Cho đến bây giờ, sau hơn 5 năm cộng tác với Báo Đồng Nai và trở thành cộng tác viên "ruột" chuyên viết về biển, đảo, tôi thấy mình trưởng thành rất nhiều.
Cho đến bây giờ, sau hơn 5 năm cộng tác với Báo Đồng Nai và trở thành cộng tác viên “ruột” chuyên viết về biển, đảo, tôi thấy mình trưởng thành rất nhiều. Những tin, bài được Báo Đồng Nai chọn đăng, không chỉ tiếp thêm cho tôi sức mạnh để tiếp tục cầm bút, mà còn khẳng định công sức lao động và tâm huyết với nghề.
Ngày 19-3-2009, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thành lập và đóng quân ở xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, cũng là ngày tôi bắt đầu làm cộng tác viên cho Báo Đồng Nai. Thực sự tôi xúc động xen lẫn niềm vui khi bài báo đầu tiên được tòa soạn chọn đăng đúng ngày thành lập Vùng 2 Hải quân.
Tôi không thể nào quên buổi sáng hôm ấy. Trong khi mọi người hân hoan mừng ngày thành lập vùng, còn tôi thì xuống thư viện để tìm Báo Đồng Nai xem bài của mình có được đăng không. Như không tin vào mắt mình, trên trang nhất Báo Đồng Nai in dòng chữ đậm Thành lập Vùng 2 Hải quân. Cầm tờ báo mà lòng khấp khởi, tôi đem luôn 3 tờ chuyển cho thủ trưởng Mai Tiến Tuyên (Chính ủy Vùng), thủ trưởng Trương Công Thế (Phó chính ủy Vùng) và anh Nguyễn Hải Triều - Chủ nhiệm Chính trị. Sau khi đọc xong, thủ trưởng Thế bảo: “Đồng Nai là tỉnh không có biển, em phải làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người hiểu về biển đảo”. Lời thủ trưởng Thế động viên, tiếp thêm cho tôi sức mạnh, và kể từ đó tôi thấy rõ trách nhiệm của mình hơn trong công tác tuyên truyền với tư cách là “nhà báo không thẻ” của tỉnh nhà.
Trong nhiều loạt bài viết về biển đảo, loạt bài 4 kỳ 50 năm huyền thoại một trường ca, dịp kỷ niệm “50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển” (23-10-1961-23-10-2011, khởi đăng Báo Đồng Nai ngày 23-9-2011) làm tôi xúc động nhất. Để thực hiện loạt phóng sự này, tôi và phóng viên Báo Hải quân Việt Nam Trịnh Dũng vượt 40km đường ven biển đến thôn Phước Tân, thị trấn Phước Hải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gặp má Mười Riều và thuyền trưởng tàu không số đầu tiên ở bến Phước Hải - Đại úy Nguyễn Sơn để nghe họ kể về cuộc đời lính tàu không số. Từ những câu chuyện xúc động của ông Nguyễn Sơn, Lê Hà, má Mười Riều, tôi đã viết loạt phóng sự 4 kỳ, gửi tòa soạn và chờ đợi. Một chiều, Tổng biên tập Báo Đồng Nai Trần Huy Thanh gọi điện cho tôi thông báo đã nhận được loạt bài và sẽ đăng vào gần ngày kỷ niệm. Anh Thanh còn động viên thêm: “Thắng viết được, báo anh rất cần tuyên truyền về biển đảo. Phát huy nhé”. Lời động viên ấy như có lửa để tôi cầm bút và tiếp tục dấn thân.
Những ngày sau đó, tôi coi Báo Đồng Nai là tờ báo “ruột” của mình. Tổng biên tập Trần Huy Thanh, các nhà báo: Phạm Mai, Đức Việt… như người thân thiết. Lòng đam mê nghề nghiệp, trách nhiệm của cộng tác viên Hải quân luôn dâng tràn cảm xúc mỗi lần theo tàu đến Trường Sa, DK1. Sau những chuyến đi ấy là bài vở ăm ắp trong đầu.
Để người Đồng Nai hiểu hơn về Trường Sa, nhà giàn DK1, với chức trách là cán bộ tuyên huấn của Bộ Tư lệnh Vùng 2, tôi đã xây dựng kế hoạch “Tuyên truyền biển, đảo trên Báo Đồng Nai” với những tin bài cụ thể gửi ban biên tập. Sau đó, những loạt bài phóng sự về Trường Sa, nhà giàn DK1 đã góp phần giúp các tầng lớp nhân dân Đồng Nai hiểu về tầm quan trọng của biển đảo, về những người lính Trường Sa kiên cường trong bạt ngàn nắng gió, và cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 chấp nhận gian khổ, sẵn sàng hy sinh quên mình để bảo vệ tiền tiêu Tổ quốc.
Mỗi khi bài viết của mình được Báo Đồng Nai chọn đăng đã tiếp thêm cho tôi tình yêu nghề nghiệp. Tôi hiểu viết báo không chỉ là một nghề, mà còn là hơi thở, là nhựa sống và niềm vui mà Báo Đồng Nai là mảnh đất khơi lửa, ươm mầm và chắp cánh cho tôi thỏa niềm mơ ước...
Mai Thắng