác phẩm báo chí xuất sắc, những nhà báo tên tuổi đã làm nghề ở các cơ quan báo chí tên tuổi.

* Ông nhìn về tương lai phát triển của báo chí Việt Nam như thế nào?

- Những năm qua, báo chí Việt Nam đổi mới và phát triển nhanh cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, loại hình, lớn mạnh về đội ngũ. Tương lai phát triển của báo chí Việt Nam rất rộng mở, theo xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò, trách nhiệm trong các hoạt động nghề, nâng cao năng lực nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của nhà  báo. Các cấp hội nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động, để Hội Nhà báo luôn luôn là “mái nhà chung” của những người làm báo.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Loan (thực hiện)           

[links()]

Tin xem nhiều