Giải báo chí Dương Tử Giang lần thứ IV-2014 của tỉnh sẽ được trao cho 11 nhà báo, trong đó có 3 nhóm tác giả và 5 cá nhân xuất sắc, từng đạt các giải báo chí cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đây là giải thưởng báo chí lớn được người làm báo trong tỉnh mong đợi.
Giải báo chí Dương Tử Giang lần thứ IV-2014 của tỉnh sẽ được trao cho 11 nhà báo, trong đó có 3 nhóm tác giả và 5 cá nhân xuất sắc, từng đạt các giải báo chí cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đây là giải thưởng báo chí lớn được người làm báo trong tỉnh mong đợi.
Nhà báo Thanh Thúy phỏng vấn bà Trần Thị Sang, nhân chứng lịch sử tham gia trận đánh kho bom Thành Tuy Hạ (huyện Nhơn Trạch) năm 1972. |
Dịp này Báo Đồng Nai giới thiệu 3 nhà báo xuất sắc đã đạt giải A của Giải báo chí Dương Tử Giang năm nay.
* Người có duyên với các giải thưởng
Nhà báo Hà Thị Thanh Thúy (Báo Đồng Nai) đến với nghề báo khá muộn. 11 năm làm báo, chị đã không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi, đầu tư viết nhiều tin, bài có chất lượng, đạt được nhiều giải thưởng cao trong nghề. Nhiều bài báo viết về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và truyền thống cách mạng của nhà báo Thanh Thúy đã tạo được ấn tượng cho bạn đọc và đạt được nhiều giải danh giá. Cụ thể, như tác phẩm Còn đó, những nỗi đau sau chiến tranh đạt giải nhì Ngòi viết vàng, giải C báo chí quốc gia năm 2008; Xung quanh dư luận về việc có hài cốt liệt sĩ ở Nhà lao Tân Hiệp đạt giải nhì Ngòi viết vàng năm 2010; Hành trình của những số phận da cam đạt giải ba Ngòi viết vàng năm 2011. Đặc biệt, chị đã đạt nhiều giải cao trong cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức. Năm 2013, bài viết Những mô hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Đồng Nai của nhà báo Thanh Thúy đã đạt giải A quốc gia cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2013 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Giải thưởng báo chí Dương Tử Giang năm 2014 có nhiều điểm mới, trong đó đáng lưu ý là giá trị giải thưởng được nâng cao hơn. Cụ thể, đối với mức giải thưởng cho cá nhân tác giả: giải A là 20 lần mức lương tối thiểu; giải B: 15 lần; giải C: 10 lần. Ở giải tập thể, giải A: 30 lần mức lương tối thiểu; giải B: 20 lần; giải C: 15 lần. |
Nhà báo Thanh Thúy chia sẻ, viết về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa dễ, vừa khó. Đề tài không khó vì trong cuộc sống quanh ta không hiếm những tấm gương học tập và làm theo gương Bác nhưng khó là ở cách thể hiện. Toàn tỉnh hiện nay có hàng trăm mô hình “Làm theo”, làm sao để bật lên được nét riêng của mỗi mô hình, không lẫn vào cái chung, vừa đảm bảo sự chân thật, chính xác mà vẫn có tính thuyết phục, hấp dẫn được người đọc? Điều này tùy thuộc vào “tâm và tài” của người viết. Nếu tác nghiệp không sâu, gặp gỡ nhân vật chớp nhoáng sẽ không chuyển tải hết những tính cách riêng của nhân vật, ắt hẳn nhân vật sẽ mờ nhạt, nhòa lẫn giữa hàng trăm sự kiện xảy ra hàng ngày trong đời sống toàn cầu hóa hiện nay.
* Nỗ Lực Của những nhà báo đa năng
Nhóm tác giả duy nhất đạt giải A giải báo chí Dương Tử Giang năm 2014 thuộc về 2 nhà báo Hồ Phan Mộng Thu (bút danh Minh Thu) và Võ Lê Kiệt (Đài PT-TH Đồng Nai). Phóng sự truyền hình của 2 nhà báo Minh Thu - Lê Kiệt về bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa đã tạo tiếng vang lớn trong dư luận cả nước năm 2008. Với tác phẩm này, 2 tác giả đã nhận được nhiều giải thưởng báo chí danh giá, như: giải A báo chí Quốc gia năm 2008, giải nhất liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2008, giải nhất Ngòi viết vàng năm 2009.
TS. Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa báo chí - truyền thông Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh: Trau dồi đạo đức của người làm báo Trong bối cảnh truyền thông xã hội đang bùng nổ như hiện nay đã tạo ra nhiều áp lực, đặt các nhà báo vào thế khó trong cuộc đấu tranh giữ vững phẩm chất nghề nghiệp của mình. Từ thực tiễn báo chí hiện đại và thực tiễn xã hội sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới ập đến khiến nhiều tờ báo, cá nhân nhà báo bị “choáng” do không theo kịp hoặc không có ý thức đánh giá đầy đủ vấn đề mới phát sinh, có những hành xử không đúng chuẩn mực đạo đức, như: đạo văn, thiếu chính xác, hư cấu sáng tạo thông tin, đưa thông tin thiếu kiểm chứng, không khách quan... Một trong những ảnh hưởng lớn của truyền thông xã hội đối với báo chí ở Việt Nam diễn ra ở địa hạt kinh tế. Khi nhiều tờ báo rơi vào kịch bản khó khăn về kinh tế, từ đó có thể đẩy các nhà báo không đủ nghị lực, bản lĩnh trụ vững trước những cám dỗ trong nghề báo. Do đó, một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất của đạo đức người làm báo hiện nay là liệu cá nhân các nhà báo có làm chủ được khi đối mặt với đời sống, cơm áo gạo tiền của cá nhân, gia đình mình hay không? Những khó khăn này liệu có làm lệch lạc động lực hành nghề cũng như những chuẩn mực đạo đức các nhà báo phải thực hành hay không? Để trụ vững với nghề, các nhà báo ngoài học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, am hiểu pháp luật mà còn phải rèn luyện cho mình đạo đức tốt, phải kiên tâm, kiên định, kiên trinh với nghề; không nên đánh đổi thương hiệu, tên tuổi vì những lợi ích trước mắt mà vi phạm các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Bởi về lâu dài, chính uy tín, tên tuổi của các nhà báo sẽ mang đến những giá trị kinh tế cho cá nhân và gia đình các nhà báo. An An (ghi) |
Nhà báo Minh Thu chia sẻ, để có một tác phẩm báo chí chất lượng, đòi hỏi người làm báo phải có sự đầu tư, đeo bám đề tài. Riêng đối với truyền hình, phải biết tận dụng hình ảnh, âm thanh thể hiện nội dung để tạo được ấn tượng cho khán giả. Còn theo nhà báo Lê Kiệt, để có những cảnh quay đẹp, phản ánh sự việc một cách chân thực và sinh động, người quay phim cần có khả năng quan sát, phân tích để tiếp cận ở nhiều góc độ; có những trường hợp phải tính toán ngụy trang để tránh bị phát hiện. Đồng thời, cũng cần phải kiên nhẫn để ghi được những hình ảnh đắt giá nhất.
Hiện nay, nhà báo Minh Thu vừa là phóng viên vừa là biên tập viên của Phòng Thời sự Đài PT-TH Đồng Nai. Chị cho rằng, thuận lợi của một nhà báo vừa là phóng viên, biên tập viên là sẽ có cái nhìn khái quát hơn đối với từng vấn đề. Nhưng đây cũng là thách thức, vì đối với một biên tập viên đòi hỏi phải am hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó bản thân chị không ngừng học hỏi, liên tục cập nhật tin tức mang tính thời sự để chọn được những tin, bài chất lượng, bám sát hơi thở cuộc sống chuyển đến khán giả.
Tương tự, nhà báo Lê Kiệt cũng không ngừng học hỏi để đáp ứng yêu cầu phóng viên đa năng của đài. Anh là một trong số ít phóng viên của Đài PT-TH Đồng Nai vừa biết quay phim, dựng phim, vừa tham gia viết tin, bài. Anh tâm sự: “Đến với nghề báo từ chút ít kinh nghiệm về quay phim, dựng hình từ nghề kinh doanh chụp hình - quay phim của gia đình nên tôi phải nỗ lực học hỏi rất nhiều từ đồng nghiệp, sách báo”. Nhờ vốn liếng tiếng Anh đã được học tại khoa ngoại ngữ Trường đại học Lạc Hồng, anh có thể đọc hiểu và ứng dụng thành thạo nhiều tính năng của máy camera phục vụ cho chuyên môn. Để hoàn thiện kỹ năng viết, anh đã đăng ký học và đã tốt nghiệp văn bằng 2 về báo chí tại Khoa ngữ văn - báo chí Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh.
Ngọc Thư